1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Sóng gió đi qua, Yến Vy lên xe hoa

Yến Vy chấp nhận lời cầu hôn của người đàn ông đã đến với mình ngay giữa tháng ngày phiền lụy nhất. Một đám cưới rất đơn giản nhưng ấm áp.

 
Sóng gió đi qua, Yến Vy lên xe hoa - 1

Yến Vy đã có một đám cưới rất đơn giản... (Hình ảnh Yến Vy trong một cảnh phim)

 

Lâu lắm rồi tôi mới có dịp quay lại nhà Yến Vy. Đối với tôi, ngôi nhà ấy từng có hai người bạn, Yến Vy và bố của Yến Vy - ông Hùng. Sau khi rời khỏi bục giảng và kinh doanh một thời gian, ông Hùng chỉ còn hai sự quan tâm: bóng đá và cô trưởng nữ nổi tiếng. Tôi vẫn còn nhận ra cái góc nhà, nơi mỗi lần ngồi cùng tôi, ông Hùng luôn nói say sưa về bóng đá…

 

Còn nói về Yến Vy, ông có những nhận xét không chỉ bằng tấm lòng một người cha thương con, mà còn bằng ánh mắt một khán giả khó tính. Lúc bộ phim “Sài Gòn tình ca” bấm máy, ông bình luận: “Tui hy vọng con nhỏ sẽ có bước đột phá mới. Hồi giờ vai Hà trong phim Đâu phải vợ người ta là vai khá nhất của nó!”. Tôi chịu, đó là một đánh giá xác đáng. Thế nhưng, đó là cuộc trò chuyện cuối cùng giữa ông và tôi về Yến Vy cũng như về bóng đá.

 

Khi sự cố đau đớn xảy ra với Yến Vy năm 2005, ông Hùng đã làm mọi cách để giúp con qua cơn nguy khốn, nhưng ông không thể giúp chính mình vượt qua áp lực bẽ bàng... Ông không phải là một con người thất bại, nhưng ông bị trở thành con người sụp đổ. Ông chỉ biết tìm đến chén cay chén đắng, hết ngày này qua ngày khác. Và một năm sau ông đã từ giã dương gian khi mới ngoài 50 tuổi, trong sự nghẹn ngào và day dứt của những người thấu hiểu và thông cảm với hoàn cảnh gia đình ông…

 

Sau cái chết của người cha, gia đình Yến Vy giã từ căn nhà cũ nhiều đau thương. Yến Vy cùng mẹ và hai em dọn sang quận 8, căn nhà cũ chỉ dành làm nơi thờ tự người cha quá cố hiền lành và run rủi. Tất cả phải bắt đầu trở lại. Dẫu mất mát và dập vùi, thì Yến Vy và người thân vẫn phải tiếp tục sống. Tôi khâm phục người mẹ của Yến Vy, bà đã đè nén mọi bất hạnh để vực dậy niềm tin cho mỗi thành viên trong nhà. Bà vun vén vốn liếng xây một dãy nhà trọ để kiếm kế sinh nhai, để nuôi hai em của Yến Vy ăn học đến nơi đến chốn, để nuôi Yến Vy qua cơn sóng gió nghiệt ngã…

 

Từng ngày, từng ngày, sự nặng nề vơi bớt, sự nỗ lực của người mẹ dần có tác dụng, Yến Vy sinh hoạt bình thường trở lại. Cô chỉ quẩn quanh trong nhà, tập nấu mấy món ăn đơn giản, còn lại thời gian cô dành đọc sách. Trong một cuộc trò chuyện ngắn ngủi, Yến Vy khoe, trước đây cô rất ngại những cuốn sách dày, nhưng giờ đây có thể đọc hết tiểu thuyết 500 trang trong một tuần lễ. Cô dừng lại rất lâu ở những trang viết về những con người khốn khổ, thua thiệt và chìm nổi. Đặc biệt, cô tìm thấy dưới đáy tủ những tập giáo án ngày xưa của cha mình. Nét chữ to tròn của cha cô hôm nào soạn bài để đi dạy, bây giờ đã cũ sờn và nhòe nhoẹt nhưng vẫn làm cô xúc động.

 

Suốt một thời gian dài, cô không đọc báo cũng không xem phim, nhất là phim Việt Nam. Cô lo lắng vết thương sẽ không thể liền da, nếu trông thấy hình ảnh những đồng nghiệp cũ. Bởi lẽ, thứ ánh sáng mê dụ từ cái máy quay và hiệu lệnh “diễn” ở phim trường thỉnh thoảng vẫn hiện về trong giấc mơ của cô...
 

Trong dịp sinh nhật một người bạn thân, Yến Vy gặp lại người bạn cũ là Việt kiều về thăm quê hương. Người đàn ông ấy đã từng ở cùng khu phố với Yến Vy và đã biết Yến Vy khi cô còn là một nữ sinh. Người đàn ông ấy không có biểu hiện gì khác thường, chỉ thường xuyên động viên cô. Cả hai âm thầm chia sẻ với nhau những niềm vui nho nhỏ phía sau những nỗi buồn dằng dặc. Cô không dám nghĩ đến tình yêu và càng không dám đối mặt với những đổ vỡ có thể xảy ra…

 

Bằng rung cảm của một người đàn bà và bằng yêu thương của một người mẹ, bà khẽ khàng khuyên con ngắn gọn: “Mẹ không thể ăn cơm cùng con mãi. Con phải ăn cơm cùng những đứa con của con. Hãy lấy chồng đi!”.

 

Yến Vy hiểu cô không có nhiều cơ hội để đắn đo. Và cô cũng hiểu chắc chắn không có cơ hội nào giúp cô thanh thản trên con đường tương lai, nếu cô vẫn loay hoay trong những nỗi bất tận tự đay nghiến bản thân. Yến Vy chấp nhận lời cầu hôn của người đàn ông đã đến với mình ngay giữa tháng ngày phiền lụy nhất. Một đám cưới rất đơn giản nhưng ấm áp. Đám cưới không nhiều hoa, không nhiều lời chúc phúc. Đám cưới ít tiếng cụng ly, đám cưới ít câu rộn rã. Đám cưới có rất nhiều nước mắt, nước mắt của Yến Vy, nước mắt mẹ của cô, nước mắt của thân nhân vẫn luôn dang tay đùm bọc, và cả nước mắt của những người hàng xóm tốt bụng.

 

Yến Vy tâm sự, cô không có ý định quay lại với nghệ thuật, dù là đóng phim hay ca hát. Đối với cô, sóng gió đã bỏ lại sau lưng. Cô sẽ làm lại một cuộc đời khác ở một miền đất khác. Nơi ấy có thể xa lạ, nơi ấy có thể túng bấn, nơi ấy có thể gian nan, nhưng nơi ấy không khiến những ý nghĩ não nề tiếp tục hành hạ cô.

 

Theo Bóng Đá & Cuộc Sống/Phununet