Thi hoa hậu mà chẳng có hoa hậu

Dư luận đang râm ran về giải Cánh diều 2006 của điện ảnh Việt Nam: phim nào sẽ đoạt vàng, phim nào sẽ đoạt bạc...? Mà biết đâu có thể sẽ chẳng có vàng bạc gì cả cũng nên!

Bởi các giải thưởng văn hóa - văn học nghệ thuật của Việt Nam nói chung, từ nhiều năm đã có nhiều tiền lệ không vàng không bạc, có khi còn không cả đồng(!?).

 

Các giải thưởng từ văn học đến âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, kiến trúc... hằng năm, hầu như đều đã thường xuyên xảy ra việc không có giải nhất, đến nỗi công chúng cũng chẳng còn buồn ngạc nhiên hay thắc mắc. Mà không chỉ trong công chúng, điều này còn phổ biến trong chính giới hoạt động văn học nghệ thuật, ngay cả ở  những người có tác phẩm dự giải.

 

Tại sao lại thế? Trong tư duy phổ biến của những nhà tổ chức Việt Nam, nếu đánh giá rằng sản phẩm ứng thí chưa vừa ý, họ sẽ sẵn sàng giữ lại những giải cao nhất, không trao. Quyết định này bộc lộ điều gì? Hẳn các nhà tổ chức cho rằng, nếu cứ trao giải cao cho những sản phẩm không xứng đáng (ít ra theo tiêu chí và chọn lựa của họ) thì sẽ không giữ được uy tín của giải.

 

Có thật là việc giữ lại giải cao nhất sẽ giúp bảo vệ được uy tín các giải thưởng văn học nghệ thuật của Việt Nam? Những Oscar phim hay nhất, Gấu vàng, Cành cọ vàng, Sư tử vàng... năm nào cũng được trao, và chất lượng của những bộ phim được giải trong từng năm có thể không đều nhau, nhưng không vì thế mà uy tín của giải thưởng quốc tế này suy giảm. Các nhà tổ chức đã làm đúng việc phải làm: chọn ra cái khá nhất trong những sản phẩm của từng năm. Và nếu tác phẩm đoạt giải có chất lượng kém so với các năm khác thì nó đã phản ảnh đúng sự sa sút của hoạt động điện ảnh thế giới năm đó. Nhà tổ chức không chịu trách nhiệm về hoạt động điện ảnh của cả thế giới. Vì thế họ cứ ngang ngay sổ thẳng, không loay hoay tìm cách giải thích hoặc che giấu bất cứ điều gì.

 

Trong khi đó, ở ta, các giải thưởng văn hóa - văn học nghệ thuật hầu như chỉ do chính các  nhà quản lý của ngành ấy chọn lựa, vì thế việc không có được sản phẩm vừa ý đánh đúng vào sự  áy náy của bản thân họ, khiến họ cảm thấy có một phần trách nhiệm. Họ đã hành xử ngược lại với việc nên làm: lẽ ra phải đủ dũng cảm thừa nhận chuyện mất mùa, qua những sản phẩm kém chất lượng, họ lại tìm cách né tránh sự thật. Thừa nhận mất mùa để sau đó tìm cách cải thiện các điều kiện hoạt động, tăng thêm hy vọng có được vụ bội thu vào năm sau, khác xa việc giữ lại các giải cao, và tự an ủi rằng "đã làm hết trách nhiệm" của mình.

 

Một vị nhiều năm có mặt trong Ban tổ chức một cuộc thi hoa hậu lớn ở nước ta từng tiết lộ rằng, đã có năm, vì một số "sự cố" mà Ban tổ chức đã tính tới chuyện không trao vương miện hoa hậu mà chỉ có á hậu. Rất may là điều này cuối cùng đã không xảy ra.

 

Một cuộc thi hoa hậu mà chỉ có được á hậu liệu có thể xem là bình thường hay không?

 

Theo Thu Đông

Thanh Niên