NSND Đặng Nhật Minh:
“Tôi chẳng giấu cả thói hư tật xấu”
(Dân trí) - Đời thường, người nghệ sỹ tài hoa này vẫn giữ nét phong sương mà giản dị. Cách trả lời các câu hỏi của ông ngắn gọn, không thích mọi sự hoa mỹ, ví von nhưng chính xác như toán học. Ông khiến cuộc trò chuyện trở thành một cuộc đối thoại thẳng thắn, mạch lạc.
NSND Đặng Nhật Minh sinh ra ở An Cựu, Huế, trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật. Ông là con trai của Giáo sư Bác sĩ Đặng Văn Ngữ và bà Tôn Nữ Thị Cung, một phụ nữ hoàng phái ở Huế. Mồ côi khi tuổi còn rất trẻ, trong suy tư của Đặng Nhật Minh trĩu nặng những nỗi đau mất mát. Ông đã đến với điện ảnh một cách tình cờ như duyên phận. Năm 2007, ông được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho bốn bộ phim truyện nhựa nổi tiếng: Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng Mười, Hà Nội mùa đông 46 và Mùa ổi.
Tháng 9/2008, bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười được kênh truyền hình CNN (Mỹ) bầu chọn là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Hiện tại, ông đang bận rộn với bộ phim nhựa mới, Đừng đốt- trong đó đã có lửa chuyển thể từ cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm.
Giữa đời thường, người nghệ sỹ tài hoa này vẫn giữ nét phong sương mà giản dị. Cách trả lời các câu hỏi của ông ngắn gọn, đơn giản, không thích mọi sự hoa mỹ, ví von nhưng chính xác như toán học. Ông khiến cuộc trò chuyện trở thành một cuộc đối thoại thẳng thắn, mạch lạc.
Không ai kiêu ngạo vì gặp may mắn
Người ta đã nói rất nhiều đến những tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Thời gian cũng đã kiểm chứng những giá trị nghệ thuật của "Bao giờ cho đến tháng Mười", "Thương nhớ đồng quê", "Mùa ổi"... Đi qua một chặng đường dài với điện ảnh, ông thấy mình được gì và mất những gì?
Tôi đến với điện ảnh bằng những sự tình cờ, ngẫu nhiên của số phận vì trước đó, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến điều này. Do đó, tôi không bao giờ tính toán xem được gì và mất gì.
Những người thành công thường rất dễ kiêu ngạo. Ông có thấy mình có chút kiêu ngạo nào của một người gặt hái được nhiều thành công?
Tôi không cho rằng mình là người gặt hái được nhiều thành công và nghĩ mình là người gặp nhiều may mắn. Không ai kiêu ngạo vì gặp may mắn.
Trong nghệ thuật, các nghệ sỹ thường ít khi phục tài nhau. Bản thân ông- với cái tôi lớn trong nghệ thuật, chắc cũng thế?
Tôi là người tự học để thành đạo diễn. Tôi có rất nhiều người thầy: Đó là tác giả kịch bản bộ phim, những cuốn sách mà tôi yêu thích, khâm phục. Nếu không phục ai thì làm sao mà tự học được?
Câu chuyện phim của ông thường là những câu chuyện bình dị. Ông có nhìn thấy mình trong mỗi câu chuyện ấy?
Người ta thường nói Văn là người. Cũng có thể nói như vậy trong điện ảnh: Phim là người.
Yêu quý phụ nữ như yêu các... nhân vật trong phim
Đạo diễn Đặng Nhật Minh thường muốn giấu mình trong mỗi tác phẩm. Trò chuyện, tôi thấy ở ông một sự tỉnh táo, khắt khe, nghiêm khắc... Chất lãng mạn, phiêu diêu thường có ở người nghệ sỹ (như người ta vẫn thường nói)- ông giấu ở đâu trong cuộc sống của mình?
Tất cả những tính chất trên đều có trong tôi và còn cả nhiều thói hư tật xấu khác nữa. Tôi chẳng giấu đi đâu .
Không ít nghệ sỹ vẫn thường tự cho phép mình yêu nhiều, cảm xúc nhiều để có cảm hứng cho mỗi tác phẩm. Là người làm điện ảnh, lại là một người viết văn, ông có phải là người đa tình? Ông lấy cảm xúc như thế nào cho mỗi tác phẩm nghệ thuật của mình?
Cảm xúc thường tự đến với tôi một cách không nhận thức được rành mạch. Nó là một trạng thái không thể cắt nghĩa.
Hình như, ông chưa bao giờ kể về người phụ nữ của đời mình?
Vợ tôi là một người phụ nữ tự nhận lấy trách nhiệm của mình là suốt đời lo toan cho chồng, cho con và rồi cho cháu, coi đó là niềm hạnh phúc của mình. Tôi cảm thấy yên tâm khi có người phụ nữ như vậy trong cuộc đời.
Trong cuốn tự truyện của Lê Vân, cô ấy có nhắc tới ông... Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, dù ông muốn thừa nhận hay không, cũng đã có những người đàn bà đẹp đi qua. Ký ức của ông về họ?
Ký ức của tôi về họ luôn gắn liền với những vai diễn mà họ đã đảm trách. Không bao giờ tách rời. Tôi yêu quý họ như yêu quý các nhân vật trong các phim của mình.
"Doanh thu phải hỏi các ông chủ rạp chiếu bóng"
Xin được trở lại với Lễ trao giải Liên hoan phim 2007, ông là Trưởng ban giám khảo. Giải thưởng đến bây giờ vẫn có những tranh cãi. Người ta vẫn đặt câu hỏi về giải Vàng dành cho Hà Nội, Hà Nội. Nói như vậy để đặt câu hỏi, nếu người nghệ sỹ bị kiềm toả trong vòng vây cơ chế và quyền lực ngầm nào đó, theo ông, có phải là một... "thảm hoạ" của nghệ thuật?
Điều này nói ra chắc nhiều người cho là lạ?!: Ban Giam khảo LHP VN năm 2007 ở Nam Định không hề bị áp lực, kiềm tỏa của bất cứ ai, của bất cứ quyền lực nào. Đó là sự thật. Cái "thảm họa" như chị nói, có lẽ là ở chỗ sự ngay thẳng, trung thực đã bị vu cáo, xúc phạm.
Ông nhìn thấy điều gì trong thế hệ đạo diễn trẻ, trong điện ảnh trẻ hôm nay qua những bộ phim được khen ngợi gần đây như Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Áo lụa Hà Đông, Dòng máu anh hùng...?
Nhìn họ tôi lại nhớ đến mình khi còn trẻ: Cũng say mê hăm hở như vậy. Có điều bây giờ họ có nhiều thuận lợi hơn và do đó trưởng thành nhanh hơn .
Điện ảnh hôm nay đã có những hướng đi khác để phục vụ khán giả, nói chính xác hơn là để tiếp cận khán giả, ví dụ như, hình ảnh đẹp, diễn viên đẹp, câu chuyện phim giản dị... Nếu hôm nay được làm lại Mùa ổi, làm lại Bao giờ cho đến tháng Mười, Thương nhớ đồng quê... Liệu ông có làm khác đi để "cập nhật" với thời cuộc?
Chẵng nhẽ các phim trên hình ảnh không đẹp, diễn viên không đẹp và câu chuyện không giản dị? Chẳng nhẽ Bao giờ cho đến tháng Mười vừa được CNN bình chọn là không cập nhật với thời cuộc ?
Làm điện ảnh hiện tại thường phải chịu áp lực về doanh thu, về số lượng vé bán ra, về số tiền bộ phim kiếm được... Bởi vậy, một nhà làm phim giỏi, phải biết làm phim hay và biết kiếm tiền giỏi. Ông thì sao?
Như trên tôi đã nói: Tôi luôn quan niệm trách nhiệm của một người đạo diễn là phải làm tốt nhất bộ phim mà mình làm đạo diễn. Trách nhiệm đó đã quá nặng nề rồi. Những việc khác nên là trách nhiệm của những người khác.
Nếu bây giờ, Thương nhớ đồng quê, Bao giờ cho đến tháng Mười, Mùa ổi... trở lại rạp chiếu, ông có tự tin về doanh thu?
Điều này nên hỏi các ông chủ rạp chiếu bóng. Doanh thu nhiều hay ít là tùy thuộc vào họ.
Nói ra day dứt cũng chẳng để làm gì
Nếu Đừng đốt, trong đó đã có lửa không bán được vé, ông có thấy mình lạc hậu so với "định nghĩa" mới về một nhà làm phim giỏi đương đại, nghĩa là phải biết kiếm tiền?
Có lẽ tôi lạc hậu thật vì cái" định nghĩa" này tôi mới được nghe lần đầu!
Khi gặp ông lần đầu tiên cách đây vài năm, tôi vẫn nhớ, ông sống giản dị trong một căn hộ nhỏ ở phố Hàn Thuyên. Người nghệ sỹ với nhiều thành công sống một cuộc sống giản dị với những vang bóng một thời, có khi nào là nỗi buồn với ông?
Những khái niệm như "vang bóng một thời" quả rất xa lạ với tôi. Do đó nỗi buồn như chị nói cũng không bao giờ có trong tôi.
Đã đi qua quá nửa cuộc đời, nếu có một điều gì còn day dứt trong ông, sẽ được nói lên thành lời như thế nào?
Nếu có thì cũng không nên nói lên thành lời, nhất lại nói trên mặt báo. Chẳng để làm gì.
Hiền Hương(thực hiện)