Tác giả ca khúc "Bài hát Việt số 4" là người …không biết nhạc?
Bà tôi mang âm hưởng dân gian rõ nét, qua sự thể hiện của ca sĩ Ngọc Khuê đã được Hội đồng thẩm định chương trình Bài hát Việt số 4 chọn là Ca khúc của tháng. Tác giả ca khúc này là một kiến trúc sư nhưng được biết đến nhiều hơn là một nhà thơ - Nguyễn Vĩnh Tiến.
Đã có không hiếm nhà thơ viết nhạc (như Nguyễn Trọng Tạo), kiến trúc sư viết nhạc (Hoàng Phúc Thắng), nhưng có lẽ hiếm kiến trúc sư kiêm nhà thơ nào viết nhạc độc đáo như Nguyễn Vĩnh Tiến: tác giả bài hát nhưng không biết viết một nốt nhạc!
Nói đúng hơn, ca khúc Bà Tôi được tác giả của nó hát lên theo cảm hứng tự do của mình giống như lối hát đồng dao, và được hợp đồng với một nhạc sĩ (không tên tuổi) ghi lại và chỉnh sửa cho đúng các quy tắc âm nhạc (mặc dù vậy, như nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Cường, bài hát vẫn mắc nhiều lỗi trọng âm rơi chưa đúng, kỹ thuật nhiều chỗ chưa chuẩn).
Thế nhưng "bài đồng dao" Bà tôi với phần lời thơ hiện đại, lạ và giàu cảm xúc đã gây ấn tượng bất ngờ, qua mặt một sáng tác của một nhạc sĩ chuyên nghiệp cũng là ứng cử viên của giải Ca khúc của tháng trong Bài hát Việt số 4.
Thật ra ca khúc Bà tôi và tác giả của nó không phải là một hiện tượng lạ. Trong xu hướng làm nghệ thuật đương đại với nhiều hình thức mới, không ít hoạ sĩ đã trở thành những "nhạc sĩ thứ thiệt", tiêu chuẩn như Nguyễn Văn Cường, Đào Anh Khánh, song những sáng tác âm nhạc của họ hầu hết là một phần trong tác phẩm trình diễn tổng hợp bao gồm âm thanh, installation, performance và video art, chưa có tác phẩm nào trong số này được phổ biến một cách chính thức như Bà tôi.
Ngược lại với đánh giá cao của một vài thành viên trong Hội đồng nghệ thuật Bài hát Việt với Bà tôi, một số nhạc sĩ tỏ ý nghi ngờ khả năng đi đường dài và những đóng góp về mặt âm nhạc của những "cuộc chơi âm nhạc" kiểu này.
Sau Bà tôi, Nguyễn Vĩnh Tiến còn dự định làm nhiều ca khúc theo kiểu tương tự. Đây sẽ là một phát hiện bất ngờ trong làng ca khúc Việt, hay chỉ phút loé sáng ngẫu hứng của cảm xúc?
Theo Thể thao - văn hoá