Sách do Nhà nước đặt hàng: Nơi cần không có, nơi có không cần…
(Dân trí) - Các đơn vị tiếp nhận sách do Nhà nước đặt hàng phải được đăng ký và xét duyệt từ trước. Chính vì vậy, khi sách hoàn tất và được xuất bản thì nhiều đầu sách không phù hợp, dẫn đến tình trạng nơi cần sách này thì không có, nơi đã đăng ký và được nhận sách này lại… không cần.
Ngày 6/12, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã tổ chức hội thảo “Đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước”. Tại hội thảo, đại diện các nhà xuất bản đã trình bày tham luận về thực trạng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước hiện nay, đưa ra những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc và đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm tháo gỡ.
Theo bà Nguyễn Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ, xuất bản phẩm Nhà nước đặt hàng là sách nhằm thực hiện công tác tuyên truyền theo định hướng của Nhà nước, sách này được xuất bản bằng kinh phí ngân sách Nhà nước.
Bà cho biết, những năm qua, nguồn kinh phí Nhà nước dành cho các Nhà xuất bản để thực hiện ấn phẩm Nhà nước đặt hàng ngày một tăng, năm sau cao hơn năm trước, số lượng đầu sách và số lượng bán sách cũng tăng, nội dung có sự đầu tư cải tiến mạnh mẽ, chất lượng vì đó cũng tăng theo.
Tuy nhiên, bà Ánh Tuyết còn băn khoăn: “Các đơn vị thụ hưởng có sử dụng tốt sách Nhà nước đặt hàng được cung cấp hay không thì mới làm nên sức sống của sách Nhà nước đặt hàng”.
“Hiện nay, danh sách các đơn vị tiếp nhận và quản lý xuất bản phẩm đặt hàng theo quy định của Thông tư 7 thì phải được đăng ký trước và được xét duyệt. Tuy nhiên, trong thực tế, có trường hợp cần thì không có, có thì không cần”, bà Ánh Tuyết cho biết.
Để hạn chế tình trạng này, bà Ánh Tuyết đề xuất: “Danh sách các đơn vị nhận xuất bản phẩm Nhà nước đặt hàng có thể linh động thay đổi tùy tình hình thực tế, đơn vị nào không cần thì không nhận, ưu tiên cho các đơn vị cần. Nhà xuất bản chịu trách nhiệm trong phân bổ sách Nhà nước đặt hàng đúng quy định và có báo cáo sự thay đổi với cơ quan chủ quản”.
Còn bà Đinh Thị Thanh Thủy - Tổng biên tập, Giám đốc nhà xuất bản Tổng hợp, thì chỉ ra vướng mắc lớn hiện nay là quy định Cơ quan đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách địa phương. Đồng thời, bà đề nghị phải điều chỉnh lại quy định này.
Bà Thuỷ nói: “Thông tư 7 hiện nay giao việc đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng nguồn ngân sách địa phương cho UBND cấp tỉnh. Điều này là bất khả, bởi khối lượng công việc của UBND TPHCM phải điều hành, quản lý và xử lý quá nhiều. Nếu không có cơ chế ủy quyền cho sở quản lý ngành hoặc cơ quan chủ quản nhà xuất bản của thành phố, thì không cách nào UBND TP “ôm” việc đặt hàng và duyệt chi tiết các tựa, số bản in xuất bản phẩm hằng năm”...
Tùng Nguyên