"Sao" nhớ thời thi đại học

"Vừa hát xong 'Hành khúc ngày và đêm', các thầy yêu cầu hát thêm. Thế là tôi chọn "Đời tôi cô đơn" bởi không thuộc bài nào khác. Hát xong, cô giáo đệm đàn bảo tôi hát bài nhạc vàng này theo điệu hành khúc. Cả hội đồng thi cười nghiêng ngả", Công Lý kể lại.

Diễn viên Công Lý: Tôi suýt bị đánh trượt

Tốt nghiệp cấp 3, tôi không có ý định thi đại học mà nghĩ sẽ kiếm việc làm. Vô tình xem thông báo quy chế tuyển sinh các trường, tôi mới biết Đại học Sân khấu Điện ảnh. Hồi đó, tôi rất ngượng với bạn bè khi làm hồ sơ vào đây, bởi mọi người toàn thi Bách khoa, Kinh tế, Tổng hợp... Với lại, nhiều người luôn nghĩ rằng học Sân khấu Điện ảnh thì chỉ làm diễn viên thôi.

Tôi rủ cậu bạn thân thi cùng cho đỡ ngại, mặc dù cậu ta cũng không thích trường này. Vậy mà đến lúc chuẩn bị nộp hồ sơ, nghe quy chế thi, cậu ta bỏ rơi tôi. Khóa tôi thi cũng nhiều người từng làm nghề mặc dù chưa qua đào tạo, thấy họ tự tin, mang đạo cụ đi diễn tiểu phẩm (trong khi mình chẳng biết tiểu phẩm là gì), tôi bị “choáng”.

Các thầy bảo tôi diễn tiểu phẩm khoảng 3-5 phút, chỉ một mình trên sân khấu (tối đa là hai người) và càng ít thoại càng tốt, tôi chẳng biết sẽ phải diễn như thế nào. Cũng may một thầy giáo hướng dẫn cho tôi thể loại vai thích hợp để làm tiểu phẩm.

Tôi còn nhớ vừa thực hiện xong phần dự thi Hành khúc ngày và đêm, các thầy yêu cầu hát thêm một ca khúc nữa. Thế là tôi ca ngay bài nhạc vàng Đời tôi cô đơn bởi không thuộc bài nào khác. Hát xong, cô Minh Nhu - giáo viên dạy hình thể nói với tôi: "Bây giờ cô đệm đàn và em hát bài nhạc vàng này theo nhạc hành khúc". Thôi thì các thầy bảo sao đành làm vậy. Cả hội đồng thi được một trận cười nghiêng ngả.

Còn hôm diễn tiểu phẩm vòng chung tuyển, tôi vào vai một người dân tộc đào củ trong rừng. Anh ta đào được một cái bình cổ, và tôi phải thể hiện được cảm giác hồi hộp, lo lắng, sung sướng của anh ta. Sau đó, các thầy ra thêm tình huống: “Cái bình đó bị thủng rồi”. Tôi không nói gì, tiếp tục diễn và cho chiếc bình vào túi mang về. Lúc sau, các thầy hỏi sao không vứt cái bình thủng đi thì tôi ngu ngơ, đáp lại: “Mang về cho em chơi”.

Đáng lẽ tôi bị đánh trượt vì hình thức không có gì nổi bật, thậm chí nhìn đã thấy nghịch ngợm. Mãi sau này khi học trong trường, tôi mới biết hôm thi sơ tuyển chỉ có duy nhất thầy Đức Đọc (bố nữ diễn viên Chiều Xuân) trong ban giám khảo bảo vệ cho tôi. Ông từng nói: "Tôi thấy cậu này có khả năng làm diễn viên, tuy hình thức không thiện cảm lắm". Và ông đã thuyết phục được bốn thầy cô còn lại.

NSƯT Minh Hòa: Nhìn các em lại nhớ thuở “tim đập chân run”

"Sao" nhớ thời thi đại học - 1

NSƯT Minh Hòa.

Ngay từ thời học phổ thông, tôi đã rất yêu văn nghệ và chỉ mơ sau này trở thành ca sĩ. Mẹ thì muốn tôi thi tiếp viên hàng không. Chuẩn bị thi đại học, thấy Đại học Sân khấu Điện ảnh thi tuyển khối C, tôi mới đăng ký thi vì bình thường tôi vốn không thích mấy môn tự nhiên. Cả nhà không ai biết tôi sẽ thi vào trường nghệ thuật, còn bản thân tôi cũng không hề biết thi diễn viên sẽ phải làm những gì.

Giấu gia đình, tôi rủ mấy người bạn vào trường xem thông báo tuyển sinh ra sao. May mắn, tôi gặp chị Hương Hạnh (trước ở đoàn kịch Công an) đang học lớp giáo sinh trong trường. Chị hướng dẫn cho tôi cách làm tiểu phẩm. Hôm đi thi, tình huống các thầy đặt ra là tôi đang diễn cảnh xách túi về thì có giọng nói: “Trong túi có ma tuý”.

Theo phản ứng, tôi mở túi và sững người thì lại có giọng tiếp: “Công an đến”. Tình huống nối tiếp tôi cứ thế diễn, đến nỗi không thể nghĩ tại sao lúc đó mình lại nhập vai xuất thần như vậy, nước mắt giàn giụa. Và kết quả khiến tôi hết sức bất ngờ, điểm 9 chuyên môn giúp tôi trở thành thủ khoa diễn viên năm đó với tổng số điểm 25,5. Biết tin đỗ, tôi mới thông báo cho bố mẹ.

Thời bấy giờ, tính theo số điểm từ trên xuống, ai đỗ thủ khoa sẽ được đi nước ngoài. Nhưng tiếc là lúc đó tiêu chuẩn không dành cho diễn viên mà chỉ dành cho đạo diễn.

Năm nay, rất vinh dự, tôi được Ban giám hiệu Đại học Sân khấu Điện ảnh mời làm thành viên Ban giám khảo Hội đồng chấm thi khoa diễn viên năm học 2007. Cũng vẫn cái sân khấu thuở nào, cách đây 26 năm, nhìn các em ngày hôm nay cũng ngơ ngác như mình cái thuở "tim đập chân run" - một cảm xúc vừa bồi hồi, vừa xuyến xao rất khó tả.

Theo Thế Giới Điện Ảnh