Tài năng văn chương trong cơ thể 28kg
“Tôi bắt đầu thấy khâm phục, cảm giác từng có với Phan Thị Vàng Anh và Nguyễn Ngọc Tư”, nhà văn Dạ Ngân đã khẳng định như thế khi nói về Nguyễn Bích Lan - dịch giả của “Triệu phú khu ổ chuột”.
Năm 2010, Nguyễn Bích Lan đã đoạt giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam. Cô vừa ấn hành tập truyện ngắn và thơ Sống trong chờ đợi (NXB Trẻ). Tập sách này dày khoảng 200 trang in xen kẽ các bài thơ và truyện ngắn do Nguyễn Bích Lan sáng tác.
Đến nay, Nguyễn Bích Lan đã dịch thành công 23 đầu sách, chủ yếu là tiểu thuyết. Chị sinh năm 1976, nhưng năm 13 tuổi đã mắc bệnh nan y không bưng nổi chén cơm ăn, giờ nặng khoảng 28 kg.
Nguyễn Bích Lan và tập truyện ngắn và thơ Sống trong chờ đợi
Theo nhà văn Dạ Ngân: “Sống trong chờ đợi nhiều dấu ấn tự truyện, chắc chắn đã khiến độc giả thú vị lẫn tò mò. Tôi bắt đầu thấy khâm phục, cảm giác từng có với Phan Thị Vàng Anh và Nguyễn Ngọc Tư. Tất nhiên Nguyễn Bích Lan có cuộc đời rất khác... Có cần đặt vào tình cảm người đọc sự thương cảm hay động viên không? Không, như vậy là không công bằng với một tài năng - cho dù tài năng đó đang sống trong một cơ thể chỉ còn nặng có 28 kg!”.
Nhận định của Dạ Ngân không hề đơn độc khi GS Phong Lê cũng thấy rằng trong truyện ngắn và thơ của Nguyễn Bích Lan có “một sự hoàn hảo”. GS Phong Lê đã dành những câu từ đầy trân trọng với Sống trong chờ đợi: “Cập nhật cuộc sống ở những tâm điểm dữ dằn, gai góc nhất, lại vẫn có độ lùi để nhìn rộng một bối cảnh có đường viền của thời đại, cây bút trẻ Nguyễn Bích Lan, ở bất cứ truyện nào trong tập này cũng là người rất gắn bó với thời cuộc, thời sự... Đây là cây bút mới đoạt một giải thưởng dịch của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010. Cùng với văn dịch là một sự hoàn hảo trong truyện ngắn và thơ. Tôi rất tin với lần lượt những gì đã viết, đang viết, như trong tập truyện ngắn này, Nguyễn Bích Lan sẽ là một cây bút vững vàng thuộc thế hệ thứ tư của văn chương đương đại”.
Xin giới thiệu một bài thơ bốn câu của Nguyễn Bích Lan nằm trong tập sách Sống trong chờ đợi:
“Trăng nguyên sơ đã tạc bóng hồ sâu
Tình nguyên sơ đã theo gió qua cầu
Đời gạn vơi ngày trên sóng tóc
Thơ gạn vơi buồn cho ta trôi...” (Ru).
Theo Hoàng Nhân
TT&VH