1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Quan Thánh miếu Hội An và bút tích của thân phụ đại thi hào Nguyễn Du

(Dân trí) - Nằm ở trung tâm Tp.Hội An, ngôi miếu cổ thờ Quan Công mang nhiều tên gọi khác nhau như Quan Thánh đế miếu, Trừng Hán cung, Hiệp Thiên cung... Nhưng ít ai biết rằng nơi đây còn lưu giữ bút tích của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm - thân phụ Đại thi hào Nguyễn Du.

Quan Thánh miếu Hội An và bút tích của thân phụ đại thi hào Nguyễn Du

Quan Thánh miếu Hội An

Quan Công (160 - 219) là nhân vật lịch sử nổi tiếng thời Tam quốc được người đời kính phục. Ông là một trong “Trung Hoa thập Thánh” và “Tam quốc tứ tuyệt”, trở thành hình mẫu điển hình và là biểu tượng về Nghĩa, Tín, Trung, Dũng. Theo tín ngưỡng dân gian thì Quan Công mất và hiển Thánh ở núi Ngọc Tuyền, nhân dân đã suy tôn và phụng thờ ông như bậc Thánh đế. Việc thờ phụng ông chính là đề cao tư tưởng trung nghĩa, ngợi ca tinh thần thượng võ của bậc anh hùng hào kiệt.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử cũng như sự biến thiên của thời đại, Quan Thánh miếu Hội An tọa lạc tại đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) vẫn trang nghiêm tôn kính và trở thành một di tích không thể không đến của du khách mỗi khi thăm nơi đây.

Năm 1774, tình hình Nam Hà có biến với việc thủ lĩnh Tây Sơn là Nguyễn Nhạc làm chủ được vùng Nam Trung Bộ. Nhận thấy thời cơ tiêu diệt họ Nguyễn đã đến, quan trấn thủ Nghệ An là Đoan Quận công Bùi Thế Đạt tấu về triều rằng có thể mở cuộc tiến quân đánh lấy chính quyền chúa Nguyễn Đàng Trong. Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm quyết chí ra quân. Các lão tướng đầu triều là Hoàng Ngũ Phúc và Nguyễn Nghiễm - thân phụ Đại thi hào Nguyễn Duy - vốn đã về hưu nay được vời ra cầm quân. Hoàng Ngũ Phúc giữ chức Đại tướng, Bùi Thế Đạt làm phó tướng và Nguyễn Nghiễm giữ chức Tả tướng, thống lĩnh tướng sĩ 33 doanh cùng quân thủy, quân bộ các đạo Thanh, Nghệ với ba vạn quân.

Với lực lượng hùng hậu, quân Trịnh liên tiếp giành thằng lợi. Tới đầu năm 1775, quân Trịnh chiếm gọn thủ phủ Đàng Trong là Phú Xuân khiến cho Chúa Nguyễn bỏ chạy về Nam. Hoàng Ngũ Phúc cử Bùi Thế Đạt ở lại giữ thành Phú Xuân, còn mình cùng các tướng trong đó có Nguyễn Nghiễm tiếp tục tiến quân vào Quảng Nam đuổi theo Chúa Nguyễn buộc Chúa Nguyễn lại phải tháo chạy vào Gia Định. Mảnh đất Quảng Nam trở thành chiến trường của quân Trịnh và Tây Sơn. Quân đội hai bên giao tranh quyết liệt tại làng Cẩm Sa cho đến phố Hội An. Cuối cùng quân Tây Sơn thua trận, phải rút chạy về Quy Nhơn. Quân Trịnh tiếp tục làm chủ đất Quảng Nam.

Quan Thánh miếu Hội An và bút tích của thân phụ đại thi hào Nguyễn Du
Bút tích của Xuân Quận công và 2 tùy tướng đặt tại bái đường

Sau thi thắng trận và đóng quân trên đất Quảng Nam, quân Trịnh có nhiều vị tướng nổi danh về văn học trong đó có Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, vốn là tể tướng đầu triều kiêm tài văn võ. Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775) tên chữ là Hy Tư, biệt hiệu là Hồng Ngư cư sĩ, người xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Ông đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong Triều đình nhà Lê như Tế Tửu Quốc tử giám, Hàn Lâm viện Thừa chỉ. Đến đời Chúa Trịnh Sâm, ông được phong làm Thái tử Thiếu bảo, tước Xuân Quận công. Năm 64 tuổi, ông được thăng Thượng thư bộ Hộ, Đại tư đồ, Tham tụng, được tặng Tiệp dinh tả tướng, tước Xuân Quận công. Sau khi ông mất, triều đình phong Thượng đẳng Phúc thần, giao cho 4 xã phụng thờ và quốc gia tế lễ. Ông còn là một nhà văn với nhiều tác phẩm nổi tiếng và là nhà sử học với nhiều lời bàn trong Đại Việt sử kí bản kỉ tục biên. Ông cũng là thân sinh đại thi hào Nguyễn Du.

Sau khi buộc quân Tây Sơn phải rút về Bình Định, trong một lần ông đi thăm phố Hội An đến miếu thờ Quan Công. Đứng trước ngôi miếu thờ vị võ tướng nổi tiếng, ông đã cảm tác đề thơ như bày tỏ lòng mình trước Đức Thánh Quan Công, qua đó giãi bày ý nghĩa sâu xa về cuộc hành quân nam tiến của ông: Một lòng phù Lê, xóa bỏ thế “chân vạc” giữa Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn giống như Quan Vũ khi xưa một lòng phò Hán mà muốn xóa bỏ đi cái thế phân tranh Ngô - Ngụy - Thục.

Ngày nay, miếu Quan Thánh tại phố cổ Hội An còn lưu giữ 3 tấm biển gỗ được treo trang trọng trước mặt tiền chính điện. Đó chính là 2 bài thơ của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm cảm tác năm nào, cùng 2 bài thơ họa của Đông các Đại học sĩ Uông Sĩ Dư và Hàn lâm viện Thị giảng Nguyễn Lệnh Tân. Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử nhưng tất cả đều vẹn nguyên tươi màu nét chữ.
 
Xin được phiên âm, tạm dịch bài thơ của Xuân Quận công:

Phiên âm: Sư để Hội An phố, đề Quan Phu tử miếu: "Niết ngột Viêm đồ khảng khái thân/ Đào viên huynh đệ tức quân thần/ Trực tương trung nghĩa sư thiên cổ/ Vô luận anh hùng địch vạn nhân/ Tâm thượng Cao, Quan hoàn nhất thống/ Mục trung Ngô, Nguỵ thất tam phân/ Chí kim vạn quốc đồng chiêm phụng/ Phỉ trực nguy nhiên hải thượng thần”.

Tạm dịch: Đem quân đến phố Hội An, đề miếu Quan Phu tử: "Cơ đồ nhà Hán lung lay, ngài tỏ tấm thân khảng khái/ Là anh em nơi vườn Đào, cũng là vua và bề tôi/ Tỏ tấm lòng trung nghĩa, xứng đáng là bậc thầy muôn thuở/ Chẳng kể anh hùng, sức thắng vạn người/ Tấm lòng hướng về Cao, Quang, những mong non sông thu về một mối/ Trong mắt nước Ngô nước Ngụy không còn phân chia nữa/ Cho đến ngày nay, nhiều nước cùng chiêm bái thờ phụng/ Lớn lao chót vót như một vị thần trên biển cả”.

Quan Thánh miếu Hội An và bút tích của thân phụ đại thi hào Nguyễn Du
Bài thơ "Quan Phu tử miếu tán" viết theo thể cổ phong của Xuân quận công

Bài thơ đề không chỉ là một tác phẩm văn học mà trong bối cảnh lúc bấy giờ nó còn mang một ý nghĩa hết sức to lớn về chính trị. Khi quân Trịnh giao chiến quyết liệt với quân Tây Sơn tại Cẩm Sa và Hội An chắc chắn phải làm tổn hại đến cảnh quan ở đây. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu thì sau cuộc giao tranh, các công trình tín ngưỡng trên đất Hội An đều nguyên vẹn.

Xuân Quận công là vị tướng kiêm tài văn võ, ngoài kính phục những nhân vật lịch sử như Quan Công thì hành động thăm miếu đề thơ của ông không chỉ là sự trân trọng những giá trị lịch sử văn hóa của mảnh đất Hội An nói riêng và miền Đàng Trong nói chung mà còn thể hiện tính nhân văn cao cả. Bởi, Hội An là mảnh đất có nhiều người Hoa kiều làm ăn và sinh sống, chịu nhiều ân sủng của chúa Nguyễn Đàng Trong. Việc đội quân Lê Trịnh chiếm đóng tại vùng đất này được xem như một hành động xâm lược. Do đó, quân đội Lê Trịnh phải đối đầu không chỉ với quân đội chúa Nguyễn mà còn phải đụng độ với những kiều dân nơi đây.

Trên mảnh đất được xem như quê hương thứ 2 của người Hoa, khi bị chiếm đóng chắc chắn Kiều dân sẽ không chịu quản thúc và đứng lên chống cự lại quyết liệt. Chính vì vậy mà việc vỗ về người dân nơi đây là một việc làm vô cùng quan trọng. Việc viếng thăm miếu và đề thơ ca ngợi Quan Thánh đã cho người Hoa thấy được sự trân trọng những giá trị văn hóa mà họ đã gây dựng trên mảnh đất Hội An. Chính hành động đó đã cảm hóa được người Hoa, làm mất đi ấn tượng uy vũ của quân đội Lê Trịnh.

Trải qua hơn 200 năm kể từ ngày đề thơ khắc biển đến nay, bút tích của Xuân Quận công và tùy tướng năm nào vẫn được đặt ở một nơi trang trọng nhất tại ngôi miếu cổ thiêng liêng sớm chiều hương khói. Điều đó cho chúng ta thấy được đức độ và tài năng của Xuân Quận công còn vang danh mãi trong dòng chảy của lịch sử dân tộc.

Trần Tử Quang