Liên hoan nghệ thuật Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam:
Tiếp thu nghệ thuật các cộng đồng trong khối ASEAN
(Dân trí) - Liên hoan nghệ thuật Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đang diễn ra tại tỉnh Quảng Trị, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành viên Ban tổ chức liên hoan.
Liên hoan nghệ thuật quốc tế tiền thân là Liên hoan “Đường 9 xanh”. Chương trình được tổ chức với mục đích tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nước trên trục xuyên Á. Về sau, chương trình được chuyển thành “Liên hoan nghệ thuật 3 nước Đông Dương”. Cho đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức lấy tên là “Liên hoan nghệ thuật các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam”. Trong tương lai, chương trình sẽ tạo sự kết nối, giao thoa về văn hóa giữa các nước trong khối ASEAN, và được tổ chức định kỳ 3 năm một lần. Đây là lần đầu tiên được tổ chức theo tên gọi mới, còn các chương trình trước đó đã tổ chức qua 6 lần.
Liên hoan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục nghệ thuật biểu diễn, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 18/8.
Thành phần tham gia Liên hoan nghệ thuật lần này có gì đặc biệt?
Tham dự liên hoan có gần 1.000 diễn viên đến từ 17 đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Trong đó, có ba đoàn nghệ thuật quốc tế là Vương quốc Campuchia, Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Liên bang Myanmar và 14 đoàn nghệ thuật ca, múa nhạc trong nước gồm: Nhà hát Ca múa dân gian Việt Bắc, Đoàn Nghệ thuật dân tộc Lào Cai, Đoàn Nghệ thuật Kon Tum, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắc Lắc, Đoàn Nghệ thuật ca múa nhạc Vĩnh Phúc, Đoàn ca múa nhạc dân tộc Bình Dương, Đoàn Ca múa nhạc Công an nhân dân, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Sơn La, Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long - Hà Hội, Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, Đoàn Nghệ thuật Quân khu II, Đoàn nghệ thuật Cao Bằng và Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Quảng Trị.
Ông đánh giá về chương trình này như thế nào?
Đây là chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo từ sớm. Chương trình này cũng mang tính chất nghệ thuật đỉnh cao, dựa trên âm hưởng nghệ thuật dân tộc và bản sắc văn hóa của từng vùng, miền. Thông qua chương trình này để mọi người hiểu thêm về bản sắc văn hóa, đặc trưng nghệ thuật của từng vùng, miền, quốc gia. Các đoàn nghệ thuật tham gia Liên hoan lần này đều có sự đầu tư chuyên sâu cho các tiết mục được biểu diễn. Vì vậy chất lượng các tiết mục được nâng cao.
Các thể loại và nội dung các tiết mục biễu diễn tại Liên hoan nghệ thuật quốc tế lần này là những gì?
Các tác phẩm tham gia liên hoan là thanh nhạc, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ, nhạc đệm cho hát được trình diễn trực tiếp. Riêng phần nhạc cho múa được sử dụng băng từ, CD thu thanh trước. Các tác phẩm từng đoạt giải trong các đợt liên hoan, hội diễn, cuộc thi chuyên nghiệp không được tham dự liên hoan lần này. Các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế tham gia một chương trình nghệ thuật ca múa nhạc tổng hợp có thời lượng tối thiểu 60 phút, tối đa 70 phút.
Các tác phẩm tham gia liên hoan có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi tình hữu nghị của các nước trong cộng đồng ASEAN, đặc biệt là tinh thần đoàn kết giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Đối với các đoàn nghệ thuật trong nước, các tác phẩm tham gia liên hoan có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, con người...thể hiện niềm tin, khát vọng vươn tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Khâu tổ chức Liên hoan đã được tỉnh Quảng Trị triển khai như thế nào?
Công tác tổ chức đã được triển khai hết sức chặt chẽ, từ việc ăn, ở của các đoàn nghệ thuật đến lưu trú và biểu diễn, điều kiện và chất lượng phục vụ. Nhà văn hóa trung tâm đã được Bộ thẩm định, phê duyệt tổ chức liên hoan lần này. Trong đó, hệ thống âm thanh, ánh sáng, sân khấu rất phù hợp, thuận lợi cho việc thực hiện chuyên môn.
Điểm mới trong liên hoan nghệ thuật lần này là gì, thưa ông?
Về quy mô, liên hoan lần này có số lượng các Đoàn nghệ thuật tham gia rất đông, gồm cả Trung ương, địa phương và Quốc tế. Chương trình rất đa dạng về màu sắc, diễn tả được nét đặc trưng về văn hóa, con người từng địa phương, quốc gia. So với “Đường 9 xanh”, hay “Liên hoan nghệ thuật 3 nước Đông Dương” thì liên hoan lần này có nhiều nét mới như: cơ sở vật chất gồm hệ thống âm thanh, ánh sáng, sân khấu đượng trang bị khá hiện đại. Qua 6 lần tổ chức liên hoan tại Quảng Trị, Ban tổ chức đã rút ra nhiều kinh nghiệm vì thế Liên hoàn lần này có sự hoàn hảo hơn.
Năm nay có sự tham gia của đoàn nghệ thuật Liên bang Myanmar, quốc gia lần đầu tham dự nên hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều nét mới, đặc sắc.
Về thành phần Hội đồng nghệ thuật: Đó là những nghệ sĩ có chuyên môn cao, gồm cả nghệ sĩ trong nước và quốc tế nên việc đánh giá sẽ khách quan, các thành viên Hội đồng nghệ thuật sẽ làm việc hết sức nghiêm túc để thẩm định, lựa chọn ra các tiết mục đặc sắc, đạt yêu cầu.
Ý nghĩa của Liên hoan nghệ thuật là gì?
Liên hoan nghệ thuật Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam là dịp để các đoàn, nghệ sĩ, diễn viên các nước gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong lao động sáng tạo nghệ thuật, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật, thắt chặt tình đoàn kết, hợp tác hữu nghị của cộng đồng khối ASEAN trong lĩnh vực văn hóa.
Song song với hoạt động biểu diễn tại Liên hoan, một số đoàn nghệ thuật sẽ tham gia biểu diễn tại một số địa phương để phục vụ quần chúng nhân dân trong tỉnh. Cụ thể, Đoàn nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc biểu diễn tại Thị xã Quảng Trị, Đoàn văn công Quân khu II biểu diễn tại huyện Gio Linh, đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai biểu diễn tại Sư đoàn 968, đoàn nghệ thuật tỉnh Cao Bằng biểu diễn tại huyện Hải Lăng, đoàn Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long - Hà Nội biểu diễn tại huyện Vĩnh Linh. Đây là cơ hội để mọi tầng lớp nhân dân được xem những tiết mục nghệ thuật đặc sắc do các đoàn biểu diễn và cũng là nét đáng lưu ý trong liên hoan lần này.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.