Sợ không gian hẹp từ căn phòng nhỏ, thang máy, thậm chí là áo bó cổ

Tô Sa

(Dân trí) - Chứng sợ không gian hẹp là "tình trạng của sự tự xét mình, có nghĩa là, hướng vào tâm khảm, suy ngẫm tiến trình tâm trí của bản thân".

Omega Plus phát hành Từ điển những nỗi sợ hãi và cuồng loạn của tác giả Kate Summerscale, do Trần Đức Trí biên dịch, gồm 99 nỗi ám ảnh sợ hãi (phobia) và cuồng loạn (mania). Cuốn sách thuộc tủ sách Y sinh của Omega Plus.

Những nỗi sợ hãi và cuồng loạn được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tên tiếng Anh từ Ablutophobia (chứng sợ sạch sẽ) đến Zoophobia (chứng sợ động vật), hoặc có thể chia thành các nhóm chủ đề như: cơ thể, tiếng ồn, bị cô lập, chạm vào…

Cuốn sách đưa độc giả vào hành trình tìm hiểu nguồn gốc, cơ chế tâm lý của những nỗi ám ảnh, góp phần khai quật lịch sử về sự kỳ lạ của con người từ thời trung cổ đến nay.

Tác phẩm cũng đưa ra những lời giải thích và một số phương pháp điều trị tích cực, hiệu quả cho những nỗi sợ hãi và cuồng loạn mạnh mẽ nhất.

Chứng sợ không gian hẹp

Với 5 đến 10% dân số, cảm giác sợ hãi có thể được hình thành bởi căn phòng nhỏ, cái tủ, hang động, thang máy, căn hầm, máy bay, đường hầm, khẩu trang, máy chụp cộng hưởng từ hay thậm chí là áo bó cổ.

Nỗi ám ảnh sợ không gian hẹp được bác sĩ người Ý Antigono Raggi định nghĩa vào thập niên 1870.

Ông đã lấy ví dụ về một họa sĩ nổi tiếng đã bị hoảng loạn khi ở trong một căn phòng chật hẹp trưng bày các tác phẩm của mình đến mức lao vào cửa và khi nhận ra không mở cửa được, anh đã lao ra ngoài cửa sổ và nhảy từ mái nhà này tới mái nhà khác đến khi xuống mặt đất thì thôi.

Raggi gọi chứng rối loạn ấy là "clithrophobia", trong đó, "kleithron", tiếng Hy Lạp, nghĩa là một căn phòng kín. Nhưng vào năm 1879 bác sĩ người Pháp gốc Anh Benjamin Ball đã đổi thành "claustrophobia", với "claustrum" trong tiếng Hy Lạp nghĩa là không gian hẹp.

Sợ không gian hẹp từ căn phòng nhỏ, thang máy, thậm chí là áo bó cổ - 1

Nhiều người mắc chứng sợ không gian hẹp (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Một trong những bệnh nhân mắc chứng sợ không gian hẹp của Ball là một chàng lính trẻ tuổi, người khi ở một mình trên hành lang sẽ bắt đầu tưởng tượng hai bên tường càng lúc càng sát nhau hơn. Sợ rằng mình sẽ bị kẹt, anh lao ra cánh đồng ở bên ngoài.

Một bệnh nhân khác cũng sợ hãi khi leo lên những bậc thang xoắn của Tháp Saint-Jacques ở Paris.

Ball nói rằng cả hai người đều kiên quyết để cửa mở khi ở nhà để khi nỗi sợ ập tới có thể mau chóng chạy ra. Chứng sợ không gian hẹp, Ball nói, "rõ ràng khác biệt, song thực tế lại tương đồng với chứng ám ảnh sợ không gian mở". Cả hai chứng ám ảnh sợ hãi đều "gắn kết gần gũi với nỗi phiền muộn u sầu hay sự phấn khích mãnh liệt của chứng cuồng loạn".

Bác sĩ Frederick Alexander, một cán bộ y tế ở miền Đông London vào thập niên 1920, nhận thấy chứng sợ không gian hẹp là "tình trạng của sự tự xét mình, có nghĩa là, hướng vào tâm khảm, suy ngẫm tiến trình tâm trí của bản thân", như thể cảm giác bị mắc kẹt là trạng thái tinh thần trước khi trở thành nỗi sợ vật lý vậy.

Bởi chứng rối loạn này phổ biến rộng khắp và xuất hiện ở độ tuổi còn trẻ nên nhiều nhà tâm lý học nghĩ rằng nó là vết tích của cơ chế tiến hóa với mục đích sinh tồn.

Ở Canada năm 1993, Stanley Rachman và Steven Taylor đã xác nhận thành phần nguyên thủy của "claustrophobia" là nỗi sợ bị ngạt thở, theo sát sau đó là nỗi sợ bị bó hẹp. Họ nhận ra rằng nó phổ biến ở những người phản ứng lo âu mãnh liệt hơn, và thường hình thành sau một trải nghiệm kinh hoàng.

Ở Tây Đức năm 1963, nhà tâm lý học Andreas Ploeger quyết định dõi theo số phận của mười người đàn ông bị mắc kẹt 14 ngày trong một hầm mỏ bị sập ở Lengede. Năm 1974, ông báo cáo rằng sáu trong mười người đã hình thành chứng ám ảnh sợ hãi không gian hẹp.

Tại bệnh viện Craiglockhart gần thành phố Edinburgh, trong Thế chiến I bác sĩ tâm thần phục vụ cho tiền tuyến William H. R. Rivers đã nhận một ca bệnh là bác sĩ quân y trẻ tuổi mắc chứng sợ không gian hẹp.

Trước chiến tranh, một nhà phân tâm học đã nói với chàng trai rằng tật nói lắp và nỗi sợ không gian hẹp của anh dường như bắt nguồn từ ký ức về tổn thương tình dục bị kìm nén, song chàng trai không tài nào nhớ nổi biến cố nào như vậy, và khi chiến tranh nổ ra anh đã bỏ điều trị để gia nhập Quân Y Hoàng gia Anh.

Rivers biết chứng sợ không gian hẹp của anh đã trầm trọng hơn ở Mặt trận miền Tây. "Khi đến tiền tuyến," Rivers viết, "anh ta đã phải sống và làm việc trong hầm trú ẩn và từng gặp rắc rối vì sợ không gian hẹp, và nhất là vì sợ bản thân không thể thoát đi được nếu biến cố có xảy đến.

Nỗi sợ của anh ta bị kích thích mạnh vào ngày đầu ở hầm trú ẩn, khi hỏi về vai trò của mai và xẻng, được bảo rằng chúng sẽ được dùng khi cần chôn sống anh ta".

Thay vì ngủ trong hầm, anh thường đi đi lại lại hằng đêm. Rất nhanh, anh kiệt sức, được chẩn đoán bị sốc đạn pháo và được gửi về nhà.

Rivers tiết lộ phân tích của mình trên những cơn ác mộng về chiến hào của người này, giải thích với anh rằng ông nghĩ Sigmund Freud và các môn đồ của đã đúng về tác động của những sự kìm nén nhưng lại sai lầm khi chỉ đi tìm kiếm lời giải thích về tình dục.

Ông tin rằng nguyên nhân cho vấn đề của chàng bác sĩ quân y có thể nằm ở những ý ức khác. Những ngày ấy, anh chàng nhớ lại một biến cố hồi nhỏ ở Scotland.

Khi mới ba hoặc bốn tuổi, anh từng đến nhà một ông lão bán đồ cũ để bán một số đồ bỏ đi nhằm được cho nửa xu. Khi anh rời khỏi căn hộ của ông lão thì nhận ra bản thân đã bị mắc kẹt trong một con đường hẹp và tăm tối với một con chó nâu đang gầm gừ chắn đường.

Anh kể với Rivers rằng mình còn quá thấp để chạm tới tay nắm cửa để quay lại căn hộ, và đã cảm thấy rất sợ. Anh nghĩ tên của ông lão kia là "McCann".

Rivers đã kiểm chứng với cha mẹ của anh chàng: họ xác nhận có một ông lão bán đồ cũ tên là McCann từng sống gần nhà, nhưng không hề biết con trai mình từng đến thăm ông lão.

Việc lấy lại ký ức dường như đã chữa chứng sợ không gian hẹp của chàng bác sĩ quân y trẻ tuổi. Anh rất chắc chắn rằng bản thân đã khá hơn, Rivers nói, "đến nỗi anh ta muốn tôi nhốt mình vào những cái buồng kín của bệnh viện, nhưng chắc tôi chẳng cần phải nói là đã từ chối để anh ta trải qua một bài kiểm tra quả cảm như thế".

Trở lại London, anh chàng nhận thấy mình có thể ngồi trong một rạp phim đông đúc, là trải nghiệm mà ngay trước đó vẫn còn khiến anh ta đắm chìm trong sợ hãi, và có thể đi tàu điện ngầm mà không thấy khó chịu gì cả.

Anh vẫn nói lắp và gặp ác mộng kinh hoàng, Rivers thuật lại vào năm 1917, nhưng việc chứng "claustrophobia" của anh được loại bỏ có vẻ đã chứng tỏ khía cạnh lo âu của anh bắt nguồn từ trải nghiệm ở hành lang của ông lão bán đồ cũ.

Với Rivers, ca bệnh đã xác nhận rằng những ký ức bị kìm nén có thể dẫn tới tình trạng lo âu. Ông quan sát thấy vào những ngày đầu chiến tranh, các bác sĩ tìm kiếm nguyên nhân vật lý của chứng sốc đạn pháo, "nhưng khi chiến tranh nổ ra, nhận thức về sức khỏe đã nhường chỗ cho mối quan ngại về đạn pháo và những tai họa khác của chiến tranh, trong đa số các ca bệnh, chiến tranh chỉ đơn thuần là chất xúc tác cho sự giải phóng những sang chấn tâm lý đã bị kìm nén lâu ngày".

Rivers tin rằng cú sốc trên chiến trường đã giải phóng xung đột vốn ẩn náu trong vô thức của người lính. Về sau, vào năm 1917, ông đã dùng những ý tưởng này để trị liệu cho nhà thơ Siegfried Sassoon.

Trong bài thơ Counter-Attack (tạm dịch: Phản công), được xuất bản năm 1918, Sassoon đã miêu tả nỗi hoảng sợ tức tối của một người lính ở Mặt trận miền Tây:

Anh cúi xuống và chùn bước, choáng váng với nỗi sợ dâng trào,

Phát ớn vì phải bỏ chạy, ghê tởm nỗi sợ gây khó thở

Và những hành động tàn sát điên loạn của kẻ đã khuất.

Người đàn ông bị mắc kẹt quanh những người đồng đội đã tử trận, cũng như chính họ đang ở trong vòng vây ngột ngạt nơi chiến hào.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm