1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Thời của ca sĩ "ôm" cột điện?!

Xưa nay, ngẫm cột điện là "lãnh địa" riêng của "khoan cắt bê tông", "rút hầm cầu"... Địa bàn, vị thế đã chia, dù chướng mắt khó coi muốn dẹp nhiều lần nhưng cũng khó. Nhưng gần đây trên các cột điện lại xuất hiện tràn lan hình poster của các ca sĩ.

Gần đây, tại TPHCM bỗng nở rộ xu hướng "tiếp thị" hình ảnh, album các ca sĩ trên các cột điện. Những tên gọi như "ca sĩ leo cột điện", "ca sĩ ôm cột điện"... cũng mau chóng xuất hiện để "khai sinh" cho xu hướng này.

 

Nhưng chắc cũng không nên để phương thức tiếp thị này diễn ra thêm nữa, bởi vì nó đang khiến bộ mặt mỹ quan đô thị thành phố trở nên nhem nhuốc, khó coi...

 

Dưới dòng chữ "tiếp thị" chữa bệnh sinh lý thì trên là poster ca sĩ. Bên dòng chữ "tiếp thị" rút hầm cầu là poster ca sĩ. Ca sĩ ra album dán poster trên cột điện. Ca sĩ tổ chức liveshow cũng dán cột điện. Nhiều ca sĩ làm chương trình cũng dán poster trên cột điện. Cái cột điện lâu nay lạnh lẽo, ù lì, dù có mạnh cỡ... khoan cắt bê tông đi nữa nhưng bị "quảng cáo" chữa bệnh thầm kín lâu ngày thì chắc nhìn bề ngoài như thế chứ bên trong cũng... yếu, vậy mà giờ đây hóa rôm rả, đông vui cùng ca sĩ, cùng các chương trình nghệ thuật...

 

Bà Nguyễn Thế Thanh - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM: "Thực tế thì quảng cáo cá nhân nơi công cộng là nhu cầu có thật. Ví dụ thành phố Paris của nước Pháp cũng có những hình thức nơi công cộng để phục vụ nhu cầu trên. Tuy nhiên, mọi hình thức này chỉ được giới hạn trong một khu vực do Nhà nước quy hoạch và công nhận. Còn việc poster ca sĩ dán cột điện tại TPHCM hiện nay là trái phép vì cơ quan chức năng chưa bao giờ cấp phép cho hình thức này. Ngay cả việc treo băng-rôn quảng cáo, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo Sở VH-TT phải hạn chế cấp phép tràn lan nhằm giữ gìn vẻ mỹ quan thành phố thì không lẽ gì các poster ca sĩ lại được phép dán đầy cột điện như vậy. Cho nên, tôi nghĩ các ca sĩ, những nhà quản lý, phát hành... nên ý thức hơn nữa về việc tôn trọng luật pháp và môi trường văn hóa chung của chúng ta".

Tất nhiên, nói vậy chứ xưa nay có luật nào quy định hẳn hoi rằng cột điện là "lãnh địa" riêng của những dịch vụ tiếp thị thiếu tế nhị hết chỗ nói kia mà không có phần cho các ca sĩ đâu? Cột điện ù lì trên phố có của riêng ai, ai nhanh chân nhanh tay hơn là được.

 

Mấy nhà hàng, trung tâm dịch vụ, khoan cắt bê tông... vì không có tiền quảng cáo mới phát tờ rơi, mới dán cột điện. Vậy ca sĩ nếu chưa đủ nội lực, không đủ kinh phí để tự lăng-xê thì chọn "công nghệ poster dán cột điện" thôi, vừa rẻ tiền, vừa dễ gần công chúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mà nếu là ca sĩ mà dán mấy chỗ hẻm hóc thì ai biết? Nên phải dán chỗ đông người qua lại nhất, ở những con đường lớn nhất cỡ Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Trỗi... như vậy mới chịu.

 

Nhưng hỡi ôi, cuối cuộc vui mới thấu! Cái poster ca sĩ cứ đập vào mắt người đi đường vốn đã chướng mắt, khi xé đi vẫn để lại những mảng tróc lở lem nhem rất mất mỹ quan thành phố. Chưa kể poster lâu ngày bị nắng mưa làm cho tả tơi, vàng ố, bị các fan vui tay vẽ thêm râu, thêm nốt ruồi... thật thiếu thẩm mỹ. Chưa kể có nhiều poster của ca sĩ này cố ý dán đè lên poster ca sĩ kia, cạnh tranh quyết liệt, nghẹt thở khiến cây cột điện "yếu" lại càng thêm "yếu", giơ mặt chịu đủ rồi khóc thầm chứ biết kêu ai!

 

Cột điện giờ đây đã là "thế tam quốc" của ca sĩ, khoan cắt bê tông và liên minh những dịch vụ chữa bệnh thầm kín "oánh" nhau quyết liệt. Còn bộ mặt mỹ quan thành phố thì chịu đủ cái "trận địa" tèm hem, ô hợp và loạn xà ngầu này.

 

Theo Thanh Niên