1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Phim Việt và thời trang lỗi mốt

Trong khi thiết kế trang phục cho phim được xứ người nâng lên thành một nghệ thuật và mang về hàng tỷ đô la cho các hãng thời trang thì ở xứ mình, mỏ vàng này mới chỉ bắt đầu được các hãng phim tư nhân liếc mắt tới.

Một bộ phim muốn để lại ấn tượng cho khán giả không thể là một bộ phim "nhếch nhác" về mặt phục trang. Hãy  nhớ lại Star Wars III. Nhà thiết kế Trisa Biggar và nhóm cộng sự đã đi khắp thế giới để tìm những chất liệu độc đáo nhất cho 500 kiểu dáng trang phục khác nhau của bộ phim.

Hãy nhìn gần hơn. Bộ phim Người Hùng của Trương Nghệ Mưu đã chẳng thành công đến  thế nếu không có những trang phục ấn tượng và đầy sáng tạo. Để chuẩn bị phần trang phục cho phim này, nhà thiết kế Nhật Bản Emi Wada đã phải sưu tầm các cuốn sách về người Trung Hoa cổ, xem vô số đoạn băng đĩa quay các cảnh diễn ra cùng thời kỳ với Người Hùng.

Sau khi nghiên cứu kỹ dữ liệu và thuộc lòng từng chi tiết của kịch bản, Emi Wada mới đưa ra những mẫu vải, màu sắc phù hợp nhất với nhân vật và yêu cầu của đạo diễn. Khỏi phải nói Trương Nghệ Mưu đã hài lòng như thế nào. Wada đã được ông mời làm tiếp tục trang phục cho siêu phẩm Thập Diện Mai Phục. Và số tiền trong tài khoản của ông lên thêm một đống các con số.

Tư nhân vào cuộc

Trở lại Việt Nam, để chuẩn bị gần 400 trang phục cho bộ phim cổ trang Lục Vân Tiên,  nhà thiết kế Kiều Việt Liên đã phải lao động cực lực suốt một năm trời. Ngoài việc đọc kỹ kịch bản, phân đồ theo vai, vẽ bản mẫu, chị còn phải tìm hiểu rất nhiều về giai đoạn lịch sử trong phim. Và cái mà chị nhận được là một con số lỗ nặng trịch. "Ở nước mình, người ta vẫn chưa nghĩ đến việc phải chuyên nghiệp phần trang phục cho phim nên chưa đầu tư. Với các nhà thiết kế chúng tôi, một khi không biết phim có thành công hay không thì không thể tự bỏ tiền phiêu lưu", chị nói.

Cũng như một số nhà thiết kế đã từng lo phục trang cho phim Việt, Kiều Việt Liêu có cái nhìn không mấy lạc quan lắm với ngành công nghiệp này. Song, chưa phải đã  hết hy vọng. Tạm gác lại những nhận xét trái chiều về chất lượng của các bộ phim do tư nhân sản xuất, có thể dễ dàng nhận thấy một chuyển biến tích cực trong quan niệm của họ về phục trang cho phim.

30 độ yêu tuy bị kêu trời về chất lượng khi ra rạp nhưng bù lại đã rất chuyên nghiệp hoá ở khâu trang phục. Toàn bộ đồ của diễn viên đều do NEM và Nino Max lo. Ngay từ phim đầu tay Thiên Ngân đã đầu tư trang phục từ đầu đến chân cho mỗi diễn viên xuất hiện trong phim của mình từ quần áo, kính mũ, giày dép đến đôi tất hay chiếc cà vát.. Cả đồ to lẫn nhỏ đều mới hết, không mua sẵn được thì thuê nhà thiết kế, diễn viên chỉ có việc đến đo, thử và... gật đầu mà không phải móc ví ra.

Lầu đầu được hưởng cái "đặc quyền" đáng yêu này không ít diễn viên đã cảm thấy thoải  mái đến mức "cái gì cũng đòi", đòi đến mức không còn nghĩ ra thứ gì nữa thì thôi. Mặc dù tốn khoản tiền không nhỏ cho phần phục trang nhưng bù lại phim có được hình ảnh bắt mắt, diễn viên không phải "lăn tăn" về chuyện lo mặc gì cho cảnh sau hay sợ bị khán giả phát hiện "bộ quần áo này mình đã mặc ở phim trước", còn khán giả thì chỉ có nước gật gù khen: "Đẹp!".

Có cơ hội tham gia vào nhiều phim của các hãng tư nhân, người mẫu kiêm diễn viên Dương Yến Ngọc hơn ai hết cảm nhận rõ ràng nhất sự thay đổi từ phần phục trang cho phim "Các hãng phim nhà nước không chú trọng trang phục cho phim trừ phim lịch sử. Các phim tư nhân, ngược lại, đều được đầu tư trang phục vì nó nói lên 50% tính cách nhân vật. 50% thành công còn lại thuộc về diễn viên.". Song cũng theo lời Yến Ngọc, do Việt Nam chưa có chức danh đạo diễn  hình ảnh và thiết kế trang phục nên các diễn viên dù được lo toàn bộ phần trang phục nhưng vẫn mất rất nhiều thời gian và công sức cho việc đi lại đo, chờ cho vừa vặn người.

Điều này đồng nghĩa với việc phục trang cho phim Việt vẫn chỉ đang mon men ở rìa chuyên nghiệp. Và rất nhiều cơ hội kinh doanh nó cũng đang bị bỏ qua một cách phí hoài.


Theo Sành Điệu