Sự tan rã đồng loạt của các nhóm hát nam

Im lặng và rất nhanh chóng, rất nhiều nhóm hát nam đã lặng lẽ giã từ khán giả trong thời gian qua. Số nhóm nam còn lại gần như chỉ là một sự tồn tại gượng ép và yếu kém. Phải chăng thời đại của các nhóm hát nam đã đi qua?

Chỉ tính từ đầu năm 2005 đến nay, gần 20 nhóm nam có tên hoặc còn đang làm quen với thị trường đã lần lượt biến mất. Khởi đầu gây nhiều chú ý nhất, có lẽ là nhóm GMC. Và thế rồi kéo theo đó là hàng loạt các nhóm nam khác như nhóm The Wind, nhóm Biển Xanh (Sài Gòn), F.B.O, Lãng Du… Có vẻ gượng ép và cố gắng tồn tại, tranh thủ sống còn nhờ vào bối cảnh thị trường thiếu hụt, nhóm nam còn có F.5, MTV, La Thăng, Go On… thế nhưng lực hút của những nhóm này đang nhạt nhoà dần. Sự xuất hiện của họ giờ là một chuỗi nhàm chán và mòn mỏi.

Thời đại của các nhóm nam đang đứng trước giây phút sang trang: hoặc là có thực lực, hoặc sẽ chết chìm theo phong trào đã qua đi – không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. 

Khác với trường hợp nhóm 1088 trước đây tan rã, sự mất/còn của các nhóm nam giờ đây không làm tốn nhiều giấy mực nữa. Mô hình hát có nhảy được dàn dựng - hoặc hát nhảy loạn xạ ngầu không dàn dựng của các nhóm nam đang đi vào ngõ cụt. Âm nhạc không có gì thay đổi. Nội dung bài hát thì nửa sang nửa sến. Các sân khấu tạm thời vẫn tận dụng họ bởi hình ảnh của họ còn tạo được chút thay đổi cho các chương trình nặng tính tạp kỹ và giá cátsê thì không cao. Sự xuống giá của phong trào nhóm hát nam trong tình hình xuất hiện nhiều nhóm hát ô hợp đến từ các lớp đào tạo vội vã đã khiến thị trường bị dư thừa mặt hàng này, kéo theo việc nhiều nhóm tự hạ giá cátsê để tồn tại, khiến diện mạo thị trường của các nhóm hát nam trở nên rất đáng buồn. 

Trong khi đó, nhu cầu về các nhóm hát nữ lại tăng lên vẫn không đủ đáp ứng. Điều này khiến xuất hiện thêm hàng loạt các nhóm nữ chất lượng biểu diễn không cao, thường hát lip-sync nhưng có chút ngoại hình như Lọ Lem, Nhiệt Đới, , K.P.T, SBS, B.B, Tigôn (new), Fantasy, Ánh Trăng… Đối chiếu với thị trường ca nhạc bên ngoài, điều dễ nhận thấy là xu hướng các nhóm nam đang được thay thế bằng các ca sĩ nam solo bên cạnh các nhóm nữ vẫn tồn tại (và nhu cầu dường như vẫn còn cao).

Thống kê từ China Channel V (nơi vốn thừa các nhóm hát nam), hiện nay các nhóm nữ đang chiếm lĩnh đến 37% chương trình. Còn lại là các ca sĩ đơn nam, đơn nữ và cuối cùng mới đến các nhóm nam. Hiện tượng thoái trào của các nhóm nam cũng được ghi nhận bởi Korea MTV, phần lớn khán giả bây giờ đã chuyển thị hiếu của mình sang các ca sĩ đơn nam và đơn nữ, đặc biệt là các ca sĩ có khả năng ở cả hai lĩnh vực: điện ảnh và âm nhạc. 

Sự tan rã đồng loạt của các nhóm hát nam - 1
  

Backstreet Boys liệu có thành công

với sự trở lại lần này?

Với thị trường Bắc Mỹ, nhóm hát nam dường như cũng ít lạc quan dần. Dự đoán từ sự trở lại của nhóm hát nam BSB đã không mấy khả quan với single Incomplete, mặc dù đây là một ca khúc hay và BSB đã có nhiều khán giả “ruột” nhưng sự già cỗi và hụt hẫng của nhóm hát này đã thấy rõ trong bản video cùng tên. “Họ sẽ làm một cú đột phá, nhưng có lẽ chỉ là một cú đột phá cuối cùng”, Ralph Ellington, nhà phân tích thị trường của Billboard nói.

So với đồn đoán về sự trở lại của nhóm Spice Girls, sức nóng và sức hút của nhóm nữ này dường như mạnh hơn và được đông đảo người chờ đợi hơn. Thời đại của các nhóm hát nam dường như đã bước vào chương cuối và tiếng chuông cảnh báo của nó đang vang khắp các thị trường ca nhạc J-pop, K-pop, C-pop… và hôm nay, có lẽ cả ở V-pop. 

Tại sao lại như vậy? Thời đại của các gương mặt đẹp và âm nhạc tận dụng kỹ thuật hiện đại của các nhóm hát nam đã qua đi. Sự trung tính của cái đẹp (nam đẹp như nữ) đã mất dần tính thời thượng của nó cùng với mô hình hát/múa hiện đại đồng bộ. Khi trào lưu hip-hop xuất hiện, có một loạt các nhóm hát nam đã chuyển sang trào lưu này hoặc nhảy sang các dòng khác như rock, hoặc pop để “ghi” lại chút hình ảnh trên thị trường. Thậm chí họ cố gắng trình diễn với màu sắc nhạc cụ để hy vọng tạo ra diện mạo mới nhưng biện pháp này vẫn không thể thay đổi cội nguồn mang tính thời trang của các nhóm hát nam. B.B Mark là một ví dụ của nỗ lực tuyệt vọng này.

Theo lý giải của tạp chí Vibe - tạp chí âm nhạc cấp tiến do người da màu chủ xướng tại Mỹ - bản thân mô hình nhóm hát nam trong giai đoạn rực rỡ nhất của trào lưu này, tính thủ thuật và công thức đã lấn át tính nghệ thuật do nỗ lực cạnh tranh và chiếm thị phần. Vì vậy, nó thành công nhanh và rệu rã cũng nhanh. 

Và nhiều producer cũng nhìn nhận rằng hình thành một nhóm nam thường dễ dàng hơn tạo dựng một nhóm nữ. Cái yếu kém của một nhóm hát nam dễ qua mắt công chúng bằng một số xảo thuật của công nghệ biểu diễn - nhưng các nhóm nữ, nếu là nhóm hát yếu, sẽ nhanh chóng bị nhận ra và mất sức hút. 

Một trong những nhóm nam mạnh của V-pop, nhóm AC&M, dù có dấu hiệu tan rã, nhưng vẫn sống sót qua nhiều chương trình ca nhạc do phong cách riêng của mình. Nhưng ngay cả ở vị trí là nhóm nam hàng đầu của Việt Nam, AC&M cũng vẫn không thoát khỏi vị tẻ nhạt.  

Nói như vậy, phải chăng sẽ không còn nhóm hát nam nào trong thời gian tới? Điều đó không hẳn đúng. Con đường riêng và sự sáng tạo mang phong cách riêng sẽ quyết định số phận của cả các nhóm hát nam lẫn nhóm hát nữ. Sẽ có những nhóm hát nam khác ra đời – và có lẽ họ không nằm trong dòng chảy thời thượng nào đó – nhưng sự độc đáo của nghệ thuật ca hát mà họ mang tới sẽ là yếu tố quyết định. Lẩn quẩn ở cuối chặng đường của trào lưu boyband, sẽ có rất nhiều hình ảnh tự huỷ diệt nhưng cũng sẽ có sự khai sinh những gương mặt mới. Đó là quy luật phát triển của nghệ thuật.  

 Theo Giaidieuxanh