Quốc Trung: “Sợ nhất là biến âm nhạc thành nồi lẩu”

Gặp nhạc sĩ Quốc Trung vào một chiều muộn tháng 6, người ta thấy mắt anh lấp lánh những niềm vui và sự hứng khởi say mê khi bàn về công việc. Tác phẩm "Đường xa vạn dặm" của anh được mời tham dự một chương trình hòa nhạc lớn ở Nhật Bản có sự tham dự của Nhật Hoàng tháng 9 tới.

Duyên cớ nào đã đưa "Đường xa vạn dặm" được mời đi diễn ở Nhật và một số nước khác?

 

Có thể là vì tác phẩm này "rất Việt Nam", bởi tôi sử dụng trong đó nhiều chất liệu dân gian như xẩm, quan họ, ca Huế, chèo. Đồng thời tôi đưa các nhạc cụ dân tộc lên sân khấu với thập lục, nhị, đàn bầu, đàn đáy, sáo, tiêu, trống chèo, phách, mõ. Tất nhiên, chỉ cần nghe người ta cũng cảm nhận được đó là ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam. Song, vấn đề là hòa âm phối khí như thế nào để chuyển tải hết ý tưởng, khiến người nghe cảm nhận được. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là cảm xúc. Làm thế nào để những âm thanh cuối cùng đến tai người nghe phải gây được xúc động. Mà điều đó cần tới một phong cách sáng tác chuyên nghiệp từ trình độ đến kỹ năng và cuối cùng là sự tự tin. Đôi khi người ta cứ phải gồng mình lên thì mới là tự tin. Nhưng thực ra, không phải như thế.

 

Phong cách riêng trong sáng tác quan trọng đối với anh như thế nào?

 

Đó là tiêu chí đầu tiên mà tôi xác định trong quá trình sáng tác. Tôi sợ nhất là biến một chương trình biểu diễn của mình thành một nồi lẩu mà ở đó chứa đựng đủ thứ lổn nhổn. Âm nhạc phải có nét đặc trưng, có màu sắc riêng, phản ánh đúng bản chất, khả năng, tính cách người nhạc sĩ. Tất nhiên để làm được việc này người nhạc sĩ phải rất dũng cảm, đôi khi thay đổi những thói quen không phải là dễ nhưng phải biết chấp nhận được thử nghiệm những cái mới. Như thế nền âm nhạc mới phát triển và phong phú được.

 

Anh mất bao nhiêu thời gian cho "Đường xa vạn dặm" và có phải thay đổi những thói quen?

 

Tôi ấp ủ cả đã lâu, sáng tác 10 bài hát trong cả năm và mất một tháng tập luyện. Nó là một bước đột phá bởi trước đây tôi theo đuổi nhạc jazz. Trong quá trình dàn dựng tôi phải làm đi làm lại nhiều bài. Có những đoạn, bài hát phải làm lại tới 4-5 lần bởi khó nhất là làm sao đó để cả tác phẩm có cùng một phong cách xuyên suốt. Mới đầu tưởng như rất khó khăn nhưng thật may mắn là tôi có một êkíp những người bạn thật ăn ý trong ý tưởng và tư duy âm nhạc, từ nhóm diễn viên của Nhà hát Chèo cho đến các nhạc công, người viết kịch bản…

 

Anh nghĩ gì khi có người nói với live show "Đường xa vạn dặm", bằng một phong cách nhạc hiện đại và sang trọng - thể loại world music đầy sáng tạo, anh như là hiện tượng mới trong làng âm nhạc?

 

Thực ra đạo nhạc là kết quả tất yếu của sự lộn xộn, thiếu tổ chức, của nền công nghiệp âm nhạc hiện nay. Chúng ta cần xây dựng một nền âm nhạc chuyên nghiệp trên nền tảng luật bản quyền có hiệu lực và công bằng, từ đó mọi chuyện sẽ được sắp lại có trật tự. Còn với riêng tôi, mong muốn nhất là có lối đi riêng, được làm đúng với những gì mình thích, đúng khả năng. Hãy cứ lao động và sáng tạo hết sức, trước tiên bản thân mình sẽ rất hạnh phúc. Còn nếu như cả khán giả Việt Nam và nước ngoài đều xúc động trước những gì tôi muốn chuyển tải thì có nghĩa rằng con đường lựa chọn chuyên nghiệp để hội nhập là hoàn toàn đúng đắn.

 

Theo Hà Nội Mới