1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Trào lưu chế ảnh Võ Tắc Thiên: Việt Nam thiếu hình tượng tạo nên cơn sốt?

Trong khi cơn sốt hóa thân thành Võ Tắc Thiên đang lan tỏa trong cộng đồng mạng và chưa có điểm dừng, thì một vấn đề được nhiều người đặt ra, phải chăng Việt Nam đang thiếu những hình tượng có sức lan tỏa, thực sự gần gũi để khán giả hứng thú trải nghiệm và đủ sức gây sốt trong cộng đồng?

 
Những ngày qua dân mạng, nhất là giới trẻ “phát sốt” với trào lưu hóa thân thành nhân vât quyền uy Võ Tắc Thiên sau khi bộ phim “Võ Mỵ Nương truyền kỳ” do cô đào Phạm Băng Băng sản xuất lên sóng. Trong khi các sao thực hiện nguyên bộ ảnh để ăn theo nhân vật này, thì rất nhiều người lựa chọn cách dùng app Pitu – một phần mềm công nghệ của Trung Quốc – để có những trải nghiệm được một lần được hóa thân thành nhân vật nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn trong lịch sử Trung Hoa.

Hình tượng Võ Tắc Thiên do Phạm Băng Băng thể hiện trong

Hình tượng Võ Tắc Thiên do Phạm Băng Băng thể hiện trong Tân Võ Tắc Thiên đang thu hút sự chú ý của cư dân mạng.

Và cơn sốt này trong giới trẻ Việt đang gây ra nhiều tranh cãi. Bởi lẽ, không ít người đã đi quá giới hạn, tạo ra vô vàn những phiên bản Võ Tắc Thiên khác nhau, thậm chí còn biến cả động vật như chó mèo thành nhân vật. Sự “quá tay” này tạo ra cái nhìn phản cảm và đang bị cho là lố lăng, kệch cỡm.

Tuy vậy, không ít người thấy việc các bạn trẻ chạy theo phong trào chế ảnh Võ Tắc Thiên là hết sức bình thường và điều này chỉ mang tính giải trí chứ không đặt nặng vấn đề “xúc phạm văn hóa”, hay đến mức “xâm lấn văn hóa”.

Nhưng điều làm nhiều người băn khoăn nhất là giới trẻ trong nước lại đang chạy theo một trào lưu mà nhân vật họ say mê hóa thân là của nước ngoài, chứ không phải một ca sĩ, diễn viên, nhân vật nào đó của Việt Nam. Phải chăng Việt Nam chưa có được những hình tượng có sức lan tỏa mạnh mẽ? Hay nói cách khác, điện ảnh Việt chưa thực sự tạo ra nhân vật hấp dẫn có hiệu ứng mạnh mẽ với truyền thông và lan tỏa cộng đồng như vậy?

Trao đổi về vấn đề này, diễn viên Lan Phương cho rằng Việt Nam không thiếu những nhân vật nổi tiếng, hoặc người của công chúng có tầm ảnh hưởng, có điều chưa thật “lấp lánh” và chúng ta chưa đủ nhanh nhạy để biến nó thanh một cơn sốt, được giới trẻ yêu thích.

Hình tượng Võ Tắc Thiên do Phạm Băng Băng thể hiện trong

Diễn viên Lan Phương cho rằng Việt Nam không thiếu hình tượng để giới trẻ có thể học theo, nhưng có điều chưa thật sự gần gũi và sinh động để tạo nên một cơn sốt.

“Để có được cơn sốt này, các nhà sản xuất của Trung Quốc đã rất nỗ lực và họ đã có một kế hoạch PR bài bản. Ê kip sản xuất đã dày công chuẩn bị trang phục cho nhân vật, tới gần 3.000 bộ đồ. Rồi cách tạo hình cho nhân vật trong Võ Tắc Thiên cũng hết sức ấn tượng, vừa quyền uy, vừa rất gợi cảm, nên được mọi người yêu thích. Phạm Băng Băng và ê kip sản xuất phim đã rất tài tình, khi tạo ra một nhân vật cực kỳ sống động, không những sốt trên màn ảnh mà còn lan tỏa ra ngoài cuộc sống”, Lan Phương chia sẻ.

Nữ diễn viên dẫn giải về hình tượng nhân vật Thị Mầu của Việt Nam và sức sống lâu bền của nó. Rất nhiều người đã hóa thân thành Thị Mầu, tạo ra các phiên bản khác nhau và diễn ở nhiều sân khấu lớn nhỏ, thậm chí còn lan rộng ra các phong trào nghệ thuật của quần chúng, có điều chưa đủ sức để tạo ra cơn sốt.

“Ngay sau khi Võ Mỵ Nương truyền kỳ phát sóng, bản thân nhà sản xuất và các công ty công nghệ của Trung Quốc đã rất nhanh nhạy khi cho ra đời ngay phần mền để khán giả có thể trải nghiệm, thử được làm nhân vật. Đặc biệt phần mềm đó lại rất dễ dùng, dễ cập nhật mà còn khiến khán giải thích thú. Phim hay, nhân vật đẹp, tạo hình ấn tượng, lại có thêm công nghệ để khán giả trải nghiệm thử làm nhân vật, nên không lý gì khán giả Việt Nam và nhiều nước khác lại không bị cuốn theo”, Lan Phương lý giải nguyên nhân của cơn sốt chế ảnh ăn theo phim về Võ Tắc Thiên.

Tuy vậy, Lan Phương cũng thẳng thắn cho rằng nền sân khấu - điện ảnh nước nhà chưa tạo ra những nhân vật có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ. Phim cổ trang của chúng ta chưa hay, chưa được đầu tư bài bản, công phu. Chúng ta đang thiếu những nhân vật đặc biệt, nhất là về mặt hóa trang để có thể tạo nên làn sóng trong giới trẻ.

“Chúng ta có nhiều hình tượng đẹp, nhưng khi đưa lên màn ảnh rộng thì tạo hình, đặc biệt trang phục của các nhân vật chưa là một cái gì đó "lấp lánh" để khiến khán giả thích thú và muốn thử. Cộng thêm phim ảnh của nước ta rõ ràng chưa khắc họa, tạo nên một nhân vật nào đó gần gũi khiến mọi người thích được xem, thích được hóa thân và trải nghiệm thành nhân vật đó”.

Và trong tương lai, có lẽ chúng ta vẫn hy vọng, một ngày Việt Nam sẽ có được hình tượng nào đó “lấp lánh”, có tạo hình ấn tượng, sinh động và có những công nghệ tương tự để khán giả và giới trẻ của Việt Nam có thể hứng thú hóa thân, hoặc ít nhất được "đã" khi xem phim cổ trang của điện ảnh nước nhà.

Theo Lao Động