Trần Huy Hoan:

"Thi vị hóa cái sự trần truồng"!

Sinh năm 1956 tại Hà Nội, Trần Huy Hoan đã tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật, Đại học Điện Ảnh, tu nghiệp ngành Quảng cáo tạo Châu Âu và hiện là hội viên mỹ thuật TPHCM. Anh được biết đến như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nổi tiếng về đề tài nude.

Nghe nói anh đã có một gallery trưng bày đồng thời thực hiện tất cả các dịch vụ về ảnh?

Vâng. Có thể nói đây là mô hình đầu tiên ở Việt Nam, dù trên thế giới thì chẳng xa lạ gì. Ở Son & Then Photo Gallery này, tôi cho trưng bày những tác phẩm nhiếp ảnh và hội hoạ của mình, đồng thời nhận thực hiện tất cả những  những dịch vụ về tranh ảnh. Đặc biệt còn có dịch vụ cho thuê tranh ảnh.

Được biết đến như một nghệ sĩ chụp ảnh nude hàng đầu của Việt Nam, theo anh, khi nào một bức ảnh khoả thân chính là nghệ thuật, còn khi nào  thì nó trở thành một cái gì khác?

Bản thân nội dung bức ảnh thì trần, truồng, muốn nâng đến tầm nghệ thuật, người chụp ảnh phải đủ trình độ để có thể phủ lên một thứ trang phục nhằm thi vị hoá nó. Điều này cũng còn tuỳ thuộc xem nhiếp ảnh gia chụp với dụng ý gì. Nếu không đủ khéo léo, bức ảnh dễ dàng biến thành tục tĩu và tầm thường. Ngoài ra, cũng còn tuỳ vào cặp mắt và khả năng thẩm mỹ của người xem nữa.

Bản năng khiến người ta khó có thể nào đối mặt với một con người khoả thân hoàn toàn mà không có những phản ứng dục tính, khi bấm máy trước những người đẹp, anh có cảm nghĩ gì?

Khi người mẫu đứng trước ống kính, người chụp không còn là quan sát thuần tuý nên phải hết sức tự chủ. Cái đẹp thì luôn  làm người ta rung động, vấn đề là mình có biết sử dụng chính những cảm xúc đó như một thứ gia vị cho công việc hay không, bởi mục đích cuối cùng là nghệ thuật.

Có bao giờ anh lâm vào tình cảnh éo le khi chụp hình không?

Với những đề tài khác thì không nói làm gì, nhưng đặc biệt khi chụp nude, tôi gặp rất nhiều rắc rối. Khó khăn lớn nhất vẫn là phải làm sao để hết sức tập trung vào công việc, nếu không rất dễ bị sa lầy. Bởi thế nên cũng rất ít người chụp ảnh nude thành công.

Ở phương Tây, ảnh lịch người mẫu khoả thân là một điều bình thường, nhưng lại là điều cấm kỵ ở nước ta. Vậy những ảnh lịch người mẫu áo tắm, hay các kiểu thời trang tiết kiệm mà so ra chẳng khác khoả thân bao nhiêu lại vẫn được cấp giấy phép ấn  hành nhan nhản. Anh nghĩ sao về điều này?

Tôi cho đó là một sự mập mờ của những nhà kiểm duyệt. Một phần nữa cũng do quan niệm của người Á Đông vốn ưa chuộng sự kín đáo. Ví dụ, như khi người phụ nữ cúi xuống rót nước, họ sẽ lấy tay giữ cổ áo lại để tránh cho người đối diện nhìn thấy ngực mình, vì thuần phong mỹ tục, hay đơn giản hơn có thể vì ngực họ không đẹp, đó là phép lịch sự. Buồn cười ở chỗ, một mặt người ta không thể phủ nhận rằng những trang phục nghèo nàn như trên các bộ ảnh lịch áo tắm làm thoả mãn thị giác của họ, nhưng mặt khác, những định kiến xã hội kiến họ không dám thừa nhận sự thoả mãn đó, không dám thừa nhận chính mình.

"Thi vị hóa cái sự trần truồng"! - 1

Nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan


Bản thân tôi thì nghĩ khi xem hay chụp ảnh người mẫu có mặc áo tắm mà cặp mắt hay ống kính của anh cứ như muốn lột trần người ta ra, xét về mặt văn hoá thì nó còn tục tĩu hơn rất nhiều so với việc triển lãnh ảnh khoả thân. Bởi khi đó, cái mà anh muốn thấy là cơ thể trần truồng của người phụ nữ, còn cái mà tôi muốn thấy là cái đã được tôn vinh.

Thực ra, xã hội có định kiến không tốt về ảnh nude một phần cũng do nhiều bức ảnh chụp chưa đủ tiêu chuẩn. Muốn thay đổi cái nhìn ấy, phải biết cách nâng giá trị nghệ thuật của bức ảnh lên một mức độ cao. Điều này phụ thuộc vào đạo đức nghề nghiệp và khả năng thẩm mỹ của người chụp. Những người làm nghệ thuật ở Châu Âu thường rất tự trọng và có đạo đức nghề nghiệp, những tác phẩm họ tạo ra  là những tác phẩm nghệ thuật đích thực, vậy nên cái nhìn của người Châu Âu về ảnh nude cũng rất khách quan.

Theo anh, ngoài yếu tố kỹ năng, thì điều cần thiết nhất mà một nhiếp ảnh gia chụp nude phải có là gì?

Cái quan trọng nhất là khả năng thẩm mỹ của người chụp. Điều kiện thứ hai là thực sự yêu vẻ đẹp của người phụ nữ. Cuối cùng là đạo đức nghề nghiệp, vì nghệ thuật không được phép giả dối.

Anh thường bán được ảnh nude không? Nếu có, mức giá cao nhất từng được mua là bao nhiêu?

Cũng khá thường xuyên. Mức giá cao nhất mà tôi được trả là 1000 USD một bức.

Ngoài đề tài nude ra, còn đề tài nào khiến anh say mê hướng ống kính vào không?

Tôi còn chụp khá nhiều thể loại khác nhau như phong cảnh, chân dung, đời thường... Đề tài thích nhất sau ảnh nude là chụp quảng cáo, rồi tới chụp cảnh sinh hoạt đời thường.

Nghe nói sắp tới anh sẽ góp mặt trong một triển lãm phối hợp giữa hội hoạ và nhiếp ảnh mang tên nude tại Hà Nội. Theo anh, có sự chênh lệch gì về mặt biểu cảm giữa một tấm ảnh nude và một bức tranh nude hay không?

Cá nhân tôi thấy chúng cũng không thua kém nhau về sức biểu cảm. Nhưng trước một hình mẫu khoả thân, nếu muốn đẩy cái đẹp lên cao đến mức siêu thực thì tôi dùng hội hoạ để diễn tả.

"Thi vị hóa cái sự trần truồng"! - 2

Một tác phẩm của Trần Huy Hoan


Anh có từng đoạt giải thưởng gì về tranh hoặc ảnh không?

Tôi vốn là người không mấy hứng thú với việc tham dự các cuộc thi, nên cũng chẳng có giải thưởng nào hết.

Vừa là nhiếp ảnh gia, vừa là hoạ sĩ. Giữa hai thứ, anh đam mê thứ nào hơn?

Khó có thể nói được. Công việc cuối cùng của tôi là kể những câu chuyện về phụ nữ, nên tuỳ theo cảm hứng mà tôi diễn đạt nó bằng hội hoạ hay nhiếp ảnh. Thế thôi.

Sở thích của anh trong các lĩnh vực nghệ thuật khác?

Cũng nhiều thứ. Ngoài nhiếp ảnh thì tôi còn quan tâm đến điện ảnh và kiến trúc, làm quảng cáo. Thích nghe nhạc Beethoven, Mozart.... Ngoài ra, tôi rất thích văn chương nhưng lại không có năng khiếu trong lĩnh vực này. Theo tôi, cái gì cũng xuất phát từ văn học vì nó là gốc rễ của mọi thứ. Đường đi của một người làm nghệ thuật sẽ là tốt nhất nếu được xây dựng từ nền tảng văn chương.

Cũng vì không có khả năng này, tôi phải dụng công nhiều hơn trong việc nghe ngóng, quan sát, cảm thụ... trong quá trình làm việc. Ngày xưa tôi yêu một cô gái làm thơ rất hay, lúc ấy chỉ tiếc sao mình không thể viết được một bài thơ cho ra hồn. Bây giờ thì tôi làm thơ bằng cách vẽ tranh và chụp ảnh.

Nghe nói anh còn khá đào hoa nữa. Với anh, cuộc tình nào để lại ấn tượng sâu đậm nhất?

Đúng ra phải hỏi tôi là "có cuộc tình nào không để lại ấn tượng sâu đậm trong anh hay không?. Trong lá tử vi của tôi có sao đào hoa chiếu mệnh. Tôi cũng nghĩ đó là một điều may mắn và chính xác, vì tôi thấy mình không chỉ đào hoa trong cuộc sống mà trong cả nhiếp ảnh, thậm chí trong mơ tôi cũng toàn mơ thấy phụ nữ. Có điều, tôi đào hoa không phải ở số lượng, mà là chất lượng (cười).

Cuộc sống gia đình anh thế nào?

Bạn bè thường đùa số phận của tôi bị gắn chết dính vào phụ nữ, vì tôi có 3 đứa con, đứa nào cũng là con gái cả. Vợ tôi và một đứa con tôi mới tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật. Tôi cảm thấy hoàn toàn thoả mãn.

Nếu được tự nói về bản thân mình, anh sẽ nói gì?

Tôi luôn cố gắng ngợi ca phụ nữ bằng nhiều hình thức, vì họ xứng đáng được như thế. Trong văn học, một tác phẩm hay không thể thiết ít nhất một nhân vật nữ, nếu tôi có khả năng chắc tôi cũng viết về họ. Từ xưa đến nay, phụ nữ là nguồn cảm hứng trong biết bao tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng khắp thế giới. Trong đời sống thì phụ nữ là tất cả. Khi có một người phụ nữ làm mình buồn, thì chắc chắn nỗi buồn ấy cũng dễ thương hơn nỗi buồn của một thằng đàn ông gây ra (cười). Phần tôi, sau 30 năm miệt mài ngợi ca phụ nữ, tôi vẫn cảm thấy chưa đủ.


Theo Mỹ Thuật