Phim kinh dị của tôi có thể sẽ “cấm trẻ em”!
"Có thể sẽ phải cấm trẻ em dưới 13 tuổi! Việc giới hạn đối tượng khán giả không chỉ vì những cảnh “nhạy cảm” mà còn vì câu chuyện không phù hợp với lứa tuổi này", đạo diễn Bá Vũ tâm sự về tác phẩm đầu tay - bộ phim kinh dị "Khách sạn không đèn" .
Vốn là người chuyên tuyển diễn viên cho các phim, chắc là phần chọn diễn viên cho phim “Khách sạn không đèn” rất thuận lợi?
Hiện nay mọi việc chuẩn bị đã gần xong. Nếu không có gì thay đổi, tháng bảy này phim sẽ được bấm máy và tới tháng mười sẽ ra mắt khán giả. Trong phim tôi định mời một diễn viên Hàn Quốc tham gia, nhưng đến nay vẫn chưa thương lượng được. Nếu đến giờ chót không thực hiện được, tôi sẽ đổi một phương án khác.
Việc giao vai chính cho Quách An An, một ca sĩ mới chân ướt chân ráo vào nghề ca hát khiến nhiều người cho rằng anh đang dùng phim của mình để lăng xê ca sĩ?
Ai cũng tưởng tôi lăng xê cho ca sĩ, nhưng tôi không có ý đồ đó. Tôi chỉ quan tâm đến đề tài của phim. Lúc đầu tôi định giao vai này cho người mẫu H., nhưng có một số mâu thuẫn nên phải thay đổi. Thế rồi, một người bạn đã giới thiệu Quách An An và tôi “kết” liền vì An nhiệt tình, đáp ứng được về ngoại hình và mọi yêu cầu của đạo diễn khi thực hiện những cảnh “nóng”.
Như vậy anh sẽ phải giới hạn đối tượng xem phim?
Có thể sẽ phải cấm trẻ em dưới 13 tuổi! Việc giới hạn đối tượng khán giả không chỉ vì những cảnh “nhạy cảm” mà còn vì câu chuyện không phù hợp với lứa tuổi này.
Phim đầu tay lại giao cho một nhạc sĩ lần đầu tiên viết nhạc phim, như vậy có mạo hiểm không?
Khi gặp nhạc sĩ Duy Cường, thấy có điều gì đó rất hợp với bộ phim này nên tôi quyết định ngay tức khắc. Tuy anh Cường chưa viết nhạc phim bao giờ, nhưng anh đã quan tâm đến mảng nhạc phim từ khi mới 22 tuổi. Chỉ vì con đường đến Hollywood của Duy Cường có nhiều khó khăn nên anh mới phải chuyển sang làm hòa âm phối khí. Tôi rất ấn tượng với những bản hòa âm phối khí của anh trước đây. Nghe qua phần minh họa Truyện Kiều bằng âm nhạc của Duy Cường có thể thấy những hình ảnh như hiện lên trước mắt người xem. Điều này rất cần thiết trong nhạc phim, đặc biệt đối với phim kinh dị.
|
Đất Việt đã biết trước là tôi đang triển khai phim đầu tay. Nhưng khi nhận được bản kế hoạch dài hơi về việc thành lập và hoạt động của hãng phim thì họ đề nghị tôi về điều hành và chấp nhận để tôi làm song song với phim Khách sạn không đèn. Dự án này đáp ứng đúng mong muốn của tôi là trở thành nhà sản xuất.
Như vậy, “Khách sạn không đèn” sẽ là tác phẩm đầu tay và cũng là tác phẩm “cuối tay”?
Không! Sau khi ổn định công việc ở hãng M&T Pictures, khoảng một năm nữa tôi sẽ thực hiện tiếp hai phim Tuổi dậy thì, Đừng ngủ một mình. Kịch bản hai phim này tôi đã viết xong.
Ra đời ngay trong thời điểm này, liệu sẽ có một cuộc “rượt đuổi” giữa M&T Pictures với Lasta?
Mỗi hãng đều có một “giờ vàng” riêng trên sóng của HTV, nên không có chuyện “rượt đuổi” ở đây. Nhưng cạnh tranh thì có, không chỉ với Lasta mà còn với nhiều hãng khác.
Cụ thể “chiến lược cạnh tranh” sẽ như thế nào?
Sẽ bấm máy và phát sóng với một tốc độ chóng mặt. Hiện M&T Pictures đã lên kế hoạch sản xuất 6 phim, mỗi phim dài từ 20 đến 30 tập.
Ngoài ra, chiến lược sắp tới sẽ là độc quyền về diễn viên. Làm như vậy không những nâng cao tính cạnh tranh mà chất lượng nghệ thuật cũng sẽ bảo đảm hơn.
Có nghĩa là diễn viên sẽ được hưởng lương của công ty?
Không ăn lương, nhưng họ sẽ được bảo đảm về thu nhập. Hãng phim sẽ sắp xếp cho các diễn viên độc quyền được bảo đảm số lượng phim được đóng trong mỗi năm. Bước đầu, mỗi diễn viên sẽ được nhận trung bình là 50 tập phim/năm. Ngoài ra, các diễn viên khi ký hợp đồng độc quyền với M&T Pictures sẽ còn được đào tạo một cách bài bản và chuyên nghiệp.
- Bá Vũ tốt nghiệp Khoa Đạo diễn Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM khóa 1 năm 1992. Năm 1999 anh bắt đầu làm trợ lý đạo diễn, sau đó làm dịch vụ hợp tác làm phim với nước ngoài (sản xuất tại Việt Nam). - Một số phim anh đã tham gia tổ chức sản xuất và tuyển chọn diễn viên: Tomorrow Never Dies (Ngày mai bất tử), Going Back (Trở lại), Quiet American (Người Mỹ trầm lặng)... - Năm 2002 tham gia trong tổ sản xuất chương trình Amazing Grace của Đài Truyền hình CBS (Mỹ). Chương trình này đã đoạt giải Emmy của Mỹ. - Năm 2003 thành lập công ty tuyển chọn diễn viên VietCast. |
Theo Hoàng Sơn
Người Lao Động