Tìm về cội nguồn bằng sơn mài
(Dân trí) - Triển lãm sơn mài Cội nguồn của họa sĩ Nguyễn Thị Mai trưng bày những bức sơn mài mộc, không qua quá trình toát, làm bóng bề mặt nhưng vẫn rất đẹp và lạ.
Trước nhất, phải nói ngay rằng họa sĩ Nguyễn Thị Mai không phải là người được đào tạo bài bản và chính quy chuyên ngành mỹ thuật. Chị từng tổt nghiệp Đại học Sư phạm ngoại ngữ Huế năm 1990. Ngay sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm, chị cũng chưa bén duyên với hội họa, mà lại khẳng định mình trong vai trò một doanh nhân khá thành đạt, chỉ mãi đến năm 2004, chị mới theo học vẽ tại CLB Mỹ thuật tại Cung văn hóa Hữu Nghị Việt – Xô, Hà Nội.
Triển lãm cá nhân thứ hai của chị mang tên Cội nguồn đã khai mạc tối 11/12 vừa qua tại Viet Art Centre, Hà Nội. Triển lãm bao gồm những bức tranh sơn mài mộc được chị sáng tác trong 2 năm trở lại đây. Gọi là sơn mài mộc, bởi sau khi vẽ xong, mài xong, tranh không được toát, cũng không được làm bóng bề mặt mà để mộc.
Người ta đã quen nhìn những bức tranh sơn mài được làm bóng, bởi chẳng ai dám khước từ vẻ bóng láng bề mặt như một yếu tố mặc định cho sự hoàn thiện của kỹ thuật sơn mài. Người ta cũng quen với những màu sắc lộng lẫy, sơn son thiếp vàng quý phái đặc biệt của tranh sơn mài. Nhưng với chị, chị chọn cho mình những bức tranh mộc mạc, tinh khôi và gần gũi. Chị tâm sự, chị muốn được hoàn thiện mình trong cái mà nhiều người cho là dang dở đó.
Màu sắc trong tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Mai hết sức giản dị và kiệm vàng son. Chị cũng chọn cho mình những tạo hình không một chút cầu kỳ, kiểu cách, nhưng người xem vẫn cảm nhận được nét đẹp và lạ trong những tác phẩm đó. Chị thành thực thú nhận, khi vẽ, mình như người nhập đồng, như kẻ mộng du miên man theo những câu chuyện của đời mình, đời người.
Nhiều nghệ sĩ thừa nhận, theo nghiệp sơn mài là một sự dấn thân hết sức khó khăn ngay cả với những người được đào tạo bài bản, vậy mà họa sĩ Nguyễn Thị Mai lại quyết tâm đi theo cái “khổ nghiệp” này khi lẽ ra chị hoàn toàn chẳng liên quan gì đến nó. Triển lãm này là thành quả lao động không ngừng nghỉ của họa sĩ, một người luôn tuân thủ nghiêm ngặt những quy định kỹ thuật sử dụng sơn ta.
Bình Yên