Phim phía Nam- Sự “bành trướng” chưa làm nên thương hiệu
(Dân trí) - Với những con số áp đảo tại lễ trao giải Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh, tuy nhiên, phim phía Nam không để lại nhiều ấn tượng. Những giải thưởng dành cho Long ruồi, Sài Gòn Yo, hay Khát vọng thượng lưu đều khiến số đông công chúng… nổi giận!
Với 9 (trên tổng số 12) phim truyện nhựa tham dự Cánh Diều Vàng năm nay, phim điện ảnh phía Nam thể hiện sự “bành trướng” đáng nể về số lượng. Nhưng, nếu xét về chất lượng, chỉ có duy nhất Hotboy nổi loạn của Vũ Ngọc Đãng là để lại ấn tượng. Chỉ duy nhất Hotboy nổi loạn là thể hiện cảm xúc và ngôn ngữ điện ảnh rõ nét. Những cái tên như Hello cô Ba, Vũ điệu đường cong, Lệnh xóa sổ… thậm chí còn khiến khán giả… phát sợ. Một vị đạo diễn nổi tiếng khi xem xong bộ phim tâm lý hài Vũ điệu đường cong đã đứng lên thảng thốt, “Khiếp quá, phim khiếp quá!”.
Những tranh cãi về giải thưởng nhà nghề đã thể hiện một phần bức tranh chung của phim phía Nam. Việc sản xuất ồ ạt, xô bồ đã dẫn đến những cẩu thả, chụp giật trong cách làm phim. Còn nhớ, cách đây không lâu, bộ phim truyền hình Anh chàng vượt thời gian, bộ phim do một công ty phía Nam sản xuất đã phải dừng phát sóng vì bị khán giả la ó về nội dung. Gần đây, bộ phim Hoa nắng bị phản đối vì cảnh dung tục. Bộ phim Cô nàng bất đắc dĩ gây thất vọng…
Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, “Phim truyền hình phía Nam khá… hỗn loạn. Thỉnh thoảng mới có một tác phẩm hay, được làm kỹ, đầu tư nghiêm túc. Còn lại, thực sự là… “cỏ”. Đây là hệ lụy của giai đoạn các hãng phim thi nhau bung ra làm phim xã hội hóa. Những nhà sản xuất tư nhân thiếu kinh nghiệm, họ yếu ngay từ khâu kịch bản. Ai cũng đóng phim, ai cũng viết kịch bản, ai cũng làm đạo diễn… Bởi thế, một số phim truyền hình phía Nam trở nên dễ dãi, vô lý, và nhạt nhẽo. Thực tế, nhiều phim truyền hình làm xong cũng xếp kho, hoặc đang chiếu bị dừng phát sóng”.
Với cách thức làm phim “chạy đua” để lên sóng, để câu quảng cáo, để bán vé “càng nhanh càng tốt”, phim phía Nam núp bóng dưới tuyên ngôn: lấy giải trí là tiêu chí ưu tiên hàng đầu từ khâu duyệt kịch bản. Duyệt kịch bản dễ dãi, gây cười dễ dãi, làm phim dễ dãi… Bởi thế, không khó để “đọc tên, chỉ mặt” những thảm họa điện ảnh của thị trường phim phía Nam.
Trong khi phía Nam ồ ạt sản xuất phim, thị trường phim phía Bắc trầm lắng hơn nhiều. Phim điện ảnh thưa thớt. Phim truyền hình… thưa vắng. VFC (trực thuộc Đài truyền hình VN) là đơn vị chủ lực sản xuất phim cho giờ vàng dành cho phim Việt trên hai kênh VTV1, VTV3. Nhưng “giờ vàng” hiện cũng buộc phải chia sẻ với “làn sóng” phim phía Nam. Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, sự lép vế này là vì “lép vế hơn về cách PR, cách kêu gọi quảng cáo, cách kinh doanh nhạy bén bằng nhiều phương cách của các hãng phim tư nhân phía Nam.
Được biết, kế hoạch sản xuất phim những năm gần đây của VFC đã được đẩy mạnh. Số đầu phim sản xuất ngày càng nhiều hơn. Theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt cho VFC 2,4ha đất để xây dựng cơ sở vật chất và trường quay cho hãng. Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, đây là một tin mừng, khi có trường quay, khi có phương tiện kỹ thuật đầy đủ, việc sản xuất phim sẽ dễ dàng hơn với hãng. “Vì thực trạng các đoàn phim cứ phải xin, mượn các bối cảnh để sản xuất phim đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sản xuất. Bạn thử hình dung, bạn viết báo nhưng cứ phải lang thang hết quán cafe, nhà bạn bè hay các nơi công cộng để ngồi đánh máy mà không có một địa điểm làm tòa soạn đáp ứng sự yên tĩnh cần thiết, sẽ rất khó phát huy hết năng lực chuyên môn và chất lượng bài viết”, Đỗ Thanh Hải chia sẻ.
Khi được hỏi về ý kiến, “phim phía Bắc đang suy kiệt”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình đã trả lời: “Nếu tôi nhớ không nhầm, ý kiến nhận định này đăng trên một tờ báo mạng và là do Trưởng ban giám khảo phim truyền hình giải Cánh diều vàng năm nay phát biểu. Nếu đúng là ý kiến từ một người có nghề, đáng kính như đạo diễn Hữu Phần đã nhận xét thế thì chúng tôi- những người làm phim truyền hình phía Bắc phải biết lắng nghe để sửa đổi. Và quả thật, khi bình tĩnh nhìn lại tôi cũng thấy phim truyền hình phía Bắc quả là có "suy kiệt " thật, bao năm nay vẫn là cách nghĩ cũ... Đạo diễn Đỗ Thanh Hải có nhắc đến Elly Trần trong phần trả lời về "sự suy kiệt của phim phía Bắc". ... Lâu nay, phim truyền hình phía Bắc làm cứ lặp đi lặp lại cách viết kịch bản, cách thể hiện theo “kiểu cũ” là phim phải có vai chính, vai phụ rõ ràng. Bây giờ xu thế mới, người ta chấp nhận phim truyền hình dài mấy chục tập chỉ cần có khái niệm vai nữ, vai nam là đủ rồi, không cần phải rạch ròi vai nữ chính, vai nữ phụ.. Vì vậy, để phim truyền hình phía Bắc được đánh giá “ không suy kiệt” như trưởng BGK Hữu Phần đã nhận xét, chúng tôi sẽ phải thay đổi cách nghĩ, ví dụ đơn giản nhất là cần bắt đầu thay đổi từ cách lựa chọn vai diễn nam, nữ chính theo khái niêm chung chung thôi... Tuy nhiên, cũng cần thông cảm cho chúng tôi vì lực lượng diễn viên phía Bắc ít có những nhân tố nổi trội như Elly Trần để giúp vai diễn tỏa sáng và có cơ hội đoạt giải cao trong mùa giải Cánh diều”. |