Sao Mai Lương Nguyệt Anh: Gửi gắm chút tình Kinh Bắc

(Dân trí)-“Khi chọn một điệu của vùng nào thì phải chuyển tải được cảm xúc và cái tình đúng với tinh thần của điệu ấy. Như khi hát về quan họ, tôi cũng cố gắng để cái tình của người Kinh Bắc ngấm vào khán giả nhất,” quán quân dòng nhạc dân gian Nguyệt Anh chia sẻ.

Trong đêm chung kết xếp hạng Sao Mai 2011, sau khi MC xướng tên Lương Nguyệt Anh giành vị trí quán quân dòng nhạc dân gian, khán giả thấy Nguyệt Anh bật khóc. Cảm xúc của Nguyệt Anh lúc ấy thế nào?

 

Hạnh phúc vỡ oà. Tôi chỉ biết dùng những từ ấy để miêu tả. Khi nghe tên mình được xướng lên, tôi đã cúi rạp đầu chào khán giả 2 lần và mỗi lần vài chục giây. Rồi lúc cầm cúp trên tay mà người tôi run bắn hết cả lên. Tôi cảm thấy rất sung sướng, và những giọt nước mắt ấy là giọt nước mắt của hạnh phúc. Hạnh phúc vì những nỗ lực của mình được đền đáp xứng đáng. Hạnh phúc vì đã không phụ sự kỳ vọng của bố mẹ, thầy cô, bạn bè, các anh chị đồng nghiệp và khán giả...

 

Trên sân khấu Sao Mai, khán giả thấy một Nguyệt Anh khá chững chạc và tự tin trong giọng hát cũng như phong thái biểu diễn, giống như một ca sĩ dày dạn kinh nghiệm chứ không phải một thí sinh. Bí quyết của Nguyệt Anh là gì?

 

Tôi đã tích luỹ được chút ít kinh nghiệm nhờ các cuộc thi trước đó. Như năm 2009, tôi lọt vào tốp 9 toàn quốc dòng nhạc dân gian, rồi giành giải nhì khi tham gia “Tiếng hát mùa thu” của đài truyền hình Hà Nội, nên không còn cảm giác quá “ngợp” sân khấu.

 

Trong mùa Sao Mai năm nay, thực ra khi ngồi trong phòng chờ, bản thân tôi cũng khá hồi hộp và lo lắng. Tuy nhiên, khi bước ra sân khấu, rồi tiếng nhạc nổi lên, thì tất cả những hồi hộp trước đó dường như tan biến hết. Tôi không còn cảm giác mình đang là thí sinh, mà chỉ nghĩ mình đang được thăng hoa với niềm đam mê của mình- đắm mình vào những giai điệu ngọt ngào và truyền cảm xúc ấy đến khán giả.


Sao Mai Lương Nguyệt Anh: Gửi gắm chút tình Kinh Bắc - 1


 

Có ý kiến cho rằng, trong đêm chung kết xếp hạng, cách xử lý bài hát của Nguyệt Anh ngọt ngào nhưng vẫn khá “tỉnh táo”. Có lẽ điều này khiến Nguyệt Anh hơi mất điểm và để lọt “Giải khán giả bình chọn nhiều nhất” vào tay Phương Thanh- cô gái xứ Nghệ?

 

Năm 2009, sau khi dừng ở tốp 9, tôi được thầy cô và các anh chị đồng nghiệp như ca sĩ Tân Nhàn, ca sĩ Lan Anh nhận xét là ko biết tiết chế cảm xúc, thành ra hơi rề rà. Rút kinh nghiệm năm nay tôi đã tiết chế hơn trong xử lý bài hát. Sao mai là cuộc thi giàu tính học thuật, và bản thân tôi nghĩ việc vận dụng những gì được học ở nhà trường trong xử lý ca khúc sao cho nó gọn gàng và tinh tế mà vẫn mượt mà, vẫn ngọt ngào là điều cần thiết. Có lẽ vì vậy mà bị cho là hơi “tỉnh táo” chăng. Còn việc Phương Thanh được “Giải khán giả bình chọn nhiều nhất” tôi cũng không ngạc nhiên.

 

Không ngạc nhiên- Liệu có phải vì Phương Thanh là thí sinh “có chất dân gian đậm nhất”?

 

Tôi nghĩ việc Phương Thanh là cô gái xứ Nghệ, lại chọn hát những bài dân ca với âm hưởng miền Trung là một lợi thế. Bởi vì các ca khúc về miền Trung tự nó đã mang cái tình rất da diết, rồi cách phát âm, nhả chữ cũng đã rất ngọt ngào, rất dễ đi vào lòng người mà không cần quá trau chuốt kỹ thuật. Trong các mùa Sao Mai trước nhiều thí sinh hát về miền Trung cũng đều giành được “Giải khán giả bình chọn nhiều nhất”.

 

Nhưng dòng nhạc dân gian ở Việt Nam có rất nhiều điệu với đặc trưng của nhiều vùng miền. Vì vậy mà không thể so sánh chất dân gian ở vùng này nhiều hơn vùng kia được. Quan trọng là khi thí sinh chọn một điệu của vùng nào, thì phải chuyển tải được cảm xúc và cái tình đúng với tinh thần của điệu ấy, làng quê ấy. Như khi tôi hát về quan họ, tôi cũng cố gắng làm sao để cái tình của người xứ Kinh Bắc ngấm vào khán giả nhiều nhất. Hay như Bích Hồng, một cô gái Hà Nội nhưng hát về Huế rất hay, và cô ấy đã được “giải thí sinh hát về Huế hay nhất” trong Sao Mai năm nay.
 
Sao Mai Lương Nguyệt Anh: Gửi gắm chút tình Kinh Bắc - 2

 

Nguyệt Anh từng tự hứa là không để cho mình có những khoảng lặng. Vậy sắp tới Nguyệt Anh có những dự định gì để không “ngủ quên trên chiến thắng”?

 

Việc đầu tiên tôi muốn tri ân tới khán giả là hoàn thành một album, trong đó tôi sẽ thu lại hầu hết những bài hát mà tôi đã dự thi trong Sao Mai năm nay. Song song với đó là việc học tiếp lên hệ đại học của Học viện Âm nhạc Quốc gia. Còn những dự định xa hơn nữa thì tôi xin phép được bật mí sau.

  

Lương Nguyệt Anh sinh năm 1990, tại quê hương Bắc Giang- cái nôi của những làn điệu quan họ mượt mà. Chính vì thế mà cái tình, cái ngọt ngào, cái sâu lắng của những điệu quan họ dường như đã thấm đẫm trong cô gái Bắc Giang này. Nguyệt Anh chia sẻ, cô đã tốt nghiệp thủ khoa khoa thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia- hệ Trung cấp trong thời gian thi vòng loại Sao Mai năm nay. Và vừa hoàn tất thủ tục học lên hệ đại học. Trong suốt 4 năm theo học tại Học viện, Nguyệt Anh đều được học bổng của nhà trường. Đồng thời 2 năm cuối, cô còn giành thêm 2 suất học bổng tài trợ âm nhạc của Toyota Việt Nam.

 

Ánh Dương