NSƯT Ngô Hoàng Quân:

“Quản lý dàn nhạc cũng như... biểu diễn!”

(Dân trí) - 25 năm là tay đàn cự phách của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, NSƯT Ngô Hoàng Quân từng đọ sức, đua tài trong những cuộc thi âm nhạc quốc tế. Mấy năm gần đây, người ta còn biết đến anh trong vai trò Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Anh là một Giám đốc năng động, biết ngoại giao và có uy tín chuyên môn. Việc quản lý Dàn nhạc quốc gia có vẻ như đang chiếm hết tâm lực của anh, vậy mà anh vẫn không đánh mất vị trí một nghệ sĩ độc tấu sáng giá trong Dàn nhạc.

 

Là con trai của NGƯT-PGS nhạc sĩ Hoàng Dương, cháu nội của danh nhân văn hóa Hà Nội - nhà văn Trúc Khê, có lẽ anh bước chân vào con đường nghệ thuật cũng tự nhiên như nhiều “con nhà nòi” khác?

 

Không dễ dàng thế đâu. Khi phát hiện ở con những tố chất cần thiết để trở thành nghệ sĩ biểu diễn violoncelle, cha tôi muốn ước mơ của đời mình vì nhiều nguyên do chưa thực hiện được sẽ biến thành mục đích của đời con. Thế là một thời gian biểu hà khắc đã đặt ra cho thằng con và được ông bố giám sát với một ý chí không hề lay chuyển.

 

Trong những giờ học đàn đầu tiên, thằng nhỏ ham chơi, lười nhác là tôi đã đổ không ít những giọt nước mắt tức tưởi và xơi không biết bao nhiêu roi đòn. Thế rồi lúc nào không hay, ước mơ của cha đã cảm hóa tôi và tình yêu với cây đàn cello ở ông đã truyền sang tôi.

 

Bạn bè cũ lấy làm lạ vì cậu nhóc vô kỷ luật ngày nào thường được liệt vào hạng “top” học sinh cá biệt nay lại đường đường là một nhà quản lí chỉnh chu. Có thể đấy là khả năng tiềm ẩn được nhân lên khi anh phải quán xuyến một gia đình lớn mang tầm cỡ quốc gia?

 

Đúng là có cả quãng đời dài từ cậu bé nói năng bạt mạng ra vẻ một tay anh hùng hảo hán đến anh chàng mở miệng ra là chính sách này chính sách nọ đúng theo đường lối, có cả sự khác biệt lớn giữa ông chủ gia đình với người quản lý một tập thể. Lo cho một đại gia đình trăm người chắc chắn nặng gánh hơn nhiều và phải gồng mình gấp bao nhiêu lần.

 

Làm nghệ thuật và làm lãnh đạo đòi hỏi những tố chất khác nhau, nhiều lúc mâu thuẫn nhau. Chả thế mà nhiều người đã thấy tiếc cho sự nghiệp biểu diễn của anh khi anh dấn thân vào cái nghiệp quan chức. Anh làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa hai đối thủ cạnh tranh trong anh, đầu óc quản lý có lấn lướt con người nghệ sĩ, hoặc máu nghệ sĩ tùy hứng có phá rối kế hoạch quản lý của anh không?

 

Việc quản lý luôn bộn bề nào là xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, chế độ chính sách. Nào là sử dụng kinh phí, tìm kiếm tài trợ, liên kết liên doanh... Lằng nhằng, khô khan và buồn tẻ nhưng lại cực kì quan trọng vì nó quyết định sự tồn tại của cả đơn vị. Người quản lý không thể thiếu cái đầu tỉnh táo, biết tính toán, có kế hoạch và cần đến những tố chất ít thấy ở dân làm văn nghệ. Rất may tôi có một ê-kíp trợ lý toàn những nhân viên tài cán và biết việc. Họ giúp tôi trong công việc sự vụ để tôi có khoảng thời gian nhất định dành cho việc tập luyện cùng dàn nhạc. Nếu việc tối thiểu này mà cũng không thu xếp nổi thì cái nghiệp biểu diễn của tôi chẳng mấy đi tong.

 

Một giải pháp cho tình cảnh khủng hoảng thiếu thời gian tập tành: tôi phải chọn những tác phẩm từ lâu đã ăn sâu vào máu thịt. Song, điều quan trọng hơn cả giúp tôi trụ được ở vai trò nghệ sĩ độc tấu là tôi luôn chơi đàn với cả tâm hồn, cả tấm lòng. Sự rung cảm chân thành ấy được bắt nguồn từ những gì từng nếm trải trong đời, và trong niềm say mê dâng hiến, tôi chẳng mong muốn gì hơn là đưa được sự tinh túy, đẹp đẽ của tác phẩm tới người nghe.

 

Tuy vậy, hiện tượng “hai trong một” - nghệ sĩ biểu diễn có đẳng cấp làm thủ trưởng ít nhất cũng đem lại  một lợi thế cho hoạt động nghệ thuật của Dàn nhạc, chẳng hạn trong xây dựng chương trình và chất lượng biểu diễn, hợp tác quốc tế và việc xin tài trợ?

 

Một lợi thế với đủ cả hai mặt đối nội và đối ngoại. Tôi cũng là nhạc công nên dễ đồng cảm với anh em và dễ được anh em chấp nhận. Cái nhìn mang tính chuyên ngành luôn có sức thuyết phục đồng nghiệp trong cách đánh giá chất lượng chương trình hoặc trong việc xây dựng kế hoạch dài hơi cho hoạt động biểu diễn. Chính nhờ tính nghề nghiệp đó mà tôi còn nhận được sự tin tưởng về chuyên môn từ phía các đối tác hoặc tài trợ. Tuy nhiên tất cả đều phải xuất phát từ cái tâm. Thực ra tôn chỉ trong công tác quản lý của tôi chẳng khác gì trong biểu diễn, vẫn cùng một chữ tâm đó thôi.

 

Nếu cần phác họa đôi nét chân dung dàn nhạc của mình, anh sẽ nói gì về dàn nhạc có tuổi đời cao nhất, tầm cỡ lớn nhất của Việt Nam?

 

Hai năm nữa, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ làm lễ kỷ niệm 50 năm. Gần nửa thế kỷ gắn liền với công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước, dàn nhạc cũng đã trải qua những thăng trầm làm nên lịch sử cho riêng mình.

 

Sang thế kỉ này chúng ta đã có thể tự hào về những bước tiến vượt bậc. Sự kiện Việt Nam gia nhập WTO đồng nghĩa với việc chúng ta hội nhập cao độ với thế giới đã đặt ra yêu cầu mới cho chúng tôi: vừa không ngừng nâng cao cường độ và chất lượng quảng bá tinh hoa nhân loại trong lĩnh vực âm nhạc tới công chúng trong nước, vừa tạo dựng môi trường thuận lợi khích lệ các tác giả Việt Nam có những tác phẩm đỉnh cao và giới thiệu những tác phẩm đó ra thế giới.

 

Hình như dàn nhạc rất chú trọng đến chiến lược “mở cửa”, có đến mấy ông cố vấn nước ngoài, chỉ huy thường trực là người Anh, chương trình hợp tác với các nhạc trưởng khách mời và nghệ sĩ độc tấu nước ngoài khá phong phú?

 

Tôi nghĩ không dại gì mà không tận dụng những mối hợp tác quốc tế để thu hút chất xám vào mình, thúc đẩy anh em mình học hỏi vươn lên. Thực ra muốn được thế cũng chẳng dễ gì, vì các nhạc trưởng hay nghệ sĩ biểu diễn tầm cỡ quốc tế đều phải tìm hiểu kĩ xem Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đạt tới trình độ nào thì họ mới chịu cộng tác.

 

Hiện, đâu đâu cũng thấy bàn đến xã hội hóa sân khấu, xã hội hóa âm nhạc chuyên nghiệp. Điều này tác động đến chương trình hoạt động của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam chứ?

 

Theo tôi, vấn đề nan giải này tồn tại không chỉ ở Việt Nam. Nếu hiểu xã hội hóa theo nghĩa đưa nhạc giao hưởng vào đời sống xã hội, thì rõ ràng bên cạnh nguồn tài trợ của các tổ chức tư nhân vẫn không thể thiếu nguồn kinh phí thường xuyên và đúng mức của Nhà nước. Ở nước nào cũng thế thôi, nhạc giao hưởng chuyên nghiệp phải được nhà nước đầu tư chứ không thể thả nổi và trông chờ vào doanh thu.

 

Đối với khu vực và quốc tế, liệu đã có thể nhận biết một gương mặt riêng của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam chưa?

 

Lúc này chưa thể nói đến trình độ quốc tế, nhưng trong khu vực thì Dàn nhạc Giao hưởng của ta ít nhiều đã gây được tiếng vang sau một loạt chuyến lưu diễn trong mấy năm gần đây ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Nhật Bản.

 

Phải nói là nhờ bao công sức và nhiệt huyết của anh em, dàn nhạc mới xây dựng được một loạt chương trình biểu diễn mang tính chuyên nghiệp cao và thực hiện khá thành công ở trong và quốc tế. Tình yêu nghề nghiệp sẽ còn giúp các cộng sự của tôi tiến xa hơn trên con đường khẳng định một gương mặt riêng.

 

Nguyễn Thị Minh Châu