Thành Lê: “Cười - mếu” với bayshow
(Dân trí) - “Tôi đang hát, có cậu thanh niên lên và cứ “hành động” luôn, sỗ sàng như kiểu đòi ôm, hôn mình. Tôi cứ vừa hát vừa đi xung quanh, không biết làm thế nào đành… quay lưng ra”, ca sĩ Thành Lê bức xúc.
Cách đây ít tuần, trải qua sự cố rủi ro, thấy Thành Lê rất bi quan và buồn rầu. Giờ đã gương mặt tươi roi rói, đi lại như con thoi giữa con phố chen chúc xe cộ ngày giáp Tết. Hẳn Thành Lê đã lấy lại được sự cân bằng cho mình?
Tôi lấy lại cân bằng rồi. Tôi nhận diễn, đi đi, lại lại vài nơi. Thời gian bị nạn cũng là thời gian tôi suy nghĩ, vạch ra những kế hoạch sắp tới mình phải làm. Sau khi nhận giải nhất Sao Mai dòng nhạc dân gian, tôi cũng chưa làm được gì lớn để khán giả đón nhận mình hơn.
Vừa trải qua cú ngã xe đau đớn, tưởng Thành Lê phải “nghỉ ngơi” dài dài vậy mà thoắt một cái đã chạy show nước ngoài rồi. Buồn quá, nhớ sân khấu quá hay do “thiếu thốn” về kinh tế?
Tôi nghĩ về cơ bản là tôi nhớ sân khấu quá chị ạ. Lâu không được hát, tôi thấy nhớ, thấy khó chịu vì từ trước đến nay, tôi làm việc rất chăm chỉ, kể cả ngày chưa đoạt giải cũng thế.
Thực sự trước đây, tôi không có thời gian để buồn. Hết việc này đến việc kia, buổi tối tôi tranh thủ đi hát, buổi ngày đi làm, mọi thứ quên hết, kể cả mệt mỏi. Sau khi bị tai nạn, một thời gian dài tôi phải nằm trên giường, nằm một chỗ, không phải khó chịu mà điên lên. Có nhiều lúc tôi bất lực, chỉ biết khóc. Thời gian đầu, ngày nào tôi cũng khóc và không biết làm gì. Sau đấy, tôi phải chấp nhận nó như một sự không may, để cho nó quên đi những cảm giác buồn…
Cũng vì nhớ sân khấu quá mà chị không ngại ngần vận áo dài, giày… thể thao với bước đi “khập khà khập nghiễng” để hát trên sân khấu Aladin?
Thời gian phải nằm nhà thì tôi nhận được rất nhiều lời mời đi hát. Anh bầu chỗ Aladin gọi nhiều lắm. Khi chân có thể đi khập khiễng, dù đau vẫn rất đau, tôi nhận lời lên Aladin hát. Tôi mặc áo dài mà không thể đi dép cao, cứ lê lết.
MC nói rằng: “Quí vị có thấy tà áo của Thành Lê rất dài và lệt quyệt? Cô ấy vừa trải qua tai nạn nhưng vì nhớ sân khấu Aladin nên đã đến.” Hôm ấy, tối thứ 7 rất đông khách. Tôi lên hát, hát đến bài thứ hai đã cảm giác đau chân, muốn ngồi rồi. Thỉnh thoảng, tôi dựa vào đàn oóc – gan vì mỏi. Tôi hát rất nhiều và người ta lên “boa” tiền. Toàn là các mẹ, các cô, chú lớn tuổi lên tặng hoa và nói vào tai “cố lên, chúc em (cháu) mau lành bệnh”. Tôi đã rất cảm động và hát như nhập đồng.
Đối với các ca sĩ “bayshow” ngoại, người ta vẫn đồn thổi ngoài những hào nhoáng, tiền cát - xê cao…còn có những mặt trái như chuyện ca sĩ nói xấu, “dìm hàng” nhau, ông bầu ăn chặn tiền cát - xê v.v… Với tư cách một ca sĩ từng “bayshow”, ý kiến của Thành Lê về chuyện này như thế nào?
Sau khi đoạt giải, tôi cũng có cơ hội đi nước ngoài biểu diễn. Chuyến đi đầu tiên là đi Ukraine tham gia chương trình Hoa hậu Thế giới người Việt. Đoàn đi rất đông. Bởi lần đầu tôi đi nước ngoài biểu diễn nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Nhưng tôi thấy mọi người trong đoàn rất gắn bó, tình cảm, rất vui.
Về tiền cát - xê, đối với bản thân tôi trong chuyến đi ấy không có vấn đề gì cả. Tất cả mọi cái rõ ràng, các ca sĩ đều nhận được số tiền rất xứng đáng với công sức lao động của mình. Trước đây, tôi cũng được nghe nhiều những chuyện này nọ nhưng thực tế qua chuyến đi, tôi chưa thấy điều đó xảy ra. Kể cả chuyến đi Nga gần đây nhất của tôi, mọi thứ đều tốt đẹp.
Nhưng tôi được biết, cũng vì từ chối một lời mời “bay show” của một bầu sô mà Thành Lê gặp phải không ít rắc rối?
Sau chuyến đi Ukraine, tôi có nhận được lời mời đi biểu diễn ở các nước Đông Âu nhưng chuyến đó đi hơi dài, gần một tháng mà chương trình diễn không nhiều. Hơn nữa, thời gian đấy ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và chuyện học tập của tôi. Tôi phải tham gia khoá học quân sự ở trường. Nếu không có chứng chỉ quân sự thì tôi không thể tốt nghiệp được.
Trong những chuyến “bayshow ngoại”, độ chênh lệch tiền cát - xê giữa ca sĩ hát nhạc thị trường và ca sĩ hát dòng chính thống như Thành Lê rất lớn. Với tư cách người trong cuộc, Thành Lê có cảm thấy chạnh lòng không?
Nếu mà nói chạnh lòng thì cũng không đúng. Tôi không bao giờ so sánh, bởi so sánh bao giờ cũng khập khiễng kể cả về giọng hát cho đến tấ cả mọi thứ. Tự bản thân mình biết thôi. Bây giờ đi hát, cát - xê ca sĩ hát nhạc nhẹ, dân gian, thính phòng…đã có giá chung rồi: hát ở Hà Nội thì bao nhiêu, đi tỉnh thì bao nhiêu. Tôi nghĩ không phải mình cứ thích hét giá, thích đòi cao là đòi cao được đâu.
Đôi lúc tôi chỉ chạnh lòng khi cùng hát ở Hà Nội, những người hát nhạc nhẹ mới có giải, người ta đòi rất cao mà bọn tôi thì mới đưa ra cái giá đã bị “cò kè”. Trả thấp quá, tôi không đi thì người ta lại nói này nói khác.
Đấy là cảm giác chạnh lòng mình phải tập làm quen bởi thị hiếu bây giờ như thế. Tôi chỉ biết làm sao trau dồi kiến thức, sau này dù có không đứng trên sân khấu nữa, mình cũng có chỗ dựa vững chắc là truyền đạt kiến thức, phương pháp thanh nhạc của mình. Sau này, tôi vẫn muốn theo đuổi công việc giảng dậy, vừa đi hát vừa giảng dậy.
Nhắc đến chuyện “cò kè” tiền cát - xê, lại nhớ ca sĩ Vương Dung đã từng kể câu chuyện, có nơi mời cô hát, khi cô nói giá thì bên kia bảo sao cao thế và đưa ra cái giá thấp khó có thể chấp nhận được. Vưong Dung đã “phản ứng” lại rằng cô sẽ trả cái giá đó cho người mời cô, để họ hát, xem họ có hát được không. Thành Lê đã bao giờ gặp phải trường hợp phải xù lông “bật” lại như thế này chưa?
Tôi cũng gặp phải trường hợp này rồi. Đối với ca sĩ, cái chuyện bị “cò kè” giá cả là điều khó tránh khỏi. Có trường hợp mời tôi đi hát trong Hà Nội, chỉ giả cho tôi có mấy trăm nghìn thôi, cứ mặc cả lên dần dần như mớ tôm mớ cá. Rất là buồn cười!
Tuy nhiên, tôi phản ứng nhẹ nhàng thôi. Tôi chỉ bảo tại sao chị lại đưa ra một cái mức mà em nghĩ bản thân chị cũng thấy không hợp lý? Nếu tôi thấy căng thẳng hoặc bị ép quá thì tôi từ chối thẳng luôn.
Đấy là vấn đề tiền cát - xê, còn khi đi diễn xa, Thành Lê có bao giờ gặp phải rắc rối mà nguyên do từ chính…khán giả không?
Đúng là đi diễn xa nhiều khi cũng gặp phải những khán giả quá khích. Tôi nhớ một lần đi hát ở Hải Phòng. Tôi đang hát, có cậu thanh niên lên và cứ “hành động” luôn, sỗ sàng như kiểu đòi ôm, hôn mình. Tôi cứ vừa hát vừa đi xung quanh, không biết làm thế nào đành… quay lưng ra. Cậu ta không ôm được, tẽn tò đi xuống. Tôi hát mà vừa tức vừa buồn cười. Khán giả họ cười ồ lên…
Tôi được biết, ca sĩ đi diễn tỉnh, sự rắc rối từ phía khán giả không chỉ dừng ở…cái ôm. Nhớ vụ “rình rập” ở Ninh Bình, vụ “bạo động” ở Thái Nguyên v.v…trong năm ngoái mà giật mình. Thành Lê có nghĩ mình phải “cẩn thận” hơn mỗi khi đi diễn tỉnh và có phương pháp để “bảo vệ” bản thân?
Đấy là vấn đề rất khó. Ca sĩ lúc nào cũng muốn đứng trước khán giả, thể hiện hết mình với khán giả. Bên cạnh đó, cũng có những khán giả mình không thể lường trước được hành động của họ. Nếu vừa hát vừa lo lắng thì mình mất hết cảm xúc. Đối với tôi , tôi chỉ mới gặp trường hợp “nhỏ” ở Hải Phòng cũng đã thấy… Tôi nghĩ, càng ngày các nơi tổ chức chương trình, người ta cũng có sự quản lý chặt chẽ hơn. Và bản thân ca sĩ cũng phải tự biết cách ứng xử, lo lắng cho bản thân.
Bên cạnh những kỷ niệm “dở mếu” hẳn có cả những kỷ niệm vui trong những chuyến đi diễn xa chứ?
Lần đầu tiên tôi đi sang Thái Lan biểu diễn. Lúc ấy, người ta chưa biết tôi là ai. Đoàn chỉ có tôi với Hoàng Tùng là ca sĩ. Buổi diễn phục vụ kiều bào diễn ra rất sang trọng và ấm cúng. Tôi hát không biết mệt và khán giả nghe không biết chán.
Năm nay, tôi muốn hưởng một cái Tết thảnh thơi. Tôi xa gia đình 7 năm rồi, 7 cái Tết chỉ được ở bên người thân có vài ngày ngắn ngủi. 26 Tết này, tôi đã chuẩn bị về quê. Năm nào cũng thế, tôi ôm một bó hoa Layơn từ Hà Nội về nhà cắm vào hai bình hoa to để trong nhà. Tết ở gia đình, cảm giác ấm áp sau quãng thời gian có quá nhiều chuyện vui buồn. Tôi được gặp bạn bè, đi thăm lại các cô thầy ngày xưa dậy mình…
Với một năm nhiều “biến động” - kể cả chuyện vui (đoạt giải nhất Sao Mai ở dòng nhạc dân gian) và chuyện buồn (chia tay người yêu, bị tai nạn ngã xe). Vậy trong năm mới này, đi lễ chùa Thành Lê sẽ cầu khấn điều gì cho riêng mình?
Về tình yêu, tôi tin vào số phận. Những lúc mình cô đơn, mình cần sự che chở thì mình ước nó đến nó cũng không đến. Khi mình quên đi rồi, thì nó đến một cách tự nhiên, đến mà mình không biết.
Nếu có khẩn cầu trong năm mới, tôi xin cho mình được sức khoẻ. Tôi thấy rằng con người cần nhất sức khoẻ, không có sức khoẻ sẽ chẳng thể làm được điều gì. Trải qua mọi chuyện, tôi thấm thía, sức khoẻ là điều tốt nhất. Tôi cũng mong những dự định âm nhạc của mình được thành công. Tôi tin, lúc nào cũng tin rằng nếu mình sống tốt, làm tốt thì sẽ nhận được những điều tốt.
Hàn Nguyệt