1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Thanh Lam: Kiêu hãnh từ trong máu

"Nếu sống để làm vừa lòng tất cả mọi người thì tôi cũng nhợt nhạt giống như bản copy người này một tý, người kia một tý..." - Thanh Lam "khắc họa" về sự kiêu hãnh của mình.

"Chỉ trong tình yêu Lam mới mạo hiểm..."

Mất rất nhiều thời gian mà chị vẫn chưa xin được tài trợ để làm liveshow. Yêu cầu tài trợ của chị quá cao hay tên tuổi Thanh Lam đã không đủ độ “nóng” như trước?

Một show như Lam định tổ chức tiêu tốn vài tỉ. Chương trình sẽ tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực chứ không phải tập trung cho sân khấu. Riêng hai dàn nhạc giao hưởng và dân gian đòi hỏi rất nhiều người. Lam không thể làm qua loa mà phải mời được những nghệ sĩ có tên tuổi. Không có nguồn kinh phí dồi dào thì khó có thể thực hiện được ý muốn đó nên  cũng không việc gì phải quá sốt ruột.

Liveshow của Mỹ Linh đã thành công, chị cũng không sốt ruột?

Tôi vẫn thấy không nên suốt ruột, quan trọng là mình có mục đích gì. Đã làm là ra làm, không để cho cái này cái kia ép mình. Năm vừa qua tôi cũng rất muốn được biểu diễn trong một show hoành tráng như vậy nhưng các điều kiện chưa hội đủ nên chưa thực hiện được cũng là chuyện thường tình. Mình biết mình thế nào chứ.

Khi “cover” lại một số bài của các ca sĩ khác, như Tùng Dương, Ngọc Khuê, chị nghĩ sao khi người ta cho rằng chị thể hiện không mấy thuyết phục?

Tôi cho rằng hát cũng như khẩu vị ăn uống của mỗi người. Người thích mặn sẽ bảo mặn là ngon, còn Lam thích chua thì cho chua là hơn. Mỗi người đều có cảm nhận riêng nên không nên mang ra so sánh.

Nếu như cho lên bàn cân thì hai bạn trẻ kia không thể so với tôi được rồi. Tôi đã là người luôn đưa ra những sản phẩm có chất lượng cao thì sản phẩm dở nhất cũng còn hơn chán so với những người trung bình. Cái dở này cũng chỉ là tạm thời thôi, quan trọng nhất là cái mình để lại cùng năm tháng mà được công nhận.

Chị có nghĩ "cover" lại như vậy có chút mạo hiểm gì không?

Tôi không làm cái gì mạo hiểm. Mạo hiểm là cái nằm ngoài khả năng của mình, từ bé Thanh Lam đã không làm cái gì ngoài khả năng của mình. Chỉ trong tình yêu Lam mới mạo hiểm vì tình yêu thì không thể kiểm soát được. Không muốn thì nó cũng là mạo hiểm rồi.

Kiêu hãnh từ trong máu

Thanh Lam: Kiêu hãnh từ trong máu  - 1

Chị từng tuyên bố khi nghe Thanh Lam hát thì không còn muốn nghe ai hát nữa, vì chị có sự biểu cảm rất cao. Vậy là chị bạo miệng và mạo hiểm quá chăng?!

Điều này thì không phải do tôi tự nhận xét về mình mà do khán giả của tôi nói. Lam tự cho mình là người kín đáo, không bao giờ nói quá về mình, không “nổ” về mình. Thực tế khán giả của tôi đã nói nghe Thanh Lam hát giống như đã quen với một món nhiều gia vị mà khi ăn món khác họ luôn thấy nhạt.

Không ít người cho rằng chị dám tuyên bố như thế là quá ngạo mạn. Thanh Lam chưa là gì nên giả sử có thấy chị hát, họ sẽ tắt phụt ti vi đi…

Tôi không nói điều đó nên cũng không sợ. Nhưng tôi dám khẳng định Thanh Lam là người kiêu hãnh vì tôi luôn tự tin. Kiêu hãnh khác với ngạo mạn, vì ngạo mạn là những kẻ không tự tin lắm.

Chân dung một Thanh Lam kiêu hãnh là như thế nào?

Một thanh Lam dám sống, dám làm mà trước tiên là làm cho chính mình. Chứ nếu chỉ sống và làm cho nhu cầu của những người xung quanh thì không còn cái tôi của mình nữa. Nếu sống để làm vừa lòng tất cả mọi người thì tôi cũng nhợt nhạt giống như bản copy người này một tý, người kia một tý.

Điều gì làm nên sự tự tin và kiêu hãnh đó?

Lam nghĩ ngay từ nhỏ mình đã có nó trong máu. Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Tính của mình nó là vậy chứ không phải do mình cố tạo nên.

Khán giả nếu đã thích chị thì rất thích nhưng đã ghét thì “ghét cay ghét đắng”. Điều này phải chăng thể hiện sự độc đáo riêng của chị?

Lam nghĩ đây cũng là sự công bằng của nghệ thuật thôi. Những khán giả thích âm nhạc của Lam đa số là có cá tính mạnh. Tại sao Lam luôn có sức công phá vì chính bởi đa số khán giả Việt Nam từ trước đến nay chỉ thích nghe những thứ âm nhạc mềm mại, những cái càng yếu ớt thì càng thích. Đây cũng là gu chung của người Châu Á.

Vậy chị nghĩ vì sao mình bị ghét?

Những người ghét mình thì mình không gặp. Mà có muốn gặp họ cũng không được nên mình chỉ nghĩ cái gì cũng có cái được và cái mất. Người ghét mình đa số là những người ưa ngọt ngào, thích tình cảm kiểu mơn trớn thôi. Điều này họ sẽ tìm được ở đa số các ca sĩ khác đang có trên thị trường. Còn những người thích cảm xúc thực, những sự giằng xé cũng như cái mới lạ thì sẽ thích mình. Bởi Lam nghĩ mình luôn mới cho dù mình đã hát lâu rồi. Những người chịu ảnh hưởng từ lối hát của Lam đều là những người có cá tính.

Như thế có nghĩa là ai “phục tùng” quan điểm của chị thì chị chơi, ai phản bác lại thì nghỉ?

Trong cuộc sống thì cần phải có sự yêu ghét rõ ràng. Không riêng gì Lam mà ai cũng vậy, chỉ chơi với những người hợp gu. Tôi không muốn chơi xô bồ. Mình có thể sống lịch sự với mọi người nhưng như vậy không có nghĩa là phải chơi với họ. Đa số bạn bè hơn tuổi tôi, về nguyên tắc thì không bao giờ họ hơn tuổi họ lại phục tùng mình cả. Tôi luôn chơi với các bạn trên thế bình đẳng. Còn nếu chơi với người phục tùng mình thì chán, sự phục tùng chỉ cần trong công việc mà thôi.

Nếu để Thanh Lam thỏa sức vẫy vùng...

Khi song ca cùng chị thường “bỏ rơi” ca sĩ khác. Đây là chị hát cá nhân quá hay là do họ quá đuối?

Trong hát song ca thì phải nghe nhau, nhưng đầu tiên mình phải hát cho chính mình đã, nếu mà hát giống hệt nhau là vứt đi. Khi hát Lam luôn nói Lam sẽ hát theo cái của Lam còn họ sẽ hát theo cái của họ, không để những cái Lam thể hiện ảnh hưởng tới họ. Như khi song ca cùng Tấn, cả Lam và Tấn đều có cá tính rất mạnh nhưng vẫn phải có điểm chung. Đôi khi là lại do bài hát và do người viết tạo ra điểm chung này.

Chị có thường xuyên nghe nhạc trong nước không? Theo chị tại sao chúng ta không có đột phá trong âm nhạc?

Lam là người làm nghệ thuật nên nghe nhạc là điều không thể bỏ qua. Nhưng trong thời gian gần đây thì thực sự chưa thấy thích một sản phẩm nào. Còn không có sự đột phá là do chúng ta chưa tạo ra một thị hiếu nghe. Nghệ sĩ cũng phải đáp ứng thị hiếu khán giả, nó chi phối rất lớn tới sản phẩm ra. Khi mà khán giả cứ thích những cái xưa cũ thì bắt buộc phải sản xuất ra những cái mà ai cũng hát bai bải ra để đáp ứng họ.

Nói như vậy có nghĩa là còn nhiều khán giả của ta nghe nhạc quá dễ dãi?

Thực tế nước ta chưa có một nền kinh tế phát triển, cuộc sống còn khó khăn nên khán giả chỉ cho rằng nghe ca nhạc là giải trí. Đến một lúc nào đó cuộc sống được nâng cao sẽ đòi hỏi một sự chất lượng hơn chứ không thể cứ mua đĩa về bật lên cho vui tai, muốn hát gì thì hát. Họ sẽ đi vào thưởng thức. Chính sự nghiêm khắc của người nghe sẽ thúc đẩy sự phát triển của các nghệ sĩ. Nó bắt các nghệ sĩ phải nghiêm túc hơn khi đưa ra sản phẩm chứ không thể muốn hát kiểu gì thì hát như hiện nay được.

Ca sĩ Thanh Lam đã làm được hết mình chưa?

Lam thấy mình chưa làm được cái gì to tát cả, có công phá đấy nhưng chưa đáng kể. Nếu cho Lam thỏa sức thì Lam tin mình sẽ làm được tốt hơn nữa rất nhiều.

    Theo Bùi Dũng
Vietnamnet