1. Dòng sự kiện:
  2. Concert Dân trí 20 năm - "Rực rỡ ngày mới"

Tapdance: Giai điệu từ đôi chân

(Dân trí) - Tiếng gõ xuống sàn phát ra theo nhịp điệu, những bản nhạc vang lên từ đôi chân đã làm nên sức hút kỳ diệu của điệu nhảy Tapdance. Nhiều thập kỷ qua, nó đã khiến hàng triệu trái tim trên thế giới đam mê, song tại Việt Nam, môn nghệ thuật này còn khá xa lạ.

Nhóm nhảy The First Tapdance (The 1st Tapdance) của Việt Nam sẽ chia sẻ với độc giả những kiến thức về môn nghệ thuật đặc sắc này.

 

Tapdance được biết đến trên thế giới như thế nào?

 

Theo lịch sử ghi nhận, điệu nhảy này bắt nguồn từ ngôn ngữ tiếng động của thổ dân châu Phi. Để thay tiếng trống và những nhạc cụ, người nô lệ châu Phi đã sử dụng ngôn ngữ từ đôi chân làm công cụ truyền âm thanh và liên lạc với nhau. Đến khoảng giữa thế kỷ 19, ở khu vực Mỹ và Bắc Phi, tiếng động này đã phát triển thành điệu Tapdance.

 

Cho đến hiện nay, tuy không trở thành một phong trào sôi nổi như Hiphop, Breakdance... song, Tapdance vẫn được rất nhiều người trên thế giới đam mê và trở thành một môn nghệ thuật được đào tạo bài bản.

 

Phong cách nghệ thuật của Tapdance là gì?

 

Tapdance chủ yếu thể hiện bằng đôi chân, bằng tiết tấu và được xếp là một môn khiêu vũ thể thao (Dance Sport) có sự kết hợp giữa hình thể và âm thanh, nhưng khác ở chỗ, tiếng động được phát ra bằng đôi chân. Tiếng động của Tapdance xuất phát từ tiếng đập xuống sàn nhà bằng một đế giầy đóng bằng sắt.

 

Giày để nhảy Tapdance rất đặc biệt: được làm bằng chất liệu da rất mềm, phải có cái Cá được làm bằng sắt hoặc inox (tiếng Anh gọi là Tap) một đế vào mũi, một đế vào gót. Loại giày này phải đặt mua ở nước ngoài với giá khoảng 100 đôla/1đôi vì ở Việt Nam không bán.

 

Ngoài tiếng động từ đôi chân, Tapdance có cần thêm nhạc cụ nào khác?

 

Tapdance có nhiều trường phái. Đối với trường phái Tapjazz thì nhảy theo phong cách nhạc jazz. Đối với trường phái Irisk dancing thì nhảy theo phong cách châu Âu, nghĩa là mang phong cách quý tộc, chỉ nhảy bằng đôi chân mà hầu như không vận động tay. Trường phái này được nhảy trên nền nhạc dân gian như của Ailen, Nga, hoặc Flamenco của Tây Ban Nha... 

 

5 thành viên của nhóm The 1st Tapdance

 

Tống Minh Tùng - Sinh viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội

 

Hoàng Minh Trung - Nhà hát ca múa Nhạc nhẹ Trung ương

 

Lê Tuấn Đức - Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Nguyễn Dân Huy - Hiện đang công tác tại UBND Quận Ba Đình (Hà Nội)

 

Nguyễn Tất Long - Hoạ sỹ

Sẽ phải mất khoảng bao lâu để nhảy Tapdance được?

 

Điều này tuỳ thuộc vào nhu cầu mỗi người. Đối với những người đam mê thực sự và có tố chất thì mất khoảng 1,2 năm có thể nhảy khá được.

 

Nghe nói, nhóm The 1st Tapdance mới thành lập?

 

Thực tế, nhóm đã luyện tập với nhau nhiều nhưng chính thức thành lập thì mới năm nay. Trong đó, có người đã tập tới 10 năm, người tập ít thì cũng được 3,4 năm. Chúng tôi học nhảy Tapdance từ ông Phúc Dĩ - người tiên phong cho phong trào Tapdance tại Việt Nam.

 

Lý do nào khiến Tapdance chưa phổ biến ở Việt Nam?

 

Ở Việt Nam, dù rất nhiều người tâm huyết đã cố gắng đưa môn nghệ thuật này trở thành phong trào nhưng không thành công. Điều này có thể là do cách thưởng thức nghệ thuật ở Việt Nam khác với nước ngoài. Hơn nữa, Tapdance rất kén sân khấu. Để biểu diễn được Tapdance phải có sàn gỗ và có hệ thống âm thanh cực kỳ tốt.

 

Hiện nay, nhóm thường xuyên tập luyện như thế nào?

 

Chúng tôi thường tập với nhau vào buổi chiều tối sau khi kết thúc công việc và học tập. Nơi tập của nhóm thường ở những nơi công cộng như vườn hoa Con cóc, Cung văn hoá Hữu nghị Việt-Xô. Chúng tôi thường xuyên củng cố kiến thức, kỹ thuật nhảy bằng cách xem băng, đĩa, tài liệu của nước ngoài.

 

Cuối cùng The 1st Tapdance mong muốn điều gì?

 

Nhóm mong muốn được truyền lại những gì mình đã biết và niềm đam mê Tapdance đối với người Việt Nam, để môn nhảy trở thành một phong trào thực sự đúng như những gì nó đã được công nhận trên thế giới.

 

Lan Hương - Nguyễn Hiền