Tác giả bài thơ “Mưa tháng Giêng” bức xúc

Dù nhạc sĩ trẻ <a href=" http://www.dantri.com.vn/giaitri/2007/4/174222.vip">Việt Hùng</a> đã nói lời xin lỗi với nhà thơ Việt Chiến - tác giả của bài thơ "Mưa tháng Giêng", và khẳng định, anh không đạo thơ mà chỉ “quên tên tác giả”, nhưng lời giải thích này chỉ khiến nạn nhân cảm thấy bị đổ thêm dầu vào lửa.

Nhạc sĩ trẻ Việt Hùng giải thích: “Bài Mưa tháng giêng tôi viết từ rất lâu, khoảng năm 1994. Hồi đó tôi đọc bài thơ Mưa tháng Giêng trong báo Văn Nghệ thấy hay nên muốn giữ lại, đầu tiên là chép vào sổ tay những bài thơ mình thích, sau đó lấy ra phổ nhạc nếu thật sự thấy hợp, không may sau đó cuốn sổ tay mất, chỉ còn bản nhạc và lời chép tay, không còn nhớ ra tên tác giả bài thơ.

 

Sau này, đến năm 1996, khi quyết định đưa ca sĩ Mỹ Hạnh hát, thì lục ra chỉ có nốt nhạc và lời thơ, cuốn sổ tay thì lạc mất, bất đắc dĩ tôi phải đề khuyết danh phần lời. Đây là lỗi của tôi, tôi xin nhận”.

 

Ca sĩ Mỹ Hạnh cũng cho biết, đúng là chị có nhận được một bản nhạc Mưa tháng Giêng ghi rõ: “Nhạc: Việt Hùng; Lời: Khuyết danh”.

 

Nhưng lời giải thích này chỉ khiến nạn nhân thêm bức xúc: “Người ta đạo gần như y nguyên 4 trong số 5 khổ thơ của tôi mà không có một lời thưa gửi, xin lỗi. Giờ tôi đang sống sờ sờ ra đây lại đề “Khuyết danh”. Đây là lối làm việc và cư xử vô trách nhiệm. Trong khi website của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã kịp thời bóc bài hát và có lời xin lỗi tôi thì đến nay (ngày 11/4), Việt Hùng vẫn chưa một lần liên lạc với tôi”.

 

Trước phản ứng của nhà thơ, Việt Hùng cho biết: “Tôi gửi ngay cho báo Thanh Niên và ông Chiến vào trưa thứ bảy (là ngày đăng báo). Tôi sẽ đính kèm để chứng minh sự việc này”. Tuy nhiên, tài liệu đính kèm mà anh gửi cho VnExpress chỉ là một bản word với nội dung trình bày lại toàn bộ sự việc. Văn bản này không có khả năng chứng minh việc Việt Hùng đã gửi phản hồi cho báo Thanh Niên và ông Chiến vào thời điểm mà anh nói.

 

“Tôi không biết Hùng có gửi mail cho báo Thanh Niên hay không. Nhưng hằng ngày chúng tôi nhận được hàng trăm thư. Mà nếu có, tôi cũng không chấp nhận rằng một mẩu mail như thế lại gánh được cho cả một vụ đạo thơ suốt 13 năm. Muốn xin lỗi, Việt Hùng phải trực tiếp đến gặp tôi. Tôi cũng đang cân nhắc xem có thể chấp nhận lời xin lỗi của anh ta không”, ông Chiến bức xúc.

 

Tác giả bài thơ “Mưa tháng Giêng” bức xúc - 1

 Phần lời bài hát trên trang web của Hội nhạc sĩ Việt Nam

trước khi bị bóc gỡ. (Ảnh qua chụp màn hình).

 

Là ca sĩ thường xuyên thể hiện Mưa tháng Giêng và đã đưa bài hát này vào album Hà Trần 98-03, Trần Thu Hà trở thành “người liên đới” trong vụ đạo thơ này. Tuy nhiên, chị giải thích: “Vào năm 2000, tôi thu Mưa tháng Giêng cho một album tuyển chọn của hãng phim Giải Phóng, văn bản ghi: "sáng tác Việt Hùng". Lúc đó, tôi có trình diễn bài hát này và không thấy ai kiện tụng gì. Tôi làm tuyển tập Hà Trần 98-03, xin giấy phép vẫn dùng văn bản cũ từ lần thu trước.

 

Chỉ sau khi album của tôi phát hành rộng rãi, Mưa tháng Giêng lên VTV3 một lần, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến mới gọi điện thoại đề cập mình là tác giả thơ. Tuy anh không hề gửi văn bản thơ cho tôi nhưng tôi cũng hứa sẽ bổ sung tên anh vào Mưa tháng Giêng khi Hà Trần 98-03 tái bản. Lời hứa này tôi vẫn nhớ và đã trao đổi với họa sĩ thiết kế để lưu ý phần thiếu sót này”. 

 

Hà Trần cho biết thêm: “Đây là một kinh nghiệm cho tôi và tất cả các ca sĩ khi hát dù ở không gian nào, với khán giả nào cũng phải ghi nhớ giới thiệu bài hát đầy đủ tên tuổi tác giả nhạc - thơ. Về sơ suất này tôi thành thật cáo lỗi nhà thơ và sẽ tôn trọng đề nghị của anh không trình diễn bài hát này khi chưa có quyết định chính thức”.

 

Mưa tháng Giêng được Nguyễn Việt Chiến sáng tác vào đầu năm 1992, trong tiết mưa xuân đặc trưng của Bắc bộ. Bài thơ mỏng mảnh, buồn buồn và chầm chậm như tiếng chuông chùa rơi đều đều trong hơi xuân đặc trưng của miền Bắc.

 

Mưa tháng Giêng đăng lần đầu tiên trên báo Văn Nghệ ngày 25/1/1992 và được tuyển vào tập Mưa lúc 0 giờ xuất bản vào tháng 7/1992 của nhà thơ. Nguyễn Việt Chiến đặc biệt nhạy cảm với mưa và trăng.

 

Trong tập này, ngoài Mưa tháng Giêng, ông còn có những bài thơ khác khá hay về mưa như Mưa lúc 0 giờ, Mưa phố vào trăng… Còn bài hát cùng tên của Việt Hùng được anh sáng tác năm 1994.

 

Ngày 07 tháng 04 năm 2007,

 

Kính gửi các Anh Chị tòa soạn báo Thanh Niên cùng tác giả Nguyễn Việt Chiến,

 

Tôi tên Trần Việt Hùng, là người mà bài báo “Xung quanh vụ đạo thơ..” đề cập với tên Việt Hùng. Tôi xin có lời trình bày với tác giả Nguyễn Việt Chiến cùng những người liên quan đến việc này.

 

Trước tiên tôi thành thật xin lỗi vì những việc đã xảy ra, cũng như hoàn toàn thông cảm trước những bức xúc mà tác giả bài thơ bày tỏ, tuy nhiên sự việc nào cũng có nguyên do, xin cho phép tôi trình bày dưới đây.

 

Bài hát này tôi viết từ rất lâu, khoảng năm 1994, hồi đó tôi đọc bài thơ "Mưa tháng Giêng" trong báo Văn Nghệ thấy hay nên muốn giữ lại, đầu tiên là chép vào sổ tay những bài thơ mình thích, sau đó lấy ra phổ nhạc nếu thật sự thấy hợp, không may sau đó cuốn sổ tay mất, chỉ còn bản nhạc và lời chép tay, không còn nhớ ra tên tác giả bài thơ, lúc đó tôi cũng không quan trọng lắm vì bài hát này chỉ mình tôi biết, không phổ biến cho ai hết.

 

Sau đó khoảng năm 1996 tôi có đưa bài hát này cho ca sĩ Mỹ Hạnh (bây giờ đang sở hữu phòng trà 2B) làm album, lúc đó khi làm bìa tôi cũng rất cẩn thận khi lưu ý người thiết kế bìa ghi rõ: Nhạc: Việt Hùng. Lời thơ: khuyết danh, với hy vọng nếu tác giả có thấy thì sẽ chủ động liên lạc với mình (nhà xuất bản Dihavina - Giám đốc chi nhánh phía nam: NS Tạ Tuấn).

 

Sau này một số trung tâm có hỏi tôi bài “Mưa tháng Giêng” để làm băng đĩa, tôi luôn nhắc về chuyện ghi trên bìa đĩa, nhưng không biết kết quả ra sao vì đĩa tôi cũng không nhận được, thậm chí tiền nhuận bút cũng không, trừ một lần duy nhất trung tâm Làng Văn (có văn phòng tại hãng phim Giải phóng) trả số tiền 500.000 đồng.

 

Tôi nghĩ bài hát mình cũng ít người biết nên tác giả bài thơ chắc cũng chưa có dịp nghe (vì quá lâu rồi, kể từ thời điểm sáng tác) cho đến khi tôi thấy Hà làm bài này trong album “Hà Trần 98-03”, rồi mới đây báo Thanh Niên có đăng bài nhóm Mặt trời đỏ đang tập bài này, tôi cũng ngạc nhiên vì tại sao mọi người chẳng ai hỏi tôi câu nào, nếu Hà ở Mỹ không có điều kiện liên lạc thì đành thôi, nhưng thành viên Mặt trời đỏ vẫn thu âm đều đặn với tôi, vậy mà không ai hỏi tôi để lấy bài (không biết lấy ở đâu!?).

 

Khi tôi đọc bài báo “... đạo thơ”, tôi không ngạc nhiên lắm vì nghĩ việc này thế nào cũng xảy ra, bởi không ai (ca sĩ, nhà sản xuất) đề tên tác giả thơ (cho dù là khuyết danh). Còn website của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thì tôi hoàn toàn không biết, vì tôi không thuộc hội nhạc sĩ nào trên Việt Nam cả. Chắc nhạc sĩ An Thuyên cũng chẳng biết tôi là ai!

 

Tôi chỉ muốn giãi bày rằng tôi không cố ý ngay từ đầu, vì tôi không có động cơ nào để “đạo” cả. Tôi phổ nhạc nguyên bài thơ của tác giả (cả tựa đề và nội dung) chứ không hề chắp vá, vay mượn..., tôi cũng không có ý định mình sẽ trở thành nhạc sĩ nổi tiếng khi lấy nguyên xi bài thơ của một nhà thơ đang sống cùng thời với mình, điều này thật vô lý và xuẩn ngốc! Còn tiền thì thú thật tôi không sống bằng nghề viết bài hát, hồi đó tới giờ hầu như chưa có trung tâm nào trả tiền khi xử dụng bài hát của tôi cả, tôi biết thì cũng tặc lưỡi: “có người hát là quý rồi!”

 

Cuối cùng, tôi muốn nói rằng đây là một chuyện đáng tiếc không xuất phát từ động cơ vụ lợi. Tôi mong tác giả Nguyễn Việt chiến thông cảm và sẵn sàng lắng nghe bất cứ yêu cầu nào từ phía anh.

 

Trần Việt Hùng

 

Theo Vnexpress/Thanh Niên