1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Thị trường âm nhạc biến động như thế nào giữa đại dịch?

(Dân trí) - Do yêu cầu "giãn cách xã hội" chống dịch Covid-19, người yêu nhạc chỉ có thể ở nhà và giải trí bằng các kênh âm nhạc trực tuyến, điều này khiến thị trường âm nhạc có nhiều biến động rõ rệt.

Nhạc online lượt nghe tăng cấp “phi mã”

Đầu 2020, Việt Nam và thế giới gần như rơi vào tình trạng khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài. Đây là giai đoạn đầy thách thức đối với ngành công nghiệp giải trí nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Trong đó, ngành công nghiệp nghe nhạc trực tuyến vốn thịnh hành, nay tiếp tục là nơi để nghệ sĩ quảng bá sản phẩm ngay giữa đại dịch Covid-19.

Từ đầu năm đến nay, rất nhiều ca sĩ trẻ có phần bị hạn chế về kinh tế đã dễ dàng tiếp cận với công chúng với các sản phẩm âm nhạc không yêu cầu cao về yếu tố nghe nhìn mà đánh mạnh vào cảm xúc, sự gần gũi với khán giả hơn.

Thị trường âm nhạc biến động như thế nào giữa đại dịch? - 1

Những gương mặt đang chiếm ưu thế trên thị trường âm nhạc trực tuyến thời gian gần đây.

Khi các hoạt động offline như show ca nhạc, họp báo ra mắt sản phẩm, gặp gỡ người hâm mộ… không thể thực hiện, xu hướng online đã lên ngôi. Trong 3 tháng đầu năm, Top 10 ca khúc được yêu thích nhất của của một trang nhạc số đã có 855 triệu lượt nghe - một con số cho thấy nhạc online đã có lượt nghe tăng cấp “phi mã” giữa thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành.

Một xu hướng mới cũng được đẩy mạnh là các nghệ sĩ tự sáng tác, tự biểu diễn đang chiếm nhiều ưu thế. Bởi trong tình hình dịch Covid-19 đã khiến việc các nghệ sĩ cùng kết hợp, cùng làm việc với nhau bị gián đoạn hoàn toàn. Vì vậy, các nghệ sĩ chủ động tự sáng tác tự trình bày sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc ra mắt sản phẩm.

Thêm vào đó, khi tự sáng tác và thể hiện, nghệ sĩ dễ dàng truyền đạt trọn vẹn cảm xúc khi viết ca từ và giai điệu phù hợp với quãng giọng của mình. Các tác phẩm giàu cảm xúc, cá tính và vừa vặn với người thể hiện, khiến khán giả dễ đồng cảm khi tiếp nhận.

Thị trường âm nhạc biến động như thế nào giữa đại dịch? - 2

Những giọng ca đang thành công với mô hình này có thể kể đến các gương mặt, như: Đạt G, Nhật Phong, Chung Thanh Duy, Lê Bải Bình, Jack, K-ICM, Mr Siro, Trịnh Đình Quang...

Không cần MV drama vẫn có sức hút

Nếu năm 2019 là đỉnh cao của các MV drama được khán giả chờ đợi thì trong đầu năm 2020 đến nay, chiếm được tình cảm của khán giả là những MV đơn giản, nhiều cảm xúc và không cần câu chuyện quá kịch tính cũng có sức hút.

Những MV không drama vẫn được khán giả yêu thích và đón nhận có thể kể đến Hơn cả yêu (Đức Phúc), Bánh mì không (Đạt G- Du Uyên), Tình đẹp đến mấy cũng tàn (Việt), Yêu một người tổn thương (Nhật Phong)… đều là những MV được thực hiện theo cách truyền thống, không cầu kỳ, không kịch tính nhưng yếu tố âm nhạc và cảm xúc đã chạm đến được với khán giả.

Thị trường âm nhạc biến động như thế nào giữa đại dịch? - 3

Trong MV Hơn cả yêu Đức Phúc chỉ đóng vai trò một người kể chuyện, dùng tiếng hát của mình để khích lệ, kết nối các số phận, cuộc đời khác nhau và truyền đi những năng lượng tích cực, tràn đầy yêu thương. Điều đặc biệt nhất trong MV là toàn bộ nhân vật đều có thật. Mỗi người trong số họ đều có những nỗi niềm, khó khăn riêng, nhưng họ đều biết hi sinh cho nhau, yêu nhau bằng cả trái tim. Sợi dây kết nối các nhân vật, câu chuyện, mảnh đời lại với nhau là tình yêu. 

Mặc dù các MV kể chuyện kịch tính vẫn được khán giả đón nhận, thế nhưng tần suất xuất hiện trên thị trường và mức độ lan toả không còn được như trước. 

Bùng nổ đề tài âm nhạc với chủ đề Covid-19

Sau khi ca khúc Ghen Cô Vy và vũ điệu rửa tay vượt qua khỏi biên giới Việt Nam - đề tài về dịch bệnh tưởng chừng “nặng nề” nhưng nhờ sự sáng tạo đã tạo nên sức hút đặc biệt. Sự thành công của Ghen Cô vy đã trở thành "cú hích", thúc đẩy những người hoạt động âm nhạc liên tục đầu tư sáng tạo, cho ra mắt các sản phẩm âm nhạc ý nghĩa, tạo nên những thông điệp giá trị có sức lan tỏa đến cộng đồng chung tay đẩy lùi Covid-19.

Một số ca khúc về đề tài này được khai thác có thể kể đến như Việt Nam ơi! Đánh bay Covid trên nền nhạc bài hát Việt Nam ơi của nhạc sĩ Bùi Quang Minh (Minh Beta) được phát hành với sự bảo trợ của Bộ Y tế; Ông bà anh thời Covid-19 của Lê Thiện Hiếu biến tấu của bài hát Ông bà anh; Đạt G và Du Uyên sáng tác Diệt giặc Corona trên nền Bánh mỳ không; Trúc Nhân với Thật bất ngờ, Cô Vy đến trên nền nhạc bài hát Thật bất ngờ; ca khúc Tự giác cách ly được Bùi Công Nam sáng tác dựa trên ca khúc Tự giác đi với những tin tức về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội; Amee cũng có Sao anh chưa về nhà để kêu gọi mọi người ở nhà phòng ngừa sự lây lan của Covid-19...

Thị trường âm nhạc biến động như thế nào giữa đại dịch? - 4

Rất nhiều ca khúc âm nhạc liên quan đến đề tài phòng chống dịch Covid-19 được các nghệ sĩ tập trung khai thác cũng có sức hút với khán giả.

Cùng với đó là những sáng tác dành tặng các y bác sĩ đang trong tuyến đầu chống dịch cũng được các nhà sản xuất âm nhạc đẩy mạnh để cổ vũ tinh thần cho các "thiên thần áo trắng". Như MV Người mẹ áo trắng được "Sao Mai" Huyền Trang thực hiện như một lời tri ân gửi tới những “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Thị trường âm nhạc biến động như thế nào giữa đại dịch? - 5

Dù chưa được chính thức ra mắt nhưng dự án cộng đồng cùng ca khúc "Cảm ơn - Những chiến binh thầm lặng" với sự kết hợp của 6 ca sĩ: Hồ Ngọc Hà, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Ngô Kiến Huy, Bảo Anh, Bùi Anh Tuấn cùng 30 văn nghệ sĩ ngôi sao hàng đầu cùng tham gia thực hiện để dành tặng những lời cảm ơn đến những chiến binh thầm lặng đang ngày đêm chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19 đang được khán giả chờ đợi.

Những sản phẩm âm nhạc này góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, nhân ái cùng với những thông điệp thời sự, giai điệu tươi vui, ca từ dễ nhớ giúp lan tỏa nguồn năng lượng tích cực trong cộng đồng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Tạm kết

Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vẫn chưa biết khi nào sẽ kết thúc, và dù trong giai đoạn nào của xã hội, âm nhạc vẫn luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả. Trong mỗi thời điểm, xu hướng để tiếp cận khán giả đều được các nghệ sĩ không ngừng sáng tạo, cập nhật và thay đổi để phù hợp với thời cuộc, với nhu cầu của ngành giải trí nói riêng và cả xã hội nói chung.

Băng Châu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm