Phim Việt và những "mảnh đất" không ai chịu cấy cày
(Dân trí) - Người ta nói nhiều đến chuyện phim Việt chán, không thực tế, không đi vào lòng người... lỗi một phần là ở những người biên kịch thiếu kinh nghiệm thực tế. Một trong những mảng yếu và ít được "cấy cày" của phim Việt là những bộ phim nói về tâm lý tội phạm.
Hình sự, tâm lý tội phạm luôn là một mảng đề tài hấp dẫn của bất cứ thể loại dạng phim nào từ truyền hình tới điện ảnh. Thực tế là rất nhiều series phim truyền hình nổi tiếng thế giới đã khai thác thể loại này. Nhưng, với truyền hình Việt Nam nói chung thì rõ ràng đây là một mảnh đất màu mỡ nhưng thiếu sự cày bừa và chăm chút.
Thiếu và yếu
Những bộ phim khai thác đề tài tội phạm học, hình sự bao giờ cũng thu hút được một lượng khán giả rất lớn bởi sự li kì hấp dẫn, những tình huống đấu trí căng thẳng, những pha rượt bắt đầy nguy hiểm - đó là điều ai cũng có thể nhìn thấy. Kể cả đạo diễn, biên kịch lẫn những chủ đầu tư. Nhưng, nhìn thấy, hiểu đấy và thực hiện được lại là những câu chuyện khác nhau. Cái thiếu của điện ảnh Việt Nam ở đây là thiếu kịch bản một cách thực sự thuyết phục.
Còn nhớ bộ phim Cảnh sát hình sự ở năm đầu tiên đã thu hút được một lượng khán giả khổng lồ, những diễn viên bật lên từ đó đến giờ vẫn được nhớ đến như Võ Hoài Nam chẳng hạn. Đành rằng, đó không phải là một bộ phim quá xuất sắc nhưng điều thành công của bộ phim là ra đúng thời điểm khi mà truyền hình chưa từng có hoặc manh mún những bộ phim một chiều về đề tài này.
Thực tế mà nói, Cảnh sát hình sự cũng chưa hẳn là một dạng phim khai thác sâu vấn đề tâm lí tội phạm học mà chỉ là lớt phớt qua và chú trọng vào việc xây dựng hình ảnh chiến sĩ công an. Sự thành công của bộ phim truyền hình này còn phải kể đến sự cố vấn hùng hậu của chính những người làm trong ngành khi cung cấp những thông tin thuộc dạng chuyên ngành để những biên kịch “thêm thắt” cho hấp dẫn.
Điều này là khá quan trọng bởi nói gì thì nói ở Việt Nam, biên kịch nếu viết về đề tài này thì hoàn toàn không có cơ hội được tiếp xúc với những tài liệu thuộc chuyên ngành công an. Sự “tiếp tay” của những thành phần chủ chốt trong ngành với nhiều năm kinh nghiệm khiến bộ phim sống được lâu, tạo dựng được thương hiệu (dù chưa quá mạnh) và cũng bởi đề tài gần gũi (dù vẫn còn đây đó những ý kiến ngược chiều) là hình ảnh công an trong lòng dân.
Chờ đợi những tín hiệu mới
Vật chứng mong manh là một bộ phim truyền hình mới nhất vừa được phát sóng có liên quan đến đề tài cảnh sát hình sự và quá trình đấu tranh chống tội phạm. Điểm làm nên thành công của bộ phim này chính là kịch bản được viết bởi một người đã có gần 10 năm làm việc ngành công an, biên kịch Nguyễn Quý Dũng - người từng là phóng viên của báo Công An Nhân Dân.
Chính những năm tháng đi khắp các trại giam từ trong Nam ngoài Bắc đã giúp cựu nhà báo này tích lũy được một lượng thông tin, kiến thức và sự trải nghiệm đáng mơ ước về lĩnh vực này. Ngoài những pha hành động được thể hiện một cách chu đáo, cẩn thận còn phải kể tới những nhân vật công an hoàn toàn phản diện, bị tha hóa bởi đồng tiền và cuối cùng phải trả giá theo đúng cách mà khán giả mong muốn. Tất nhiên, để đạt được điều đó cũng chẳng dễ dàng gì bởi nếu không có kinh nghiệm thực tế, biên kịch phim sẽ rất dễ sa lầy vào tình trạng “tô hồng - bôi đen” một cách thiếu thực tế.
Tiếp sau Vật chứng mong manh là bộ phim Vườn đời vừa phát sóng từ ngày 10/7 cũng vẫn do nhà biên kịch Nguyễn Quý Dũng "nhào nặn" nhưng lại khai thác một lát cắt khác: Sự hoàn lương của những tù nhân. Có thể nói đây là một mảng đề tài khó. Chính bởi sự khó trong việc miêu tả trạng thái, thái độ lẫn sự tái hòa nhập của những con người từng phải trả giá cho những sai lầm của mình đã khiến khán giả đón nhận.