Quảng Ngãi: Phía sau những bữa "đại tiệc" của lễ đâm trâu

(Dân trí) - Lễ đâm trâu là dịp người Cadong tạ ơn thần linh đã bảo vệ gia đình, giúp mùa màng bội thu. Hoạt động này kéo dài suốt 11 ngày trong tiếng cồng chiêng và men rượu chếnh choáng. Để rồi sau đó, những gia đình tổ chức đâm trâu phải gánh trên vai một khoản nợ lớn...

Tháng 3, khi hoa gạo đỏ rực sườn đồi là thời điểm người Cadong ở huyện miền núi Sơn Tây vào lễ đâm trâu. Người Cadong tin rằng, lễ đâm trâu là dịp tạ ơn thần linh giúp xua đuổi bệnh tật, cầu cho mùa màng bội thu...

Cách đây 8 năm, ông Đinh Văn Nớ (thôn Nước Min, xã Sơn Mùa) đã tổ chức lễ đâm trâu tạ ơn thần linh giúp gia đình qua khỏi bệnh tật. Lúc đó, ông Nớ là một trong những hộ nghèo của xã Sơn Mùa. Năm nay, ông Nớ lại đâm trâu vì thần linh đã cho mùa màng bội thu. Lễ đâm trâu lần này có phần "hoành tráng" hơn lần trước.

Hình 1.JPG
Rượu bắt đầu được rót trước khi gia đình ông Nớ tổ chức lễ đâm trâu nhiều ngày.

Lễ đâm trâu theo phong tục của người Cadong kéo dài khoảng 11 ngày, trong đó chính lễ diễn ra trong 2 ngày. Để chuẩn bị cho nghi lễ quan trọng này, tất cả thành viên trong gia đình ông Nớ và nhiều thanh niên trong làng phải bắt đầu chuẩn bị làm cây nêu và các vật dụng trong lễ từ hơn nửa tháng nay.

Hình 2.JPG
Những con trâu có giá hàng chục triệu đồng được chuẩn bị cho nghi lễ tạ ơn thần linh

 Cùng với đó, ông Nớ phải chọn được con trâu đực khỏe mạnh để hiến tế, mua thêm heo, gà, rượu, nếp làm lễ cúng và chiêu đãi dân làng. Tính sơ bộ, chi phí cho lễ đâm trâu của gia đình ông Nớ không dưới 60 triệu đồng.

"Ngoài con trâu gần 20 triệu đồng thì phải chuẩn bị thêm mấy con heo với nhiều gà lắm. Mình tạ thần linh rồi thì bà con cùng vui. Tốn rất nhiều tiền nhưng phải làm để tạ ơn thần linh đã cho mình thu nhiều lúa", ông Nớ nói.

Già Đinh Văn Lên (72 tuổi) cho hay, nghi lễ đâm trâu tiến hành vào ngày thứ tám, thường là vào lúc mờ sáng. Trước khi đâm trâu, thầy cúng sẽ xin thần linh cho thực hiện lễ. Kết thúc lễ này, thầy cúng và người chủ gia đình làm lễ cúng và tiến hành đâm trâu. Sau đó mọi người trong làng bắt đầu ăn uống, nhảy múa suốt nhiều ngày liền.

 Đồng bào Cadong ở vùng cao Sơn Tây quan niệm, ngày vào lễ đâm trâu, khách đến "ăn trâu" càng đông thì thần linh càng phù hộ cho gia đình nhiều sức khỏe, mùa màng càng bội thu.

“Khi có người trong làng tổ chức lễ đâm trâu thì từ trẻ nhỏ đến người già được mời đến ăn uống. Dân làng tạm gác hết mọi công việc để dự lễ đâm trâu, vui chơi, đánh chiêng nhảy múa”, già Lên nói.

Hình 3.JPG
Dù lễ đâm trâu đã kết thúc từ nhiều ngày trước nhưng vẫn có hàng chục người tập trung tại nhà ông Đinh Văn Poang để uống rượu.

 Lễ đâm trâu vô cùng tốn kém, do đó sau những bữa "đại tiệc" có không ít hộ gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Song đã trót hứa với thần linh và với quan niệm lễ càng to vị thế gia đình trong cộng đồng càng lớn nên rất nhiều gia đình chấp nhận vay mượn để tổ chức. 

Lúc chúng tôi đến nhà ông Đinh Văn Poang (thôn Huy Ra Lung, xã Sơn Mùa), lễ đâm trâu đã diễn ra cách đây vài ngày, thế nhưng trong nhà ông Poang vẫn có rất nhiều người đang ăn uống, nhảy múa.

Ông Poang là người thứ hai của xã Sơn Mùa tổ chức đâm trâu. Dù thuộc diện hộ nghèo của xã, thế nhưng ông Poang vẫn bỏ ra gần cả trăm triệu đồng để thực hiện lời hứa với thần linh.

 Khi chúng tôi tỏ ra nghi ngờ với con số 100 triệu đồng chi phí của lễ đâm trâu, anh Đinh Văn Viên - con trai ông Poang giải thích, riêng con trâu gần 30 triệu đồng, rồi 8 con heo, mấy chục con gà, còn rượu thì nhiều lắm không tính được.

“Gần 100 triệu đấy, cái gì cũng phải mua mà. Phải đi mượn thêm của bà con mới đủ. Sau này mình làm rồi trả dần thôi", anh Viên nói.

Hình 5.jpg
Lễ đâm trâu của người Cadong tại huyện miền núi Sơn Tây kéo dài nhiều ngày và vô cùng tốn kém

 Nhẩm tính số hộ dân tổ chức đâm trâu, ông Hà Phải- Chủ tịch UBND xã Sơn Mùa cho biết, năm nay có 5 hộ trong xã tổ chức lễ đâm trâu. Lễ đâm trâu vô cùng tốn kém nhưng đây là nghi lễ linh thiêng của người Cadong. Do đó, việc xóa bỏ phong tục này rất khó khăn.

"Lễ đâm trâu kéo dài nhiều ngày nên gia đình tổ chức lễ tốn rất nhiều tiền. Hàng trăm người tham dự lễ cũng ảnh hưởng đến công việc trên rẫy. Tuy vậy đây là lễ linh thiêng của người Cadong nên muốn vận động bà con bỏ được phong tục này rất khó", ông Phải nói.

Trong khi đó, ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây chia sẻ, lễ đâm trâu là phong tục truyền thống của bà con đồng bào Cadong nhằm cầu mong những điều tốt đẹp. Bên cạnh yếu tố tích cực thì lễ đâm trâu đã ảnh hưởng đến kinh tế của người dân, nhất là những hộ dân nghèo.

“Hiện chỉ còn một số gia đình có người mắc bệnh nặng lâu ngày vẫn tổ chức lễ với niềm tin thần linh giúp hết bệnh. Chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động người dân không tổ chức đâm trâu vì chi phí quá tốn kém. Tuy nhiên đây là nghi lễ lâu đời của người dân nên muốn thay đổi cần phải có thời gian", ông Tùng nói thêm.

 

Quốc Triều