Thủy Hương - "Người đẹp... phù phiếm"

Người ta dùng rất nhiều tính từ để ca tụng nhan sắc của Thủy Hương: "giai nhân lụa là", "người đẹp trễ nải", "vẻ đẹp làm 'lu mờ' mọi vẻ đẹp thanh xuân khác"... Thế nhưng vẫn còn một tính từ, mà người ta không nhận ra, hoặc ngại nói ra, đó là "người đẹp... phù phiếm".

Đầu tiên, xin hỏi chị có vui lòng trò chuyện với tôi, nhưng chỉ xoay quanh hai chữ "phù phiếm" tồn tại trong con người Thủy Hương?

 

Đàn bà chỉ khác đàn ông ở chỗ phù phiếm. Nếu nói anh kia là người đàn ông phù phiếm, tôi sẽ nghĩ anh ấy... pê đê. Còn nói chị ấy rất phụ nữ, chị ấy phụ nữ lắm, thì trong đó có phù phiếm rồi đấy. Nên không có gì để tôi phải né tránh hai chữ "phù phiếm" mà chị đưa ra.

 

Chị quan niệm thế nào về sự phù phiếm?

 

Không ai nói phù phiếm là tốt, nhưng nó vẫn cứ phải tồn tại, và có giá trị nhất định của nó. Còn với tôi, ý nghĩa thực tế của phù phiếm không phải là tính từ quá xấu đối với phụ nữ. Có thể nói, phù phiếm là một trong những đặc trưng của phụ nữ và cũng là một trong những đức tính dễ tha thứ nhất. Nếu ai nói tôi phải từ bỏ nó thì tôi phải xin với người đó là tôi bỏ... dần dần. Nếu tôi khăng khăng nói không bỏ thì không phù phiếm, nhưng nói dần dần thì đó cũng là... phù phiếm đấy.

 

Chị chủ động thừa nhận mình là người phù phiếm?

 

Nếu chị nói trong con người Thủy Hương có một chút phù phiếm, tôi luôn luôn công nhận, chị nói thấy tôi cũng chịu. Nhưng chị nói Thủy Hương là con người phù phiếm thì không phải. Thực ra tôi là người giản dị, song không thể không nói có một chút phù phiếm ở trong tôi. Nếu tôi chịu sống ở vị thế một tỉnh xa xôi, ôm hai đứa con, có thể làm một công chức quèn - một đời sống cực kỳ nhỏ bé, thì không nói làm gì.

 

Thế nhưng tôi vượt ra khỏi hoàn cảnh đó, và đấy là cái phù phiếm, mà tất cả bắt đầu từ sự thôi thúc bên trong. Giờ đây, người ta nói tôi lụa là hơn. Và tôi thấy mình bắt đầu có một chút phù phiếm.

 

Tôi không còn cái chất mộc mạc của ngày xưa nữa. Nhưng chỉ là một khía cạnh, còn tôi phù phiếm nặng về giá trị tinh thần. Nó do trí tưởng tượng tham lam của người đàn bà. Chứ phù phiếm về hình thức, theo kiểu cô kia có cái túi đó mình cũng phải có là a dua, đua đòi. Như thế thì không phải là tôi.

 

Sự phù phiếm trong đời sống tinh thần của chị là gì?

 

Đó là sự rung cảm. Đến một lúc nào đó, bạn không rung cảm trước một bức tranh, trước một người đẹp, trước nột buổi chiều ảm đạm, hay đơn giản thấy người phụ nữ lam lũ kéo chiếc xe bò nặng nhọc, mà bạn không có cảm xúc thì đời sống tinh thần của bạn làm sao tồn tại trọn vẹn được. Nếu thế thì con người tội nghiệp lắm! Tôi biết, nhiều người cho phù phiếm là thứ gì đó đáng loại bỏ.

 

Nhưng thử hỏi trong đời sống tinh thần của mỗi người, thiếu một chút phù phiếm sẽ như thế nào? Tôi nghĩ phù phiếm có giá trị tồn tại của nó, nếu nó đứng bên cạnh một giá trị chân chính, và người ta biết giới hạn của nó. Đặc biệt, đối với phụ nữ, nó là sự phân biệt giữa hai mặt đối lập âm và dương. Cái nữ tính của đàn bà phải có chút phù phiếm mà người ta thường tránh không nhắc đến. Ví dụ, thích cái gì đó, bạn cũng muốn vòi vĩnh người thân yêu của mình, dù bạn biết vòi vĩnh là xấu.

 

Chị đang bệnh vực và ca tụng sự phù phiếm, mà quên không nhắc đến phần nổi của nó - sự a dua, đua đòi, khoa trương?

 

Đa số người ta hiểu phù phiếm là hình dung từ rất xấu, là bề nổi. Phù phiếm là từ gốc Hán. Phù là nổi - phù phù tại thượng, trầm trầm tại hạ. Ngay chữ cũng đã rất "nổi" rồi. Phiếm là dư luận, là những tản rác, mảnh rác không hay.

 

Phù và phiếm đi với nhau, là những thứ trôi nổi phía trên, là những rác, những mảnh vỡ. Nên nghĩa của từ đó không tốt, kiểu như háo danh, ưa bề nổi, rất nông cạn, không có cái gì thuộc về tố chất thật. Khi "ăn" sang tiếng Việt lâu dần, người ta hiểu nhanh gọn đó là đua đòi. Nhưng tôi quan niệm phù phiếm ở bên trong một chút, thuộc mức độ tinh thần chứ không thuộc bề ngoài.

 

Nói cho cùng, bây giờ nâng cao giá trị tinh thần hay cơm no áo ấm là việc người ta vươn tới? Rõ ràng giá trị tinh thần đang được vươn tới để nâng cao chất lượng đời sống. Là thứ sau khi cơm no áo ấm ai cũng phải nghĩ đến, nhất là với những người làm nghệ thuật, càng phải nuôi dưỡng cho mình một đời sống tinh thần phong phú.

 

Cách dùng chữ để giải thích sự phù phiếm của chị cũng cho thấy chị... phù phiếm - phù phiếm ở đây là chị đang "lòe" kiến thức, văn hóa nền của mình ra bên ngoài?

 

Ừ thì phù phiếm! Phiếm là phiếm luận, chuyện tầm phào mà. Người đàn ông sát cánh bên tôi cũng ghét phù phiếm, làm sao tách rời trong tổng thể nhân sinh quan của mình được. Ví dụ trong lúc ôm con trong mái nhà tranh ở Tuyên Quang, tôi vẫn nghĩ đến một ngày nào đó xa xôi. Đó cũng là sự phù phiếm. Trong hoàn cảnh trói buộc như thế, mình đã yên ổn, coi như ván đã đóng thuyền, thì làm sao lại mơ ước.

 

Nhưng tội nghiệp vì mơ ước đó cũng là mơ ước cho một tương lai tốt đẹp. Tôi thừa nhận, tôi cũng giống mọi người - có một chút phù phiếm. Có điều nói ra hay không nói ra, hoặc nhìn thấy hay không nhìn thấy thôi. Cái phù phiếm luôn chen vào đời sống của mình. Nó là một mảng màu bàng bạc của một bức tranh sẫm mầu. Nếu không có mảng bàng bạc, phiêu diêu như vậy, tổng thể của bức tranh sẽ không hoàn hảo. Giống như phụ nữ thiếu chất phù phiếm, sẽ không thể vẽ lên chân dung.

 

Bởi khi vẽ bức chân dung, đôi chỗ bạn phải buông lơi, chứ không thể nào vẽ góc cạnh hoàn toàn. Phù phiếm là những phần trong đời sống tinh thần con người, nó không rõ nét, không có giá trị gì. Nhưng nếu đứng cạnh một thứ tốt khác, nó sẽ cộng hưởng để tạo nên một bức tranh hoàn hảo về đời sống tinh thần.

 

Còn nếu tách riêng giá trị phù phiếm, tôi không dại gì nói phù phiếm là hay cả. Phù phiếm như tôi định nghĩa ban đầu là xấu, là tiêu cực, là giá trị tầm phào, không có thực. Nhưng nó vẫn tồn tại. Còn tôi, không quá đồng bóng, để trở thành con người phù phiếm…

 

Thật lòng, chị có thấy mình sống nặng nề về hình thức?

 

Tôi không phải là người theo chủ nghĩa hình thức, nhưng tôi rất quý và nâng niu nó. Nếu nói giữa nội dung và hình thức cái nào quan trọng hơn, tôi nghĩ là hình thức. Đừng nó là tốt gỗ hơn tốt nước sơn! Người đẹp thì người ta phải trân trọng họ rồi. Từ giá trị trân trọng cái đẹp, người ta mới biết phấn đấu và giữ gìn vẻ đẹp đó, từ đó tính chất đẹp của tâm hồn sẽ được nâng lên.

 

Tôi chưa thấy người đẹp nào dốt. Tôi thấy người đẹp là thông minh, khôn và tự trọng. Vì sao một số người đẹp phải chứng minh mình có khả năng làm tốt? Vì xã hội vốn nghĩ người đẹp là ngu, là thiếu hiểu biết, và người ta bị áp lực, người ta muốn chứng minh mình có khả năng làm như những người khác. Người ta luôn gắng sống đẹp để xứng đáng với hình ảnh của mình, chứ tôi ít thấy người đẹp bôi nhọ mình.

 

Nhưng cũng khá nhiều người đẹp, nhất là một số người mẫu hiện nay đã cố gồng lên để chứng minh cá tính, tri thức, sự thông minh của mình một cách, phải nói là... hợm hĩnh?

 

Đẹp là đủ thuyết phục rồi, khỏi phải chứng minh. Nếu người đẹp ý thức được vị trí của mình thì đáng quý, đáng trân trọng. Tóm lại, tôi không nghĩ người đẹp là ngu. Tôi thấy người đẹp là thông minh rồi…

 

 Theo Dương Thúy

Thể Thao Văn Hóa Đàn Ông