Phú Quang: "Ngọc Anh chân thành đến dại khờ"
(Dân trí) - "Giọng hát phải như thế, như không thể nào khác thế. Như người đàn bà nồng nàn đắm say, phảng phất chút gì hoang dã, liêu trai. Chân thành đến vụng về, đôi khi chân thành đến dại khờ." Đó là lời nhận xét của Phú Quang về giọng hát Ngọc Anh - người bạn tri kỉ mới của ông trên con đường âm nhạc.
Hai tâm hồn, một cảm nhận
Tên tuổi nhạc sĩ Phú Quang có lẽ không ai còn xa lạ. Những giai điệu nồng nàn, đắm say như vẫn còn vấn vương hương hoa sữa trong "Em ơi Hà Nội phố", "Im lặng đêm Hà Nội" hay một chút bâng quơ, "đôi khi ta nhớ một thoáng heo may, đôi khi ta nhớ một sớm sương mai"...từ lâu đã khức sâu trong tâm trí nhiều người.
Tình khúc Phú Quang luôn phảng phất cái ảm đạm, một chút mơ hồ về một thứ gì mông lung, lãng đãng sương khói của một "Chiều phủ Tây Hồ", hay nỗi cô đơn của những kẻ sống khắc khoải về những điều chưa thoả nguyện.
Ca sĩ Ngọc Anh cũng đã tạo được dấu ấn riêng và chỗ đứng nhất định trong nền âm nhạc hiện đại Việt Nam. Ngọc Anh đã thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau với những phong cách khác nhau: rực lửa khi hát Rock nhưng lại nồng nàn và đắm say trong những bản tình ca say đắm, mượt mà. Nhưng cái khác biệt của Ngọc Anh chính là chất giọng khàn khàn, đôi khi là khê nồng... Đó là sự khắc khoải, là "chất đàn bà" với những đam mê, khao khát...
Hai con người, hai lứa tuổi nhưng họ lại gặp nhau và trở thành tri kỉ trên con đường âm nhạc.Nhạc Phú Quang là dòng nhạc sang trọng. Nó không chỉ kén người nghe mà còn khó tính với cả người hát. Nhiều ca sĩ nổi tiếng đã thử sức với nhạc Phú Quang và để lại nhiều âm vang: Ngọc Tân, Quang Lý, Lê Dung, Hồng Nhung, Mỹ Linh... Đến lượt Ngọc Anh, dường như chất giọng của cô đã mang lại cho nhạc Phú Quang một màu sắc mới. Không sang trọng như Ngọc Tân hát những bản tình ca về Hà Nội. Cũng không giống âm hưởng dịu dàng, thiết tha với cảm giác yên bình trong cách thể hiện của Hồng Nhung. Càng không kiểu cách như Thuỳ Dung...
Tình khúc Phú Quang qua giọng ca Ngọc Anh "chân thành đến vụng về, đôi khi chân thành đến dại khờ". Chân thành mà khắc khoải đến da diết, cồn cào. Đó là cái khắc khoải của một người đàn bà đầy khao khát. Nhưng những đam mê khao khát ấy lại được dồn nén trong câu chữ. Khi Ngọc Anh hát, mỗi chữ bật ra khỏi bờ môi là tiếng lòng, tiếng lòng người nhạc sĩ hay chính là sự đồng cảm của ca sĩ ở chiều sâu giai điệu và ca từ.
Chị tâm sự: "Khi hát, tôi thường bị cuốn vào dòng cảm xúc của ca khúc và đôi khi không kìm nén được. Đôi khi đứng trên sân khấu tôi như bị nhập đồng với giai điệu bài hát. Tôi thấy mình như rơi vào thế giới khác. Cảm xúc mãnh liệt đến rợn ngợp".
Chính nhờ sự đồng điệu trong tâm hồn, trong cảm xúc, nhạc sĩ Phú Quang và ca sĩ Ngọc Anh đã phối hợp ăn ý qua 2 Album thành công là "Nhạc phẩm Phú Quang" và "Gửi một tình yêu". Album 69'59'' là sự kết hợp thứ ba và nâng lên tầm cao mới cả về ca khúc lẫn thể hiện với phần phối khí của 4 nhạc sĩ trẻ nổi tiếng hiện nay: Thanh Phương, Đỗ Bảo, Vĩnh Tâm, Việt Anh. Album này sẽ làm hài lòng những ai vẫn rong ruổi và thiết tha với tình khúc Phú Quang.
Album 69'59'': Mới lạ trong bước đi thời gian
69'59''. Cái tên nghe hơi lạ. Nó không đơn thuần chỉ là thời lượng Album mà là sự đo đếm thời gian với những cảm xúc nồng nàn, tha thiết.
"Quán thời gian" là ca khúc chủ đạo, xuyên suốt toàn bộ Album, dẫn dắt người nghe cảm nhận giai điệu và ca từ theo dòng chảy thời gian. Với 3 bản phối khí khác nhau, "Quán thời gian" xuất hiện đều đặn trong Album để tách biệt 3 giai đoạn thời gian khác nhau với những cung bậc tình cảm khác biệt.
Với 69'59'', ta bắt gặp những không gian, thời gian quen thuộc trong tình khúc Phú Quang: từ chiều đông, Chiều phủ Tây Hồ đến Nỗi nhớ mùa đông, Khúc mùa thu, Thành phố đêm... Đến cả nỗi khắc khoải cũng vẫn gắn với ngày xưa: Phố xưa, giấc mơ xưa... Tưởng như ông chỉ loay hoay trong cảnh chiều và đêm, giữa mùa thu với mùa đông, giữa cái danh giới của quá khứ và hiện tại mà không thể thoát ra... Ông là nhạc sĩ muôn đời vẫn đi tìm chút gì đó của ngày xưa...
Những khoảnh khắc ấy thường bảng lảng khói sương, mờ ảo nhân tình nên thuờng gợi cảm xúc buồn. "Nhưng cái buồn trong nhạc Phú Quang là cái buồn giải thoát được chứ không phải cái buồn bế tắc, vô vọng. Thấm buồn để rồi lại tìm được tình yêu con người, tình yêu cuộc sống."(Ngọc Anh). Có lẽ đó cũng chính là lí do Ngọc Anh tìm đến nhạc Phú Quang, hay chính nỗi đam mê khắc khoải của người đàn bà trong ca khúc của ông đã tìm đến chất giọng đặc biệt này để được thể hiện, để được giãi bày.
Trong 69'59'', vẫn là chút khói sương trầm mặc "Lãng đãng chiều đông Hà Nội", chút da diết, cô đơn đến khắc khoải trong "Biển, nỗi nhớ và em"... nhưng qua sự thể hiện của Ngọc Anh, nỗi khắc khoải được đẩy lên đến cồn cào, thêm nét hoang dã, liêu trai (như lời nhận xét của Phú Quang) nhưng cũng rất đỗi chân thành.
Chị tâm sự: "Bài hát "Phía tối tâm hồn" trong Album này đã khiến tôi bật khóc và hoãn buổi thu âm." Giọt nước mắt ấy chính là sự đồng cảm của ca sĩ với những trăn trở của người nhạc sĩ về cuộc đời...
Hồng Hạnh