Phim Việt giờ đã "hái ra tiền"
Cùng với tiêu chí dành giờ vàng cho phim Việt của nhà đài, sự năng động của các hãng phim tư nhân trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình đã đẩy nhanh số lượng phim sản xuất trong nước ra đời đến chóng mặt.
Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng cũng góp phần đẩy chất lượng phim ngày càng được nâng cao. Giờ đây có thể tự tin để nói rằng phim truyền hình VN đủ sức kéo người xem ra khỏi “làn sóng” Hàn, Trung Quốc.
Gió đã đổi chiều
Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của các bộ phim truyền hình nước ngoài trình chiếu trong giờ vàng bởi các nhà làm phim Trung Quốc hay Hàn Quốc đều đã có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình, trong khi các nhà làm phim VN chỉ mới nhập cuộc không bao lâu.
Nhưng cũng như món ngon ăn mãi cũng phải ngán, các bộ phim Hàn Quốc, Trung Quốc dần cho thấy sự trùng lặp đến nhàm chán trong việc khai thác đề tài, dù rằng dàn diễn viên luôn không ngừng bổ sung những gương mặt mới và diễn xuất rất chuyên nghiệp. Đúng lúc đó, sự chen chân kịp thời của những bộ phim truyền hình VN trong giờ vàng tựa như cốc nước giải nhiệt cho người xem sau khi bội thực vị kim chi cay sè.
Và những bộ phim mang “thương hiệu” TFS như Đô la trắng, Nghề báo, Hương phù sa, Hướng nghiệp, Miền đất phúc lẫn những phim do tư nhân sản xuất như Tuyết nhiệt đới (M&T Pictures), Mùi ngò gai (Vifa), loạt phim của Lasta... lần lượt thu hút người xem qua màn ảnh nhỏ bởi đề tài phong phú, gần gũi với đời thường cộng thêm diễn viên trẻ, đẹp, ăn mặc hợp thời trang.
Chiếm được thị phần khán giả, phim truyền hình Việt giờ vàng dễ dàng chiếm sóng phim ngoại. Không chỉ những phim dành cho người lớn mà ngay cả phim thiếu nhi như Kính vạn hoa cũng gây “sốt” trên màn ảnh nhỏ. Mức độ quan tâm của người xem dành cho loạt phim thiếu nhi này còn “nóng” đến nỗi có hẳn một câu lạc bộ người hâm mộ (fan club) Kính vạn hoa.
Trên các diễn đàn (forum) về phim ảnh, rất nhiều ý kiến bàn luận sôi nổi mỗi khi một bộ phim VN phát sóng. Cá biệt như phim Mùi ngò gai trên diễn đàn dienanh.net thu hút gần 300 lời bình luận, một con số chưa từng thấy đối với một bộ phim truyền hình VN trước đây.
Sức hút của phim truyền hình VN kéo theo nguồn thu quảng cáo trong giờ phát sóng phim Việt tăng lên chóng mặt. Trên kênh HTV7, chương trình phim Việt lúc 21 giờ đã tăng lên 40 spot quảng cáo mỗi ngày (30 giây/spot), cá biệt, phim Mùi ngò gai tăng lên 46 spot, gấp 2 đến 3 lần so với trước đây. Ngay trên kênh HTV9, trước đây chương trình chiếu phim Việt 18 giờ chỉ có 2-3 spot quảng cáo, nay đã tăng lên 10-20 spot mỗi ngày.
Sức hút của phim Việt giờ vàng mạnh đến nỗi hiện nay số lượng nhãn hàng đăng ký quảng cáo vào giờ chiếu phim Việt tăng đến nỗi khiến Đài Truyền hình TPHCM phải tăng giá quảng cáo, đồng thời khuyến mãi bằng cách giảm giá cho spot quảng cáo đăng ký vào giờ chiếu phim ngoại. Ngoài ra, nhiều bộ phim vừa phát sóng vài tập như Miền đất phúc, Mùi ngò gai đã được các đài tỉnh mua lại và phát ngay sau đó. Có thể nói, phim Việt giờ đây đã hái ra tiền.
Xếp hàng chờ sóng
Sự khởi sắc của phim truyền hình VN trong thời gian qua đã làm nức lòng các hãng phim tư nhân khiến nhiều đơn vị hăng hái lao vào sản xuất nhiều hơn. Hãng M&T Pictures, trong khi phim Ghen còn đang quay và đang phát sóng, đã tiếp tục triển khai ngay hai phim Hoa dã quỳ và Tôi là ngôi sao.
Tương tự, Mùi ngò gai còn đang trên phim trường thì Vifa đã kết hợp với HTVC làm 60 tập phim Ký túc xá. Riêng TFS- “anh cả” trong trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình-đã và sắp bấm máy hàng loạt bộ phim đề cập đến những ngành nghề mới như Thám tử tư (25 tập), Chuyện tình công ty quảng cáo (25 tập), Nữ vệ sĩ (20 tập), Âm tính (20 tập)...
Phim nhiều nhưng giờ vàng ít ỏi nên tình trạng phim làm ra chưa biết khi nào được chiếu đang là mối lo chung của các nhà sản xuất hiện nay. Ngoài giờ phim buổi tối (21 giờ) do Lasta “trấn giữ”, còn lại các phim VN chỉ chia nhau được giờ phim buổi chiều (18 giờ) và giờ vàng này thường ưu tiên phim của TFS, thỉnh thoảng xen kẽ thêm phim của các hãng khác: M&T Pictures, Vifa.
Từ trước đến nay, VN chưa có ngành công nghiệp sản xuất phim truyền hình dài tập một cách bài bản, nhưng “đi mãi rồi cũng thành đường”, thành công bước đầu của những bộ phim Việt trong thời gian qua chỉ mới dừng lại ở chỗ kéo được khán giả từ phim ngoại sang phim nội, do lạ khẩu vị.
Muốn phát triển bền vững trên con đường tiến tới một nền công nghệ phim truyền hình chuyên nghiệp, phim truyền hình Việt Nam phải có một bước phát triển về chất lượng phim. Bởi dù hiện nay, phim vẫn thu hút đông người xem nhưng trong từng bộ phim có không ít những tình tiết vô lý, những lỗi thô thiển về kỹ thuật, mà người xem cho rằng có quá nhiều sạn.
Theo Hương Nhu
Người Lao Động