Trái tim của “Tiểu đội xe không kính” đã ngừng đập
Sau nhiều tháng chống chọi với căn bệnh ung thư phổi quái ác, tác giả của những vần thơ gắn liền với thời bom lửa chống Mỹ, với Trường Sơn anh hùng đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lúc 8h49’ sáng nay 4/12.
Ngay trong buổi sáng nay, khi mới nghe tin dữ của ông, nhiều người bạn văn chương của ông đã kịp thời có mặt tại bệnh viện.
Trong thời gian ông lâm trọng bệnh, bạn bè đã dành cho ông những nghĩa cử cuối cùng chỉ mong ông được thanh thản trước lúc ra đi.
Mới đây, cô gái Thạch Nhọn năm nào trong thơ ông đã được con trai nhà thơ Huy Cận đưa từ vùng quê miền Trung nắng lửa ra thăm ông khi ông đang nằm hôn mê trên giường bệnh.
Những người bạn từng sát cánh bên ông, thường xuyên túc trực bên giường bệnh chỉ mới đây đã kịp hoàn thành tuyển tập Phạm Tiến Duật để ông được tận mắt chứng kiến khi còn sống. Các văn nghệ sỹ đã có buổi giới thiệu tại Hội Nhà văn để tuyển tập ấy nhanh chóng đến được với độc giả.
Những tập thơ chính của nhà thơ Phạm Tiến Duật:
Vầng trăng quầng lửa (thơ, 1970), nổi tiếng nhất với tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" Thơ một chặng đường (thơ, 1971) Ở hai đầu núi (thơ, 1981) Vầng trăng và những quầng lửa (thơ, 1983) Thơ một chặng đường (tập tuyển, 1994) Nhóm lửa (thơ, 1996) Tiếng bom và tiếng chuông chùa (trường ca, 1997) |
Và ngay sau khi tập sách ra mắt, nhà văn Lê Lựu đã đến bên giường bệnh nhà thơ Phạm Tiến Duật để trao giải thưởng văn học năm 2007 cho truyển tập Phạm Tiến Duật (phần 1). Trị giá giải thưởng là 50 triệu đồng. Nhà văn Lê Lựu mong muốn số tiền này được dành để lo các công việc chữa bệnh, in sách cho Phạm Tiến Duật.
Ngày 19/11 mới đây, Chủ tịch nước đã ký lệnh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho nhà thơ Phạm Tiến Duật. Đây là sự ghi nhận của nhân dân, của đất nước đối với sự cống hiến, lao động hết mình của nhà thơ cho văn học nghệ thuật. Những câu thơ của Phạm Tiến Duật còn sống mãi với con đường huyền thoại Hồ Chí Minh.
Hoạ sỹ Vũ Giáng Hương, Chủ tịch Uỷ ban liên hiệp các hội VHNT Việt Nam và nhà thơ Hữu Thỉnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn đã được Chủ tịch nước uỷ quyền trao Huân chương cho nhà thơ tại bệnh viện 108.
Phạm Tiến Duật sinh ngày 14/1/1941, quê ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Cha ông là nhà giáo, dạy chữ Hán và chữ Pháp, còn mẹ làm ruộng, không biết chữ. Ông tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, nhưng sau đó không tiếp tục với nghề giáo mà quyết định lên đường nhập ngũ.
Trong thời gian này, ông sống và chiến đấu chủ yếu trên tuyến đường Trường Sơn. Đây cũng là thời gian ông sáng tác rất nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng. Năm 1970, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ, Phạm Tiến Duật được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Chiến tranh kết thúc, ông về làm việc tại Ban Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam và từ đó đến nay sống tại Hà Nội, là Phó trưởng Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông cũng là người dẫn chương trình của một chương trình dành cho người cao tuổi của kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam.
Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Đóng góp chủ yếu của ông đối với nền văn học nước nhà là các tác phẩm thơ, phần lớn được sáng tác trong thời kỳ ông đang tham gia quân ngũ. Thơ của ông được các nhà văn khác đánh giá cao và có nét riêng như: giọng điệu sôi nổi, trẻ trung và có cái "tinh nghịch" nhưng cũng rất sâu sắc. Nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc thành bài hát trong đó tiêu biểu nhất là "Trường Sơn đông, Trường Sơn tây".
Bài thơ về tiểu đội xe không kính Phạm Tiến Duật Không có kính không phải vì xe không có kính Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng Không có kính ừ thì có bụi Không có kính ừ thì ướt áo Những chiếc xe từ trong bom rơi Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời Không có kính rồi xe không có đèn |
Theo Hà Anh
VTCnews