Tết đến, nhớ chú heo đất

(Dân trí) - Cho đến hôm nay tập tục lì xì bỏ heo đất cho những đứa trẻ vào mỗi dịp Tết là không thể thiếu. Nó là một cử chỉ quan tâm của người lớn dành cho trẻ nhỏ gửi vào đồng tiền cùng lời chúc mừng may mắn trong năm mới của người Việt Nam.

Nững chú heo đất ngộ nghĩnh được bán trong những ngày Tết.
Nững chú heo đất ngộ nghĩnh được bán trong những ngày Tết.
 
Đi chợ vào ngày giáp Tết, ở các gian hàng đồ chơi không thể thiếu những chú heo đất được trưng bày đẹp. Khi ấy, ký ức tuổi thơ ngày tết trong tôi lại ùa về. Khác với những chú heo đất những ngày thường thì heo đất vào dịp Tết đẹp hơn hẳn, được các nghệ nhân đất nung trang trí nhiều màu sắc bắt mắt, đáng yêu thu hút những ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ đi qua và không quên nài nỉ đòi ba mẹ mua cho một chú heo đất bỏ tiền lì xì ngày Tết.

Con heo đất có hình dáng đầu tròn được làm bằng nguyên liệu sứ của làng nghề gốm, có nhiều màu sắc khác nhau, trên lưng có một đường xẻ vừa vặn để thả những đồng xu hay những phong bao lì xì. Không phải tự dưng con heo được chọn là người bạn thân của mỗi đứa trẻ cầm trên tay, là nơi lưu trữ để tiền lì xì Tết của trẻ nhỏ, bởi hình ảnh con heo bầu bĩnh cái bụng và khuôn mặt có ý nghĩa tượng trưng cho sự giàu sang, sung túc và ấm no. Ngày xưa mỗi đứa trẻ chúng tôi đâu quan trọng việc ai mừng tuổi nhiều tiền hay ít tiền, mà chỉ chú tâm đến việc làm sao cho heo nhanh đầy, cứ thế những đồng tiền lẻ được bỏ dày cộm vào phong bao lì xì không thèm mở ra mà càng thích thú nhanh tay bỏ vào heo đất, rồi ẵm con heo đất đi khoe với lũ bạn cùng xóm.

Miền quê gọi là “lợn đất “, ở các thành phố gọi là “heo đất”, dù những cái tên được đặt khác nhau ở mỗi miền nhưng cùng là người bạn thân của mỗi đứa trẻ nhỏ. Tôi vẫn còn nhớ ngày xưa khi còn nhỏ mỗi lần đi chợ Tết mẹ lại mua cho tôi một con heo đất để Tết về tôi được tiền lì xì bỏ vào để xem như đó là tiền của mình. Cũng giống như bao đứa trẻ trong xóm tôi ngày ấy, hầu như đứa nào cũng được ba mẹ mua cho một con heo đất. Thông thường, vào sáng mồng một Tết các con cháu trong gia đình tôi thường tụ tập lại để chúc tết ông bà, ba mẹ sẽ nhận được lời chúc mừng tuổi cùng với tiền lì xì. Đối với người lớn, tiền lì xì chỉ mang ý nghĩa tượng trưng để năm sau làm ăn phát đạt, tài lộc dồi dào, nhưng đối với những đứa trẻ chúng tôi ngày ấy thì khác, tiền lì xì bao giờ cũng chứa đựng cả ước muốn được khỏe mạnh, học hành giỏi giang và có nhiều may mắn hơn trong năm mới.
 
Chính vì vậy, mỗi khi có khách đến nhà chúc tết là tôi không đi đâu chơi cả, chỉ háo hức chờ đợi để được nhận lì xì, năm nào cũng vậy, nhờ những bao lì xì mà con heo đất của tôi được ăn no. Ngày ấy, tôi thích nhất là được ai lì xì cho đồng xu, bởi chính kích thước của các đồng xu sẽ bỏ vừa vặn cái lỗ bụng heo đất, hay những đồng tiền trăm lẻ chẳng đáng bao nhiêu nhưng đứa nào cũng thích, tất cả đều được đút hết vào heo đất.
 
Những lúc được ai lì xì tôi lại ôm con heo đất chạy qua nhà hàng xóm mấy đứa bạn khoe heo tôi vừa mới được ăn, những đứa khác thấy vậy cũng về ôm con heo đất của mình ra so sánh xem heo ai đầy ắp không thể bỏ được nữa. Con heo đất được cất kĩ, không cho anh chị xem vì sợ anh chị thiếu tiền lại tìm cách đục lỗ heo của mình lấy, thế nên những lúc đi đâu vắng nhà tôi lại gửi heo đất cho ba mẹ canh giữ. Có những đứa thấy heo đầy ắp thế là ai mừng tuổi thì không giám bỏ vào sợ heo ăn no quá tội nghiệp heo, mà đưa cho bố mẹ rồi chờ hết tết để mổ heo. Còn những đứa nào heo chưa đầy thì chờ tết năm sau mổ heo, được bố mẹ thêm tiền mua cho quần áo mới.
Đứa trẻ thích thú với heo đất trong ngày Tết.
Đứa trẻ thích thú với heo đất trong ngày Tết.

Mỗi năm Tết đến là một con giáp khác nhau nhưng hình tượng con heo đất luôn gắn với ngày Tết của tuổi thơ tôi, heo đất không chỉ trở thành những người bạn thân thiết đối với những đứa trẻ, heo đất chính là niềm mơ ước nhỏ nhoi của trẻ con xóm tôi ngày ấy trong cái đói, cái nghèo chỉ mong duy nhất mỗi lần tết đến mổ heo để có quần áo mới mặc tết. Bởi những ngày thường rất hiếm khi bố mẹ mua cho quần áo mới, chỉ có những ngày giáp Tết mổ heo với thêm tiền của ba mẹ mới có đủ tiền mua một bộ quần áo mới. 

Cho nên cả năm đó hễ ai lì xì được bao nhiêu là thả vào heo đất hết, nhiều lúc thèm cái kẹo hay muốn mua một bộ đồ chơi nhưng lại không giám lấy tiền từ heo đất, sợ bụng heo đất sẽ trống rỗng hay đập heo rồi mẹ sẽ không mua cho con heo khác. Đến tết năm sau thì tôi lại đưa bạn heo ra đập để lấy tiền mua áo mới, những heo đất được làm bằng sứ, muốn lấy được tiền trong đó thì phải đập bể cả con heo thế là sợ năm sau không có heo nữa, mẹ tôi lại nhanh chóng đi chợ mua cho một con heo khác thay thế. Cứ năm này qua năm khác, mỗi năm tôi lại thay đổi một con heo đất để giữ tiền lì xì ngày tết.

Heo đất gắn với phong tục lì xì, nhưng ngày xưa chỉ là những tiền xu, tiền hào, những đồng tiền lẻ mang tính chất tượng trưng cho sự may mắn, khích lệ những đứa trẻ nhỏ chăm ngoan học tốt. Những chú heo đất thể hiện nỗi niềm ước mơ tuy nhỏ nhưng đối với những đứa trẻ lại là cả một giấc mơ mỗi khi tết đến xuân về.

Heo đất ngày nay, không chỉ là nơi để giữ tiền tiết kiệm còn là quà tặng heo đất đã trở thành món quà truyền thống để nhắc nhở các thành viên trong gia đình luôn phải biết tiết kiệm, sống cần kiệm và để đầu xuân rước lộc là một nét đẹp truyền thống mà chúng ta cần phải gìn giữ. Đừng bao giờ nghĩ rằng tiền lì xì là “của rơi nhặt được” mà tiêu xài tùy tiện, lãng phí, cũng đừng bao giờ bĩu môi tỏ ra vẻ khó chịu khi nhận được những phong bao lì xì không “to” như mình mong muốn. Hãy biết thành kính, trân trọng đón nhận và không quên gửi một lời cảm ơn sâu sắc nhất đến ông bà, cha mẹ hay những người đã trao cho chúng ta những phong bao lì xì ý nghĩa.

Chắc hẳn, lũ heo đất mắt xoe tròn ngơ ngác không thể nào hiểu rằng, chúng đã cùng lũ trẻ chúng tôi học bài học tiết kiệm đầu tiên trong đời, gom góp những đồng tiền lì xì sử dụng đúng nơi. Trước các con đường phố hay xe dừng lại nơi ngã tư, mấy đứa trẻ lại reo lên “heo đất, heo đất kìa…”, mà mỗi người trưởng thành đều có những tuổi thơ ngày ngày Tết thật ý nghĩa.

Nguyễn Thiết