Quốc Khánh: "Tôi rất sợ nói nhiều về mình"
Sau 5 năm kể từ bộ phim Tết này ai đến xông nhà, nghệ sĩ Quốc Khánh (Nhà hát Kịch VN) vừa trở lại với một vai diễn mà anh đã “năm lần bảy lượt” rục rịch sắm vai: Chàng gù trong bộ phim Áo lụa Hà Đông do Việt kiều Lưu Huỳnh viết kịch bản và đạo diễn.
Lần đầu tiên làm việc với một đoàn phim tư nhân và kinh phí cho phim lên đến hàng triệu “đô” anh thấy thế nào?
Họ bố trí công việc chặt chẽ hơn và không để thời gian chết nhiều. Còn cát-xê cho diễn viên thì ở mức trung bình. Phim thu tiếng trực tiếp nên tôi thấy hiệu quả hơn lồng tiếng, cho dù mình lồng cho chính mình.
Anh hy vọng để lại dấu ấn gì về điện ảnh qua vai diễn này?
Nếu nói nó ghi được dấu ấn thì có vẻ hơi to tát quá. Tuy nhiên, thật sự đây là vai diễn đã đổ mồ hôi và cả máu. Tôi là người của Nhà nước, xin đi đóng phim phải làm giấy tờ, thủ tục xin phép nghỉ, lại đang diễn ở nhà hát nên phải thay vai, kể cả in lại hàng trăm tờ quảng cáo và vé... 4 tháng trời. Tôi chấp nhận xa nhà và không làm gì khác ngoài phim. Nếu tôi có vợ chắc vợ cũng không chịu nổi. Còn khi cào hến ở Hội An, cả tôi và Trương Ngọc Ánh đều bị hàu (bám vào đá) cắt đứt da chân và chảy máu nhiều lần. Đó là những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi.
Với những “hy sinh” cho vai diễn như vậy, hẳn anh đặt nhiều kỳ vọng?
Tôi là người trong cuộc nên chưa thể nói trước khía cạnh nghệ thuật của bộ phim. Tôi cũng rất sợ nói nhiều về mình. Thật ra, tôi không kỳ vọng nhiều vì làm nghệ thuật là cái nghiệp, làm cả đời chứ đâu phải chỉ diễn một hai phim, đóng vài vở kịch là hết. Thành công hay thất bại là chuyện thường của nghề này. Tất nhiên những gì mình đổ tâm sức, không nhiều thì cũng nhằm làm một cái gì đó cho nghề. Nghề chính của tôi vẫn là sân khấu. Phim chỉ là nghề tay trái.
Anh “kết” kiểu nhân vật hài hay bi hơn?
Tôi chưa bao giờ đặt câu hỏi mình có duyên với dạng vai nào hơn. Cả trên sân khấu và điện ảnh tôi đều có những vai bi, vai hài. Còn đóng bi thì không khó bằng hài. Có thể anh đóng chưa tới nhưng nhân vật ở hoàn cảnh và số phận ấy, khán giả bị hút vào câu chuyện và đồng cảm với nhân vật nên dễ rơi nước mắt.
Nhiều người cho rằng, ở tuổi anh, cơ hội nhận được những vai chính trong phim nhựa là rất ít?
Có thể tuổi thọ của nghề ca sĩ hoặc múa thì ít chứ của diễn viên chúng tôi vẫn dài lắm. Trẻ đóng vai trẻ. Già đóng vai già. Bác Phạm Bằng bảy mươi mấy tuổi rồi vẫn cứ diễn ngon lành. Với nghề này, tôi thấy mình vẫn còn và sẽ còn làm nhiều, dù tuổi đã không còn trẻ. Tôi tuổi Nhâm Dần, 43 chứ mấy...
Anh có thấy mình đã được “trả giá” xứng đáng với những cống hiến cho nghề?
Làm nghệ thuật rất bạc, nhưng cũng thật công bằng. Sau này về hưu, có thể tôi trắng tay. Suốt cả cuộc đời nghệ sĩ làm hết vai này vai kia, chuyện vợ con cũng chưa đâu ra đâu và đồng lương hưu thì ít ỏi. Bây giờ, lương mỗi tháng chỉ 1 triệu đồng thì sống thế nào được. Nhưng công bằng ở chỗ: Công sức mình bỏ ra được nhiều người chia sẻ và đồng cảm.
Quan trọng hơn nữa, mình được làm những gì mình thích. Nghệ sĩ có khán giả, có công chúng. Đó là phần bù đắp lớn nhất cho những gì anh đã cống hiến. Nhiều việc tôi được giúp đỡ nhiệt tình và có việc chẳng phải trình chứng minh nhân dân nữa.
Theo Thể Thao & Văn Hóa