1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Quảng Nam:

Sắp Tết về làng làm ông Táo

(Dân trí) - Dẫu là nhà làm ăn khá giả hay nhà nghèo, hễ có gian bếp đỏ lửa thì 23 tháng Chạp phải cúng đưa ông Táo về trời. Càng cận ngày, những nhà nghề làm tượng ông Táo ở làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) càng tất bật.

"Chi thì chớ phải lo cho ổng về trời cho đàng hoàng"

Ổng ở đây là ông Táo. Theo tục lệ, cứ 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời. Bộ đồ lễ tiễn Táo mỗi nơi một kiểu. Ở Quảng Nam, cùng với bàn lễ tươm tất áo mão, vàng mã, không thể thiếu một chậu đất nhỏ (tượng trưng cho bếp) và đặc biệt là tượng Táo quân.

Người làm nghề Táo lâu năm nhất ở làng gốm Thanh Hà phải nói đến cụ Nguyễn Thị Lan. Cụ năm nay đã 97 tuổi rồi. Sống gần một thế kỷ, từ thời con gái mười tám đôi mươi cụ đã thạo nghề và “dãi dầu bôn ba buôn tượng Táo mưu sinh ngày sắp Tết không nhớ nổi là mấy mươi năm”.

Sắp Tết về làng làm ông Táo - 1
Cụ Nguyễn Thị Lan, nghệ nhân làm tượng Táo lâu năm nhất ở làng gốm Thanh Hà

Cụ tiếp chúng tôi với nụ cười đôn hậu như vẫn vậy với khách về thăm làng gốm. Tóm tém miệng trầu, cụ đọc chúng tôi nghe bài vè về lệ đưa ông Táo

Táo trách:  “Hôm nay là ngày 23 Tết/Ta đã hết ở đây rồi/Sao không thấy nhà ngươi tiễn đưa lễ vật/Các nhà buôn kia xôi bánh chuối chè/Còn nhà ngươi không có một cây nhang mà thắp/ Thôi được rồi để tâu với Ngọc Hoàng/Bắt toàn nhà ngươi đau hết

Gia chủ giãi bày: “Trên thế gian kẻ ăn không hết/ Còn nhà con được sớm mất trưa/Nợ kêu đòi quanh xóm/ Con thì đói rách kêu vang/ Chồng con đi vắng chẳng thấy về

“Thiệt tội quá chừng mấy đứa hỉ. Nghèo chi tới nỗi không có cây nhang mà thắp đưa ông Táo về trời”- Cụ Lan tắc lưỡi thương cho cảnh nhà gia chủ trong bài về. Để rồi đúc kết: “nhưng mà rứa đó. Không lo cho ổng về trời chu đáo là ổng trách. Nên sang hèn chi thì chi chớ phải lo cho ổng về trời đàng hoàng.”.

Truyền lửa nghề

Cụ Lan từ 1-2 năm nay không còn làm tượng Táo nữa. Cụ chia sẻ: “Tay già run rẫy lắm rồi, làm không khéo, tượng không sắc sảo, “bạn hàng” (những khách mua quen lâu năm) họ chê là mất uy tìn nghề làng”.

Toàn bộ cách thức, kinh nghiệm làm tượng Táo quân từ nhào đất sét úp vô khuôn sao cho tượng ra khuôn mịn và sắc sảo, nét nào ra nét đó, đến cách canh lửa lò nung tượng Táo sao cho đều, những người nhà cụ Lan và hai nhà mới bắt đầu làm tượng ông Táo khoảng 4-5 năm nay trong làng, đều thạo từ những căn dặn truyền lửa nghề của nghệ nhân sống đã gần một thế kỷ ở làng này.

Sắp Tết về làng làm ông Táo - 2
Thế hệ trước truyền lửa nghề cho thế hệ sau, các em nhỏ ở làng đã bắt đầu học thạo các công đoạn làm gốm

Chị Nguyễn Thị Hồng, cháu dâu cụ Lan chia sẻ: “Làm tượng ông Táo khó hơn các sản phẩm khác của làng gốm Thanh Hà. Dù giá thành sản phẩm thấp (một tượng Táo thành phẩm ra lò chỉ có 2000 đồng)  nhưng lại yêu cầu sự tỉ mỉ cao nên trong làng ít nhà làm ông Táo. Có khi chúng tôi muốn quay ra tập trung làm các sản phẩm góm thương mại khác, không làm tượng nữa. Nhưng cứ giáp Tết là chộn rộn, bỏ không làm. Cả làng còn có 2-3 nhà chi mà bỏ nữa thì mai một lắm”

Từ những lò gốm còn đỏ lửa nung tượng Táo dịp giáp Tết ở làng Thanh Hà, từ hơn một tháng trước 23 tháng Chạp, tạo thành phẩm khoảng 50.000 tượng Táo”. Số lượng lớn song anh Thành, người phụ trách khâu nung gốm ở đây cho biết: “Năm mô hết veo năm nớ. So với mấy năm trước, năm ni là ít đây, vì trời cứ nắng mưa thất thường nên khâu phơi gốm trước khi đưa vô lò nung chậm ngày hơn”

Cô bé nhỏ mới chừng 12-13 tuổi con chị Hồng khiến chúng tôi ấm lòng cảm kích khi vừa canh nắng phơi gốm vừa nói: “Nhà con dặn làm tượng ông Táo phải đẹp từng cái một. Đó là thứ lễ vật không thể thiếu để người ta gửi gắm lời cầu an, mọi sự tốt lành trong năm mới. Nhà mình cũng mong rứa thì nhà người cũng mong như rứa, nên đã làm tượng Táo là phải làm cho tử tế”. Truyền lửa nghề làm tượng Táo cúng là cách người dân làng Thanh Hà góp phần giữ một tục lệ văn hóa của Tết cổ truyền dân tộc - tục đưa ông Táo về trời

Dưới đây là những hình ảnh các công đoạn tạo thành phẩm Táo quân ghi nhận từ làng gốm Thanh Hà, nơi làm tượng Táo có tiếng ở Quảng Nam giữa những ngày tháng Chạp, cận kề ngày tiễn Táo về trời:

Sắp Tết về làng làm ông Táo - 3
Đất sét sau khi được nhào kỹ được ấn vào một khuôn nhuôm hình ba ông bà Táo

Sắp Tết về làng làm ông Táo - 4
Sau khi đúc xong, tượng bắt đầu được vuốt nếp cho mịn và sắc sảo từng đường nét

Sắp Tết về làng làm ông Táo - 5
Tượng được đem ra sân phơi

Sắp Tết về làng làm ông Táo - 6
Trong tiết trời nắng tốt, tượng được phơi khoảng 2-3 ngày là khô vừa tới

Sắp Tết về làng làm ông Táo - 7
Tiếp tới là sắp gốm vào lò

Sắp Tết về làng làm ông Táo - 8
Công việc canh lửa lò thường do cánh đàn ông phụ trách vì đây là công đoạn cực nhọc cũng là quyết định chất lượng gốm

Sắp Tết về làng làm ông Táo - 9
Mỗi năm có khoảng 5 vạn tượng Táo quân ra lò từ làng gốm Thanh Hà

Sắp Tết về làng làm ông Táo - 10
Sau công đoạn sơn phết màu

Sắp Tết về làng làm ông Táo - 11
Một tượng Táo hoàn chỉnh được làm nên từ đôi tay người làng gốm Thanh Hà.

Khánh Hiền