Phòng tranh 10 năm ngày mất cố họa sĩ tài hoa Bửu Chỉ
(Dân trí) – Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh TT-Huế (số 26B đường Lê Lợi, TP Huế) đã khai mạc triển lãm phòng tranh tưởng nhớ 10 năm ngày mất cố họa sĩ tài hoa xứ Huế - Bửu Chỉ.
Sinh thời trong một gia đình hoàng phái xứ Huế, ở tại thôn Vỹ Dạ, Bửu Chỉ được giáo dưỡng và thấm nhuần nhiều chất mỹ thuật khi cha ông là người biết vẽ, vẽ đẹp. Tuy là sinh việt Luật, nhưng họa sĩ đến với hội họa chủ yếu qua tự học và sự đam mê.Những tác phẩm cố họa sĩ trải dài qua 2 thời kỳ: chiến tranh chống Mỹ Ngụy và sau hòa bình.
Khởi đầu bằng dòng tranh bút sắt phản chiến, Bửu Chỉ là “lá cờ” đầu trong phong trào đấu tranh bằng mỹ thuật của sinh viên Huế. Ông từng giữ chức vụ Tổng thư ký hội sinh viên sáng tác Huế. Những bức tranh cổ động với các hình tượng bàn tay xiềng xích giơ lên hướng lên ánh mặt trời, chim bồ câu cho hòa bình đã tạo thêm sức chiến đấu cho nhiều tầng lớp cách mạng trước 1975.
Trước sức sáng tạo mãnh liệt và có sức ‘công phá” đến ý chí quân thù, chính quyền Ngụy đã bắt giam tù Bửu Chỉ 5 năm vào ngày 1/4/1972 tại khám Chí Hòa với tội chống lệnh nhập ngũ và tổ chức nổi loạn, bất phục tùng chính quyền. Quân địch nhiều lần đánh đập bàn tay của họa sĩ nhưng đáng khâm phục thay, họa sĩ vẫn tiếp tục vẽ tranh bút sắt. Đây là thời kỳ ông vẽ nhiều nhất thể loại này. Hàng loạt bức tranh cổ động nhân dân chiến đấu được bí mật tuồn ra ngoài, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho dân tộc.
Sau hòa bình, Bửu Chỉ tiếp tục theo con đường nghệ thuật của mình. Nhưng tranh của họa sĩ đã chuyển hướng sang một hướng khác: sự chiêm nghiệm con người trong hữu hạn không gian, thời gian của vũ trụ. Hình tượng đồng hồ, con người, đôi mắt nhỏ bé đứng giữa những khoảng không rộng lớn, đối diện với trời đất, mặt trăng, mặt trời xuất hiện làm điểm nhấn trong các mảng màu sang với tông nóng chủ yếu.
Đây cũng là phong cách tranh được phần lớn người yêu tranh trong và ngoài Huế yêu thích bởi một nét riêng không lẫn vào đâu được của Bửu Chỉ. Bố cục đơn giản, không rối rắm nhưng “chuẩn” từ màu sắc, hình tượng, ý tưởng. Xem tranh của họa sĩ, mỗi một chúng ta có thể chiêm nghiệm cái vô hạn của con người giữa vũ trụ bao la, từ đó trở về với thực tại để sống tốt hơn với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, những người mới quen và cả chính mình.
Từng trải qua các cuộc triển lãm tại nước ngoài lẫn trong nước, tác phẩm sơn dầu của Bửu Chỉ được giới trong nghề đánh giá cao bởi phong cách toát lên nhân sinh quan hòa lẫn vào thế giới quan một cách đầy nhân văn, chiêm nghiệm nhưng cũng không kém phần dữ dội.
Những tranh thiếu nữ khỏa thân của họa sĩ cũng được xem là đẹp, sang mà không thô tục. Họa sĩ còn vẽ tranh trên bao bố và một loạt tranh bút lông mực nho trên giấy chưa được công bố.
Tại phòng tranh kỷ niệm 10 mắt Bửu Chỉ, 37 tác phẩm (25 tranh sơn dầu và 12 tranh mực tàu) lần đầu tiên ra mắt được gia đình họa sĩ chọn trong hàng trăm tác phẩm của ông lưu giữ suốt mười năm qua. Đặc biệt là các tranh mực tàu (bút lông mực nho trên giấy trắng) được xem rất thú vị vì chưa nhiều người được xem. Riêng 5 bức tranh vẽ thiếu nữ khỏa thân là lần đầu tiên được công bố.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 21/12.
Nghiệp chướng
Tự do cuối cùng, hòa bình cuối cùng
Tự do cuối cùng
Cái chết của thằng hề
Nghĩ về thời gian
Tôi nghĩ về đời tôi (Bửu Chỉ tự họa chân dung mình)
Cây đàn sắc không (chân dung Trịnh Công Sơn)
Không đề
Treo trên thời gian
5 bức tranh khỏa thân tuyệt đẹp
Chùm tranh mực tàu trên giấy trắng
Đại Dương