Tín ngưỡng thờ các vua Hùng:

Sức lan tỏa lớn về thời gian và không gian

Không có một tín ngưỡng nào ở nước ta có sức lan tỏa cả về thời gian và không gian lớn như tín ngưỡng thờ các vua Hùng. Cũng không có một tín ngưỡng nào đoàn kết được khối đại dân tộc đến như vậy.

Một trong những điểm nhấn của hồ sơ đề nghị UNESCO để công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là sức lan tỏa của tín ngưỡng trong cộng đồng. Đó cũng chính là một trong những vấn đề mà bà Cesscile Duvelle - Thư ký Công ước Bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, Trưởng bộ phận Di sản văn hóa của tổ chức quốc tế này - yêu cầu bổ sung các tài liệu chứng minh việc thực hành các nghi lễ thờ cúng là tự thân trong cộng đồng chứ không phải do các cơ quan chính phủ hướng dẫn, thậm chí bao biện.

 

Đó cũng là lý do mà cuộc tọa đàm khoa học “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - hội tụ văn hóa tâm linh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam” vừa được tổ chức tại TP.Việt Trì, để một lần nữa hoàn thiện hồ sơ gửi UNESCO, mà cũng là dịp để tự chúng ta đánh giá lại mức ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Hùng Vương đối với sự đoàn kết dân tộc.

 

Về mặt bản chất, tín ngưỡng thờ Hùng Vương là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, từ bàn thờ ông bà khuất núi đến ông tổ dòng họ và cao nhất là ông tổ của cả một dân tộc. Nhiều nước như vậy và ở ta cũng thế. Nhưng có lẽ ít nơi trên thế giới có riêng một ngày giỗ tổ, có một ngôi mộ tổ và một đền thờ tổ để hằng năm có cuộc hành hương vĩ đại về vùng đất thiêng này.
 
Sức lan tỏa lớn về thời gian và không gian

Hành hương về vùng đất Tổ

 

Năm nay lại là một trong những năm đoàn người hành hương đông nhất, theo lời bà Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Phú Thọ Nguyễn Thị Kim Hải, thì có hàng triệu con dân nước Việt về đền Hùng trong vài ngày trước giỗ tổ.

 

Không phải ngẫu nhiên mà sức lan tỏa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương càng ngày càng rộng dài trong không gian. Cho đến nay, hầu như tỉnh, thành nào cũng lập đền thờ vọng, đền thờ vua Hùng từ vùng đất mũi Cà Mau, ven dòng sông Bạch Ngưu cho đến đỉnh núi Phượng Hoàng, cạnh tháp Prenn trên cao nguyên Lâm Đồng. Theo thống kê, toàn quốc có 1.417 đền thờ vua Hùng và các bộ tướng. Đền thờ vua Hùng còn theo bước chân xa xứ của cộng đồng người Việt.

 

Tại nơi được mệnh danh là “thung lũng hoa vàng” hay “thung lũng silicon” nổi danh công nghệ máy tính của Mỹ - TP.San Jose, cũng là nơi tập trung đông Việt kiều thuộc loại nhất - nhì thế giới cũng có đền thờ vua Hùng. Có lẽ cái di sản tâm linh mang theo mình của bất kỳ cộng đồng người Việt xa quê nào cũng phải là bàn thờ và ký ức về ông bà, tổ tiên.

 

Ít người hình dung được, chỉ mới cách đây 74 năm, theo thống kê của Trường Viễn Đông Bác cổ, đền thờ các vua Hùng và tướng lĩnh mới chỉ tập trung ở quanh vùng ngã ba sông Việt Trì với khoảng 300 di tích. Vậy là chỉ trong một khoảng thời gian hơn 70 năm ít ỏi so với lịch sử dân tộc, số lượng đền thờ đã gấp khoảng năm lần. Tuy nhiên, vùng đậm đặc đền miếu thờ Hùng Vương nhất vẫn phải là vùng “lõi” của truyền thuyết, chính là trung tâm TP.Việt Trì ngày nay với 31 di tích.

 

Bên cạnh sự lan tỏa về mặt không gian, tín ngưỡng Hùng Vương còn có sức lan tỏa mạnh mẽ về mặt thời gian. Các nhà khảo cổ học đã chứng minh có một thời đại Hùng Vương - hay nói một cách chặt chẽ ra là thời đại của các thủ lĩnh văn hóa Đông Sơn

 

với một nền văn minh trống đồng rực rỡ là có thật. Thời đại đó chấm dứt thì cũng là lúc “ngàn năm Bắc thuộc”. Người Việt ra sức chống lại sự đồng hóa, cũng là lúc ký ức về các vua Hùng chỉ còn âm ỷ chảy trong mạch nguồn văn hóa dân gian. Phải đến thời Lý - Trần, tìm lại được bản sắc dân tộc của mình, vấn đề Hùng Vương mới được đặt ra và từng bước đưa vào chính sử.

 

Có lẽ “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Việt sử lược” là hai cuốn sử cổ nhất cũng dựa vào ký ức dân gian, qua ảnh xạ của “Lĩnh Nam trích quái” là tác phẩm ghi chép truyền thuyết đương thời để mà khôi phục lại thời đại Hùng Vương. Mà, cũng chính vì qua truyền thuyết nên có nhiều yếu tố phi thực, huyền ảo xen lẫn với sự thật lịch sử.

 

Dường như một quy luật, khi nào cần có sự đoàn kết toàn dân tộc để chống ngoại xâm hay để khẳng định căn cước dân tộc, thì vấn đề cội nguồn dân tộc, tín ngưỡng Hùng Vương lại được đề cao. Mở đầu là thời Trần chống Nguyên - Mông, sau đó đến thời Lê. Đến thời Nguyễn, khi mà trước sự lấn lướt của thực dân Pháp, các vua Nguyễn cũng lại tìm về cội nguồn.

 

Chính lúc này, tín ngưỡng Hùng Vương mới được phát triển đột biến nhờ sự “hợp thức hóa” của nhà nước đối với tín ngưỡng ngàn đời: Chọn vùng đất tổ có lăng vua Hùng, chọn ngày quốc lễ. Đền Hùng mới được xây dựng khang trang tại núi Nghĩa Lĩnh.

 

Có lẽ ít người biết được, trước khi được “hợp thức hóa” thì người dân quanh đền Hùng đã có miếu thờ Hùng Vương, mặc dù còn đơn sơ như trong một tấm bia của đền Thượng, nay vẫn còn, tên là “Hùng miếu điển lệ bi”, được lập năm Khải Định thứ tám - tức năm 1923 còn ghi lại: “xã Hy Cương, phủ Lâm Thao của quý hạt có lăng miếu phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm tháng cả nước đến tế, thường lấy kỳ mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày, mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày 11 tháng 3, kết hợp với việc thờ thổ kỳ, làm lễ riêng...

 

Từ nay về sau lấy ngày 10 tháng 3, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái... Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ chuẩn định ngày quốc tế tại miếu tổ Hùng Vương là ngày mùng 10 tháng 3”.

 

Ngoài việc “hợp thức hóa” tín ngưỡng Hùng Vương, nhà Nguyễn còn quan tâm đến người dân đất tổ thay mặt cho cả dân tộc chịu trách nhiệm khói hương, cúng lễ bằng hành động mỗi năm đến kỳ giỗ tổ, đều gửi về 3 đấu gạo nếp thơm (khoảng 20kg) để góp giỗ.

 

Còn một chi tiết thú vị nữa là từ thời Lê đến thời Nguyễn, khá nhiều đền miếu được vua ban sắc phong, nhưng đền Hùng thì chưa bao giờ có sắc phong. Đó là vì các triều đại tự thấy không thể có quyền ban sắc phong cho vị thần tổ tiên, cho các vua Hùng, mà chỉ có quyền viết thần tích. Thế mới biết từ thời xưa, hình ảnh của các vua Hùng đã linh thiêng không những đối với dân gian mà còn với các triều đình như thế nào.

 

Vai trò của triều Nguyễn đối với đền Hùng còn thể hiện ở chỗ đã giúp cho xã hội VN bấy giờ dấy lên phong trào quyên góp để xây quần thể đền thờ tổ trên nền di tích cũ, để hôm nay, chúng ta còn thấy được một quần thể kiến trúc tôn giáo khang trang. Từ năm 1917 đến năm 1922, có 18 tỉnh Bắc Bộ cung tiến 6.000 đồng tiền Đông Dương để xây lại đền Thượng, lăng và đền Giếng.

 

Một nhà tư sản bấy giờ đã cung tiến 1.000 đồng Đông Dương để xây 539 bậc ximăng từ cổng lên đền Thượng và từ đền Hạ xuống đền Giếng. Một nhà tư sản nữa cung tiến tiền để xây cổng chính. Nhiều nhà nho yêu nước khác cung tiến các hoành phi, câu đối cho đền Thượng, lăng, đền Giếng.

 

Với những gì mà cuộc tọa đàm “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - hội tụ văn hóa tâm linh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam” đặt ra và thảo luận sôi nổi, chúng ta lại càng có căn cứ chắc chắn để nói rằng tín ngưỡng Hùng Vương là tín ngưỡng có gốc rễ ngàn đời trong lòng dân tộc, nhưng vai trò của các thể chế nhà nước trong lịch sử, cũng như ngày nay cũng rất quan trọng, nếu biết cách động viên và phát huy thì có thể biến khối tài sản tâm linh, tín ngưỡng, giá trị tinh thần này thành sức mạnh đoàn kết dân tộc to lớn.

 

Hy vọng khi “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, các vua Hùng lại thêm một lần được “hợp thức hóa” về mặt tín ngưỡng ở cấp độ cao hơn và sẽ lại là một động lực quan trọng hơn để đoàn kết cộng đồng con dân nước Việt, dẫu ở trong nước hay còn ở xa quê hương.

 

Theo PGS-TS Trịnh Sinh

Lao động