1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Sân khấu kịch:

Sẽ thành công nếu biết "nhặt sạn”

(Dân trí) - Những vở kịch hay, lạ, độc đáo liên tiếp ra mắt và các đạo diễn cùng ê kíp tấp nập vào Nam ra Bắc. Tất cả chỉ với một khát vọng khơi dậy niềm yêu thích kịch của khán giả. Sự thành công đã nằm trong tầm với của những con người tâm huyết, nếu như…

Những vở kịch “lắm chiêu”

 

100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử của đạo diễn Lê Hùng đánh tiếng trống đầu tiên để mở màn một loạt các vở kịch ấn tượng, đầy mới lạ. Đây cũng là 100 phút hoá thân của đoàn làm kịch Nhà hát Tuổi trẻ, làm nên một nét mới cho sân khấu kịch. Lâu lắm rồi khán giả mới được xem một vở kịch “sống”, thăng hoa và đầy tính nhân văn đến vậy.

 

Khán giả đã từng không ngại dành lời khen ngợi cho vở kịch thơ Kiều Loan của Hoàng Cầm thì nay, một lần nữa khán giả lại bị mê hoặc bởi vở kịch thơ 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử. Người ta nín lặng để lắng nghe tiếng thở, tiếng thơ ngọt ngào say đắm của Hàn Mặc Tử. Để rồi 3 buổi diễn, không một khán giả bỏ về.

 

Góp vào cái trào lưu mới mẻ của làng kịch, tại rạp Hồng Hà, đoàn võ kịch Việt Nam đã lần đầu tiên ra mắt vở diễn Truy tìm báu vật của nhà viết kịch Đăng Chương. Khán giả đã quen lắm với những kỹ xảo điện ảnh trong các bộ phim võ thuật Trung Quốc, Hàn Quốc. Để rồi bất ngờ khi tận mắt chứng kiến những màn võ thuật độc đáo của Việt Nam. Sân khấu kịch như sống động hơn với những màn võ đẹp mà không mất đi linh hồn, nội dung của vở diễn.

 

Để không bị lạc hậu trong làng kịch, đạo diễn Vũ Minh cũng góp mặt với vở kịch Hạnh phúc trên đồi hoa máu. Vở kịch kinh dị đầu tiên của Việt Nam đã làm khán giả sửng sốt. Không gian đầy vẻ ma quái, rùng rợn là nền cảnh ấn tượng nhất để thể hiện linh hồn của vở kịch, đó là sự giằng xé nội tâm của nhân vật Thịnh khi ông thờ ơ với hạnh phúc hiện hữu để chạy theo những hạnh phúc “ảo”, chỉ đến khi tất cả đều tuột khỏi vòng tay ông mới thấy được giá trị thực của cuộc sống. Không chỉ khán giả, mà chính những diễn viên cũng giật mình trong từng cảnh diễn. 

 

Khi phát hiện ra thị trường phía Nam vẫn dành đất cho kịch, sân khấu phía Nam vẫn đỏ đèn cùng với một lượng khách đáng kể, đạo diễn NSƯT Hoàng Dũng đã mang Điện thoại di động -  tác giả Nguyễn Quang Lập và Xuân tím - tác giả Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn NSƯT Quốc Toàn “tấn công” vào Nam. Không chỉ để giúp kịch sống, để các diễn viên có được cuộc sống ổn định để cống hiến hết mình cho sân khấu kịch, hơn ai hết đạo diễn NSƯT Hoàng Dũng đau đáu đi tìm khán giả. Và ông đã thành công.

 

Đạo diễn ca nhạc Binh Hùng, mới đây nhất cũng quyết định tham gia vào sân khấu kịch. Vở nhạc kịch Tình yêu không thiên đường sẽ làm mới sân khấu kịch khi đạo diễn Binh Hùng sẽ đưa vào kịch rất nhiều thể loại như rap, hip hop, R&B, múa cổ điển…

 

Gạt bỏ những hạt sạn

 

Đổi mới, cách tân, thể nghiệm luôn đi cùng với những dị nghị, quan sát và đo đếm. Tuy nhiên, những người dám đứng lên để làm “sống” một loại hình nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu kịch truyền thống thì đó là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên nếu những hạt sạn trong những buổi đầu đổi mới được quan tâm hơn, được “gột” một cách nghiêm túc thì sân khấu kịch sẽ có nhiều bước tiến mới.

 

Nếu 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử đỏ đèn, vẫn có khán giả tới xem, tuy nhiên sẽ thực sự hoàn thiện nếu đạo diễn Lê Hùng tinh tế hơn trong việc xử lý một số cảnh diễn. Rao giá 50 USD/vé nhưng đến buổi diễn giá vé chỉ còn 100.000 đồng/vé, tuyên bố “Cấm trẻ em dưới 16 tuổi” nhưng một bé gái bụ bẫm, miệng vẫn hơi mùi sữa lại đi suốt chiều dài của kịch. Khán giả sẽ bất bình khi những cảnh tạo sự thanh khiết, trong sáng mà bé gái tạo nên lại được lồng ghép bởi những cảnh khoả thân khá “nóng bỏng”.

 

Vở Hạnh phúc trên đồi hoa máu của đạo diễn Vũ Minh lại quá chú tâm đến tạo không gian của vở kịch. Việc đi quá đà vào tạo ánh sáng rùng rợn, tạo tiếng động kinh hoàng, tạo khung cảnh ma quái khiến người xem không còn nhiều thời gian quan tâm đến nội dung. Vở kịch võ Truy tìm báu vật của nhà viết kịch Đăng Chương do thời gian luyện tập quá ngắn đã biến nhiều động tác võ trở nên ngô nghê, diễn xuất khô cứng, chưa thực sự thuyết phục.

 

Hạt sạn trong những vở diễn chính là điểm mấu chốt làm mất đi một phần khán giả nhà. Nếu được đầu tư kỹ lưỡng hơn từ đạo diễn, nhà viết kịch, diễn viên cùng với sự làm việc nghiêm túc của một ê - kíp tài năng chắc chắn những vở kịch hay sẽ còn nhiều khán giả chào đón.

 

Minh Lê - Thu Nguyên

 

                                                             

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm