1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Phim của các đạo diễn Việt kiều đáng xem hay dở?

(Dân trí) - Hầu hết các phim truyện đề tài Việt Nam của các đạo diễn người Việt kiều được thế giới đánh giá cao bởi cách nhìn nhận và phản ánh hiện thực khác biệt với các đạo diễn trong nước. Song, khán giả trong nước lại có thái độ khá dè dặt khi đón nhận các tác phẩm này.

Sáng 30/12 vừa qua, tại Viện phim Việt Nam đã diễn ra hội thảo về dòng phim truyện của các đạo diễn người Việt ở nước ngoài luận bàn về vấn đề này. Những đạo diễn như Trần Anh Hùng, Tony Bùi, Hồ Quang Minh... và các tác phẩm của họ đã được giới thiệu và trở thành chủ đề chính của buổi hội thảo.  

 

Đạo diễn Trần Anh Hùng định cư tại Pháp với 2 phim: Mùi đu đủ xanh (1992) giải Camera cho phim đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim (LHP) Canes và được đề cử giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất, Mùa hè chiều thẳng đứng (2000) được tuyển chọn dự thi LHP Cannes.

 

Đạo diễn người Mỹ gốc Việt Tony Bùi phim Ba mùa (1998) đoạt giải thưởng Grant Prize tại LHP Sundance, Nguyễn Võ Nghiêm Minh phim Mùa len trâu (2004) đoạt 4 giải thưởng lớn tại các LHP Quốc tế. Đạo diễn Hồ Quang Minh với phim Thời xa vắng (2004) đoạt giải âm nhạc LHP Thượng Hải, giải Diễn viên nữ tại LHP Singapore.

 

Nằm trong dòng chảy này, hai phim Hạt mưa rơi bao lâu (2005 - Đoàn Minh Phượng - Đoàn Thành Nghĩa đạo diễn Đức), Áo lụa Hà Đông (Lưu Huỳnh đạo diễn Mỹ) cũng được giới thiệu.

 

Giải thích về điều này, nhà phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan cho biết: “Do ở xa, không gắn bó nên không nắm được hiện thực thấu đáo bên trong, phản ánh cuộc sống lặp lại nhàm chán. Và vì thế một số chi tiết... gợn”.

 

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng đồng tình với ý kiến của nhà phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan: “Phim mang dấu ấn văn hóa Việt mờ nhạt. Tiêu điểm là hình ảnh cam chịu, câu chuyện đường xa xứ lạ phô diễn, hình ảnh hoang sơ (ao làng, giếng nước), các phim sử dụng âm sắc địa phương khiến người xem buồn cười, ký ức nô lệ...”

 

Còn đạo diễn Khải Hưng thì cho rằng, kinh phí làm phim lớn, phim không bị kiểm duyệt, đề tài đời thường đã khiến những tác phẩm của đạo diễn Việt kiều không đạt doanh thu trong nước.

 

Song, cũng có những ý kiến ủng hộ những sáng tác của các đạo diễn Việt kiều. Đặc biệt, hoạ sĩ phạm Quang Vịnh còn phân tích chi tiết hình ảnh, màu sắc tương phản và cách chọn cảnh quay cẩn thận chi tiết khiến cho hình ảnh khi vào phim không thấy sống sượng hoặc tuỳ tiện.

 

Nhà báo Việt Văn phát biểu: Phim của đạo diễn người Việt ở nước ngoài xuất phát từ những thôi thúc bên trong, tự viết kịch bản từ cảm xúc tâm hồn Việt, chắt chiu chưng cất tâm hồn mình thành phim”.

 

Hội thảo kết thúc, nhưng chưa có ý kiến nào vượt lên trên để đánh giá đúng phim Việt của đạo diễn Việt kiều. Không thể phủ nhận, những đạo diễn Việt Nam ở nước ngoài làm phim về đề tài đất nước đã giúp điện ảnh Việt Nam xuất hiện rộng rãi và gây tiếng vang tại các LHP nước ngoài.

 

Có lẽ, đã tới lúc, các nhà làm phim trong nước cần phải khép đố kỵ, bắt đầu học hỏi vươn lên đúng như tinh thần "WTO" mà đầu hội thảo đã nêu: “Cần phải biết mình ở đâu để rồi hội nhập”.

 

Nguyễn Văn Ninh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm