Trích sách "1% nỗ lực": Lâm vào hoàn cảnh nào thì sẽ cảm thấy kinh khủng?
(Dân trí) - "Có người thấy bị cấp trên la mắng là kinh khủng, có người thì cho rằng thất nghiệp là kinh khủng, lại có người chỉ thấy mắc nợ, hoặc tán gia bại sản mới là kinh khủng...".
Cuốn sách 1% nỗ lực của tác giả Hiroyuki, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành, được xem là sách best-seller (bán chạy) của nước Nhật.
Tác phẩm đem đến 49 suy nghĩ giúp độc giả nhận định được lúc nào nên cố gắng, lúc nào nên buông bỏ và điều bạn có thể thay đổi để sống cuộc đời thoải mái và nhàn hạ hơn.
Với cách tư duy này, bạn có thể chỉ cần bỏ ra 1% nỗ lực nhưng vẫn đạt được thành công trong công việc và hạnh phúc trong cuộc sống.
Giới hạn nằm ở đâu?
Tùy gia đình mà sẽ có phụ huynh cảm thấy xấu hổ khi con mình trở thành ông chú/bà cô ở phòng trẻ con.
Với trường hợp khu tập thể Kirigaoka, vì có quá nhiều ông chú ở phòng trẻ con như đã kể nên tôi thường gặp cảnh người gia đình khác lo lắng cho họ, kiểu như "Thằng bé nhà kia không biết đang làm gì. Ban ngày cứ đi lang thang vậy có được không đó?".
Các bậc phụ huynh cũng chẳng cần giấu giếm chuyện con mình, có lẽ vì họ chẳng xem đó là chuyện xấu xa gì. Giới hạn thể diện của họ thấp hơn nhiều so với mức thông thường.
Thời đó, nhà tôi không mấy khi khóa cửa, vì có kẻ trộm nào lại mò vào khu tập thể toàn người nghèo này. Mọi người đều biết chẳng ai có đồ đắt tiền nên cũng không có chuyện trộm cắp của nhau.
Một khi đã sở hữu của cải hay tiền bạc thì con người sẽ muốn bảo vệ chúng. Cả những thứ vô hình như địa vị hay danh dự nữa. Chúng ta đang vô tình thiết lập một giới hạn tối thiểu tự lúc nào chẳng hay.
Nếu ta đẩy giới hạn đó lên mức cao thì phải ra sức duy trì nó, từ đó phát sinh chi phí duy trì. Còn với những cư dân của khu tập thể Kirigaoka, do giới hạn nằm ở mức thấp, những thứ cần bảo vệ cũng chẳng là bao nên họ sống rất thảnh thơi.
Ở khu tập thể có rất nhiều người cho dù phải nhận trợ cấp xã hội thì vẫn được tiếp tục sống ở đó. Muốn đi làm thì đi, không thích đi làm thì vẫn sống khỏe nhờ tiền trợ cấp.
Dù đi làm hay không thì cuộc sống của họ vẫn không thay đổi. Vậy nên, đó quả là một hệ thống tốt. Trẻ con đông, mọi người tuy nghèo nhưng lại rảnh rỗi. Có cảm giác cả khu cùng chung sức nuôi dạy đám trẻ con. Mọi người đều biết mặt bọn trẻ nhà khác nên đám trẻ con chúng tôi rất hay ăn chực và ngủ lại nhà bạn.
Kiểu sống tương trợ, tiền thân của dạng nhà chung (sharehouse) vốn đang là mốt hiện nay ở Nhật, đã có từ lúc ấy.
Gần đây, tôi lại nghĩ khu tập thể nghèo ấy quả là một môi trường tốt. Tôi không có ý nói rằng nên quay lại sống như xưa mà chỉ nghĩ rằng trong một hệ sinh thái kiểu "cộng sinh" thì quan trọng là tương trợ lẫn nhau để cùng sống thảnh thơi và không cạnh tranh.
Khi trưởng thành, qua gặp gỡ và nói chuyện với những người ở nơi khác, ta sẽ nhận ra điều hiển nhiên đối với mình hóa ra không hề hiển nhiên với người khác. Còn không thì khi dọn đến sống ở nơi khác, ta cũng sẽ cảm thấy sự khác biệt về tiêu chuẩn sống.
Chính vì sống trong môi trường như thế nên suy nghĩ "không làm việc là không được" hầu như không có trong đầu tôi.
Ngoài ra còn một lý do khác nữa.
Cha tôi là nhân viên thuế vụ. Nói cách khác là công chức. Người làm công chức không có ham muốn kiếm tiền như dân kinh doanh. Thực chất, tôi cũng không rõ cha tôi làm những việc gì, ông cũng chẳng kể chuyện về công việc cho cả nhà nghe.
Nếu hồi nhỏ tôi được nghe những câu chuyện kiểu như "Hôm nay có dự án quan trọng" hay "Tháng này công ty kiếm được tới 10 triệu yên lận đó" thì có lẽ niềm đam mê kinh doanh đã ít nhiều hình thành trong tôi rồi cũng nên.
Cha mẹ tôi lại theo chủ nghĩa "mặc kệ nó". Năm lớp 12, có lần tôi đi uống rượu, đang đạp xe về thì bị cảnh sát phát hiện, bắt về đồn. Tôi nhớ hoài cảnh cha tôi lúc bị gọi tới đồn cứ cười hề hề. Chắc ông nghĩ chuyện đó chẳng to tát gì, tôi cũng chưa gây ra chuyện gì cho ai nên mới vậy.
Nếu được dạy dỗ theo kiểu "Cha mẹ rất giận vì con đã làm một việc sai trái" thì không chừng tôi đã hòa đồng hơn. Đằng này lại không như thế.
Quay lại câu chuyện, tôi nghe nói trong số những người bạn sống ở khu tập thể Kirigaoka sau này có một người trở thành xã hội đen, một người gia nhập phe cánh hữu.
Tuy tôi không bất ngờ với điều đó lắm nhưng khi đem chuyện này kể cho những người xung quanh thì tôi thấy có hai kiểu phản ứng: "Kinh khủng quá!" và "Chuyện như vậy cũng thường xảy ra mà!".
Mỗi người có một tiêu chuẩn riêng về sự "kinh khủng".
Có người thấy bị cấp trên la mắng là kinh khủng, có người thì cho rằng thất nghiệp là kinh khủng, lại có người chỉ thấy mắc nợ, hoặc tán gia bại sản mới là kinh khủng...
Còn có những người giống như tôi, xem chuyện nào cũng là bình thường. Có lẽ bạn cũng nên thử suy nghĩ về điều "kinh khủng/tồi tệ nhất" của mình một lần xem sao.
Lâm vào hoàn cảnh nào thì sẽ cảm thấy kinh khủng?
Một người bạn thời tiểu học của tôi một ngày nọ bỗng nhận được thư đòi nợ từ dân cho vay nặng lãi. Vì thấy lạ nên cậu ta đi tìm hiểu, hóa ra thằng em ruột lấy bằng lái của anh đi vay tiền.
Tôi nghe kể là vì bị dọa "Nếu không trả thì tao sẽ lôi cổ thằng em mày ra cảnh sát" nên bạn tôi đành cắn răng trả nợ thay.
Những chuyện như thế đầy rẫy quanh ta. Ấy vậy mà vẫn có người chỉ vì không đậu đại học đã vội nghĩ: "Cuộc đời mình thế là đi tong". Đặt mục tiêu cao như thế chẳng phải khó sống lắm ư?
Xung quanh tôi có nhiều người đến từ các khu tập thể và ít người tốt nghiệp đại học nhưng tôi chưa thấy ai chết đói bao giờ. Chắc chắn ngay cả người chán nản sắp bỏ cuộc vì nghĩ mình ở dưới đáy xã hội cũng thôi cho rằng mình là đồ bỏ đi khi nhìn xuống thấy có người sống khổ hơn mình.
Bạn nên thử đến khu của những người bị gọi là cặn bã của xã hội. Lúc còn trẻ bạn nên đi du lịch các nước nghèo, nếu không có khả năng đi thì cũng nên tìm hiểu qua sách vở, phim ảnh... Việc này có ích hơn cả chuyện học kỹ năng kinh doanh.
Trong series phim truyền hình Breaking Bad, biên giới Mỹ - Mexico được phác họa như sào huyệt xã hội đen và khán giả bị ám ảnh với quá trình nhân vật chính từng bước một trở thành ông trùm cần sa.
Hai thành phố được nhắc đến trong phim là El Paso (Mỹ) và CiudadJúarez (Mexico). Cả hai nơi này tôi đều đã từng đến. Tôi đi vì hiếu kỳ, khi nghe người ta nói những nơi đó "rất kém an ninh".
Vừa qua khỏi biên giới vào đất Mexico, phố phường hai bên bỗng trở nên tiêu điều như phế tích, ở nơi có vẻ là chợ thì cả trăm cửa hiệu chỉ khoảng năm cái còn mở cửa.
Tôi nghĩ bụng: "Thành phố này điêu tàn rồi" rồi quay lại biên giới và đi về hướng ngược lại. Tôi thấy một khu phố mua sắm, người dân vẫn sinh hoạt bình thường và có cả một quán cà phê hạng sang.
Tôi thử đi vào trong khu phố và thấy mọi người ngồi ăn pizza rất vui vẻ. Tôi cũng vào quán gọi món tacos, ăn rất ngon.
Lúc đó tôi đã nghĩ "rất kém an ninh" có lẽ là một định kiến ngăn cản tư duy. Dù là nơi bị đánh giá là cặn bã đi nữa, chỉ cần cư dân nơi đó vẫn sống vui vẻ thì người ngoài cũng không cần phải nói ra nói vào.
Vấn đề của các bậc phụ huynh sĩ diện mà tôi đề cập lúc nãy cũng vậy. Sĩ diện thì ta được gì? Vẫn biết chúng ta nên tránh gây phiền toái cho người khác, nhưng nếu con ta chỉ ru rú trong nhà, xa lánh xã hội hay không đi làm thì ảnh hưởng đến ai?
Nhìn lên để so sánh là ngu ngốc, nhưng nhìn xuống để bình tâm lại thì tôi không phản đối. Tôi nghĩ nhìn lên thì chẳng khác nào chuyện hơn thua cái khay để trứng, còn nhìn xuống là để thấy đời mình vẫn còn tốt chán.
Ta có hạnh phúc hay không là tùy vào cách nghĩ của ta, nên bạn hãy xem cách nghĩ trên như một kỹ năng cần có. Có lẽ không cha mẹ hay thầy cô nào dạy ta nhưng đó chính là kỹ năng sinh tồn.
(Còn tiếp)