Sách thiếu nhi hè 2007:

Sách dịch “đè” sách ta

(Dân trí) - Bất kể “Tôi là Bêtô” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh được quảng bá rầm rộ đến mức nào, nó cũng không thể “cứu” được cả mảng sách thiếu nhi trong nước. Với nguồn sách dịch khổng lồ trong hè năm nay, sự xuất hiện của “Tôi là Bêtô” chỉ như “muối bỏ bể”.

Thị trường “bộn” sách dịch

 

Chưa có năm nào, sách dịch cho thiếu nhi lại “được mùa” như năm nay. Khắp các hiệu sách đều “bộn” sách dịch với poster rực rỡ, bắt mắt. Đi đầu trong làn sóng hội nhập quốc tế trong lĩnh vực xuất bản phải kể đến “đơn vị xuất bản non trẻ” - công ty Truyền thông Nhã Nam.

 

Những cuốn sách dịch viết về những đứa trẻ nghịch ngợm, thông minh như: Lũ trẻ nhà Penderwicks (tác giả Jeanne Birdsall, dịch giả: Lê Minh Đức), Nhóc Nicolas những chuyện chưa kể (tác giả René Goscinny, dịch giả Trác Phong và Hương Lan), Cedric (tác giả Claude Carre, dịch giả Tố Châu), Pipi tất dài (tác giả Astrid Lindgren)...

 

Những cuốn sách sống động về loài vật như: Bác Phiodo, con chó và con mèo (tác giả Eđuarđ Uspenski, dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền), Bọn thỏ đồi Watership (tác giả Richảd Adam), Cún Bụi đời (tác giả Daniel Pennac), Chuyện Gấu Pooth (tác giả A.A.Milne, dịch giả Nguyễn Tâm).

 

Đặc biệt, thế giới phiêu lưu, kỳ bí với những nhân vật đến từ thế giới tưởng tượng cũng được Nhã Nam chọn để giới thiệu tới các em nhỏ: Tobie Lolness (tác giả Timothé de Fombelle), Nếp gấp thời gian (tác giả Madeleine L’engle), Lời tiên tri của đá (tác giả Flavia Bujor), Biên niên sử Chrestomancy (tác giả Diana Wynne Jones), Bí ẩn các vì sao (tác giả Erik L’Homme)...

 

NXB Kim Đồng - “cây đa cây đề” trong làng xuất bản cũng tung ra nhiều ấn phẩm mới để phục vụ khán giả nhí. Trong đó có 3 đầu sách nổi trội như: Tôi là Coriander (tác giả Sally Gardner), Ngôi nhà cây thần kỳ (Mary Pope Osborne), Phù thuỷ xui xẻo (tác giả Jill Murphy).

 

Sách dịch “đè” sách ta - 1
Sách dịch cho thiếu nhi hè 2007 chủ yếu đến từ châu Âu.

 

Ngoài việc tái bản bộ truyện 3 tập Donald và bạn hữu (tác giả Walt Disney), mùa hè này NXB Trẻ tung ra một tác phẩm mới được “quảng cáo” không thua kém gì siêu phẩm Harry Potter, chính là Nhà giả kim của nhà văn Mỹ Michael Scott.

 

Đây là ấn phẩm đầu tiên được NXB Trẻ tiến hành mua bản quyền khi sách chỉ mới là bản thảo và phát hành bản tiếng Việt cùng với bản tiếng Anh và các ngôn ngữ khác đồng thời với 29 nước trên thế giới.

 

Cuốn sách kể về cuộc chiến đấu giữa Flamel Bất Tử và Dee Đen Tối diễn ra giữa thời đại của Wifi, Ipod, Internet, Laptop và điện thoại di động đã vô tình lôi cuốn sự tham gia của hai chị em sinh đôi Josh và Sophie Newman. Sự xuất hiện của 2 chị em khá trùng hợp với lời tiên đoán trong Codex đã có từ hàng nghìn năm trước của Abraham. Trong cuộc chiến đấu giữa Flamel Bất Tử và Dee Đen Tối, hai chị em, mà trước mắt là cô chị Sophie đã được đánh thức những năng lực tiềm ẩn...

 

Khác với những năm trước, sách dịch cho thiếu nhi mùa hè này nghiêng hẳn về truyện tranh châu Âu với từng mẩu chuyện hài hước, tiết tấu nhanh, phong cách hiện đại. Không còn nhập nhiều các tác phẩm truyện tranh manga của Nhật Bản, truyện tranh Trung Quốc với những hình ảnh cô cậu học trò có vẻ đẹp “hoàn hảo” với những mối tình sướt mướt.

 

Thay vào đó là những nhân vật cô bé, cậu bé hiện đại, tinh nghịch như nhóc Cedric lém lỉnh; bốn chị em nhà Penderwicks cùng nhau khám phá những điều kỳ diệu từ các khu vườn mênh mông vào mùa hè; cô bé Pipi tất dài mặt đầy tàn nhang, chưa bao giờ đi học và khoẻ tới mức nhấc bổng cả... con ngựa.

 

Sách dịch “đè” sách ta - 2
 
Nhận xét chung về những tác phẩm ngoại năm nay: rất hài hước, tiết tấu nhanh, phong cách hiện đại và phù hợp với thiếu nhi.

 

“Thoi thóp” sách ta

 

Trong khi sách dịch tràn ngập thị trường sách thiếu nhi thì sách thiếu nhi trong nước rất “khiêm tốn”. NXB Kim Đồng, ngoài tái bản những tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu như: Lá cờ thêu sáu chữ vàng (tác giả Nguyễn Huy Tưởng), Dế mèn, Chim gáy, Bồ nông (Tô Hoài) hoàn toàn không đưa ra một tác phẩm mới nào.

 

Cũng có người “cố tình” xếp Tớ là Joe (NXB Kim Đồng) - ấn phẩm gồm 50 bài viết đặc sắc nhất của tác giả Joe trên blog về đời sống Hà Nội, ngôn ngữ, các món ăn cho đến chuyện... yêu vào hạng mục sách cho thiếu nhi, nhưng thiết nghĩ chưa hợp lý lắm! Công ty Nhã Nam, đơn vị xuất bản trẻ tuổi, hùng hậu với số lượng đầu sách dịch cũng không dám “ho he” khi đề cập tới sản phẩm của các nhà văn Việt Nam.

 

Duy nhất, chỉ có NXB Trẻ “le lói tia hi vọng” với tác phẩm Tôi là Bêtô của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và truyện tranh Siêu nhân đỏ của tác giả Nguyễn Thị Hồng Ân và hoạ sĩ người Bỉ Eddy Coubeaux. Truyện Tôi là Bêtô là sáng tác mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, được viết theo phong cách hoàn toàn khác so với những tác phẩm trước đây như Kính vạn hoa hay Chuyện xứ Langbiang.

 

Sách dịch “đè” sách ta - 3

 “Tôi là Bêtô” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - cuốn sách dành

cho thiếu nhi trong nước đáng chú ý nhất trong mùa hè này.

 

Những mẩu chuyện, hay những phát hiện của chú chó Bêtô vừa thú vị, hài hước, vừa chiêm nghiệm một cách nhẹ nhàng “vô vàn những điều kỳ diệu mà cuộc sống cố tình giấu kín ở ngóc ngách nào đó trong tâm hồn mỗi chúng ta”. Đây được coi là cuốn sách dành cho trẻ con và cho cả người lớn vì những ngụ ý giản dị và sâu sắc. Nhưng dù cho Tôi là Bêtô được ca ngợi và quảng bá rầm rộ đến mức nào thì một mình nó cũng không thể “cứu” được cả mảng sách thiếu nhi trong nước. Đối với khối lượng khổng lồ của nguồn sách dịch, sự xuất hiện của Tôi là Bêtô chỉ ví như “muối bỏ bể”.

 

Không ai dám... chê sách dịch, thậm chí phải nói rằng nhiều cuốn rất chất lượng, đúng lứa tuổi thiếu nhi và có ý nghĩa thiết thực. Nhưng nhìn sách người, lại thấy “cám cảnh” cho sách ta.

 

Sự “vượt mặt” của sách dịch sẽ “vùi lấp” dòng văn học thiếu nhi trong nước, theo đó “vùi lấp” luôn lịch sử, văn hoá, truyền thống Việt Nam. Nói như nhà văn Mỹ Katherine Paterson, một cuốn sách hay “sẽ mở toang trí tưởng tượng” của trẻ em và cho chúng thấy “ý nghĩa cuộc đời”. Nhưng trẻ em Việt Nam sẽ mãi phải “mở toang trí tưởng tượng” với những cái tên, địa danh và hoàn cảnh... “không phải Việt Nam”?

 

Nguyễn Hằng