Thanh Bùi: “Sẽ có nhiều hơn một nghệ sĩ Việt được đề cử Grammy”

(Dân trí) - “Chúng ta đã có một người Việt đầu tiên được đề cử giải Grammy đang ngồi đây (nghệ sĩ Chi Thanh), thì tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ có thêm và hơn một người nữa, chỉ cần chúng ta tôn trọng, đầu tư thời gian và chất xám cho nghệ thuật”, nghệ sĩ Thanh Bùi kì vọng.

Missing You - Chi Thanh Remix kết hợp cùng Alexander Tú, Thanh Bùi.

Thanh Bùi: “Câu chuyện nào cho bản quyền âm nhạc Việt Nam”

Khó hay không khi anh có thể mời về Việt Nam anh Chi Thanh - Người Việt Nam đầu tiên được đề cử giải Grammy và đang rất thành công ở Châu Âu?

Khi Thanh làm việc với Apl.de.Ap (thành viên nhóm nhạc The Black Eyed Peas), các nhạc sĩ Wayne Hector, AJ (tác giả của các bản hit thế giới của các nghệ sĩ như: One Direction, Nicki Minaj, Jennifer Lopez…). Điều đầu tiên các anh ấy hỏi Thanh là “Vấn đề bản quyền Việt Nam” như thế nào?

Nghệ sĩ Thanh Bùi chia sẻ, khi làm việc với các nghệ sĩ thế giới thì vấn đề đầu tiên họ quan tâm là bản quyền tại Việt Nam như thế nào.
Nghệ sĩ Thanh Bùi chia sẻ, khi làm việc với các nghệ sĩ thế giới thì vấn đề đầu tiên họ quan tâm là "bản quyền" tại Việt Nam như thế nào.

Anh Chi Thanh cũng không ngoại lệ, khi mà anh ấy có thể bán hơn 10 triệu đĩa trên toàn thế giới. Anh Chi Thanh cũng chính là người Việt Nam đầu tiên được đề cử giải Grammy ở hạng mục Latin rock với ca khúc “Lipstick” hợp tác cùng nhạc sĩ huyền thoại Desmond Child.

Với dòng nhạc hiện đại, Chi Thanh đã sản xuất các sản phẩm âm nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng như Madonna, P. Diddy, Usher…. Vậy thì câu trả lời của Thanh như thế nào để mời được anh Chi Thanh về Việt Nam? Đó chỉ là một sự kết nối cho những người như Thanh và anh Chi Thanh, mong muốn tìm về cội nguồn và cống hiến cho quê hương của mình với mong muốn mang những tài năng âm nhạc, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới.

Chi Thanh là người Việt Nam đầu tiên được đề cử giải Grammy ở hạng mục Latin rock.
Chi Thanh là người Việt Nam đầu tiên được đề cử giải Grammy ở hạng mục Latin rock.

Có ý kiến cho rằng âm nhạc Việt đang thừa giọng ca nhưng thiếu những tài năng thực sự, quan điểm của anh ra sao?

Ngày xưa, các ca sĩ có thể hát live rất tốt, nghệ sĩ phát triển trên cơ sở năng lực thực sự. Ngày nay, khi người ta không đủ sự tôn trọng dành cho nghệ thuật, thì họ dễ dàng quên đi việc tập luyện và đào tạo bài bản. Họ xem nghệ thuật như là một giá trị kinh tế, họ chi trả tiền để mua bài hát rồi vào studio để thu và chỉnh sửa, khi đi diễn thì hát nhép. Đó là một sự giả tạo và xây dựng hình ảnh rất sai về nghệ thuật.

Quan điểm của Thanh là chất lượng hơn số lượng. Điều đó sẽ thể hiện cụ thể hơn khi Thanh triển khai Quỹ học bổng Trịnh Công Sơn dành cho những tài năng không đủ điều kiện, Thanh mong muốn các tài năng thực sự trên khắp Việt Nam có thể được hỗ trợ, được nâng đỡ để phát triển.

Thanh Bùi: "Không thể phủ nhận khoảng thời gian vàng của nhạc Việt"

Trở lại câu chuyện quốc tế hóa âm nhạc Việt, điều này dường như vẫn chưa bao giờ là điều dễ dàng?

Khi Thanh coi lại những clip cũ “thời kì vàng của nền âm nhạc” như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Lam Trường… Thanh cảm thấy các clip đó rất hay. Thời điểm đó người ta nhận định về chữ “nghệ sĩ” rất đúng. Khán giả thương nghệ sĩ, họ trân trọng và khao khát cơ hội được tiếp xúc với nghệ sĩ.

Mình không thể phủ nhận khoảng thời gian vàng của nhạc Việt được, chính vì vậy, tại sao không? Tại sao mình không quay trở lại với cái cốt lõi đó một lần nữa?

Việt Nam phải tiếp tục tiến bộ. Mà điều quan trọng là chúng ta phải tìm được sự kết nối. Cơ bản của sự kết nối đó chính là ngôn ngữ. Giới trẻ Việt Nam bây giờ không còn nghe nhạc Việt nhiều như ngày xưa nữa vì sự ảnh hưởng của nhạc quốc tế.

Các em nghe Adele, hay các ca khúc của RedOne nhiều hơn nhạc Việt Nam… Nhưng rõ ràng, những bài hát của RedOne được rất nhiều người yêu thích, khán thính giả có thể nghe không hiểu, nhưng họ vẫn thích… Điều đó hoàn toàn dễ hiểu khi đó là sản phẩm âm nhạc đầy chất lượng. Nếu âm nhạc chất lượng thì dù là đến một đất nước nào khác, dù khán thính giả không hiểu về ngôn ngữ thì người ta cũng cảm nhận được cảm xúc của bài hát.

Ví dụ cụ thể nhất là vừa rồi Thanh có đưa nhóm Soul club qua Singapore tham gia Asia Arts Festival. Các em hát bài “Con cò”, với một em hát, một cây đàn và một em beatbox, khán thính giả tại đó đa số là người nước ngoài nên họ hoàn toàn không hiểu về ý nghĩa bài hát nhưng khi kết thúc tiết mục, mọi người vẫn vỗ tay và dành cho các em sự cảm kích rất nhiều.

Sau khi hát xong thì các khán thính giả Malaysia, Philipines, Indonesia... đều xin chụp hình với các em. Tuy họ không hiểu về bài hát, nhưng họ vẫn cảm nhận được. Tất cả chỉ là mình dùng nhạc Việt Nam và thay đổi bối cảnh, mình hiểu được giá trị cốt lõi và phát triển cho các sản phẩm của mình.

Nghệ sĩ Chi Thanh (cầm đàn) cùng nghệ sĩ Thanh Bùi (thứ 2 từ trái sang) cùng đặt rất nhiều kì vọng vào sự chuyển mình của nền âm nhạc Việt Nam.
Nghệ sĩ Chi Thanh (cầm đàn) cùng nghệ sĩ Thanh Bùi (thứ 2 từ trái sang) cùng đặt rất nhiều kì vọng vào sự chuyển mình của nền âm nhạc Việt Nam.

Thanh và anh Chi Thanh vẫn luôn mong muốn mang những tài năng âm nhạc, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới và giới thiệu âm nhạc, nghệ thuật thế giới đến Việt Nam.

Chúng ta đã có một người Việt đầu tiên được đề cử giải Grammy đang ngồi đây, thì Thanh tin chắc rằng chúng ta sẽ có thêm và hơn một người nữa, chỉ cần chúng ta tôn trọng nghệ thuật và đầu tư thời gian và chất xám cho nghệ thuật.

Chi Thanh: “Ba vẫn thường nhắc đến cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”

Chào anh Chi Thanh. Đây là lần đầu Chi Thanh về Việt Nam? Anh gặt hái được gì sau lần trở về này?

Chi Thanh đã có dịp trình diễn cho khản giả hâm mộ tại Việt Nam trong chương trình Giao lưu âm nhạc Đức tại TPHCM vào tháng 04/2015.


Nghệ sĩ Chi Thanh

Nghệ sĩ Chi Thanh

Lần trở về này, Chi Thanh dành nhiều thời gian để tham gia các hoạt động âm nhạc tại Việt Nam. Thanh đã cơ hội giao lưu với các bạn trẻ, các đồng nghiệp DJ/Producer tại Việt Nam. Để từ đó, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm nhằm xây dựng một nền công nghiệp âm nhạc và nghệ thuật đa dạng và mang tiêu chuẩn quốc tế.

Điều vui hơn đó chính là những dòng tin nhắn của các bạn sau khi về nhà chia sẻ với Thanh rằng, các bạn đã học hỏi và update được rất nhiều. Có một số bạn đã biết về Thanh trước đó còn dành hẳn một buổi làm việc để đến tham gia cùng Thanh.

Tại sao Chi Thanh lại quyết định về Việt Nam vào thời điểm này?

Ba Thanh là một nhà thơ. Từ nhỏ Thanh biết đến Việt Nam thông qua những câu chuyện của ba. Ba vẫn thường hay nhắc đến cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và cố nhạc sĩ chính là người Việt Nam đầu tiên mà Thanh biết đến. Qua rất nhiều dự án làm việc tại Đức với nhiều đối tác khác, Chi Thanh và Thanh Bùi có cơ hội gặp gỡ và cùng cộng tác với nhau, đó chính là lý do ngày hôm nay Chi Thanh trở về Việt Nam và có cơ hội cống hiến cho nền nghệ thuật âm nhạc tại quê hương của mình.

Cảm ơn hai anh về buổi chia sẻ này!

Phương Nhung
Ảnh: NVCC