"Phía sau người lính" - Những điều chưa kể
(Dân trí) - Nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), xin giới thiệu đến bạn đọc bộ sách "Phía sau người lính" do First News tuyển chọn.
Bộ sách gồm bốn tác phẩm đặc sắc và ý nghĩa, tái hiện những thước phim lịch sử sống động về cuộc đời người lính ở cả hai đầu chiến tuyến.
Phía sau người lính như một cuốn biên niên ký về chiến tranh Việt Nam được kể lại dưới góc nhìn khách quan và giọng văn đầy chân thực của các tác giả. Lật giở từng trang sách, bạn đọc như được sống lại ký ức hào hùng của thế hệ đi trước với tinh thần chiến đấu ngoan cường, sẵn sàng hy sinh tất cả những gì mình có để giành độc lập tự do cho dân tộc, bảo vệ đất nước.
Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng
Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng là cuốn sách khắc họa chân dung và cuộc đời hoạt động của nhà tình báo lỗi lạc Đặng Trần Đức (bí danh Ba Quốc).
Cuộc đời ông Ba Quốc là chuỗi dài những chuyện hào hùng gay cấn trong suốt ba cuộc chiến tranh vì độc lập tự do của đất nước: chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Thế nhưng, những cống hiến của ông luôn thầm lặng, nằm trong bóng tối ít người biết đến, vì tính chất công việc cũng như tính cách của ông.
Với văn phong báo chí đầy kịch tính và cách dẫn chuyện tài tình khéo léo, Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng lôi cuốn bạn đọc qua những câu chuyện tình báo hấp dẫn trong những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt. Thông qua cuốn sách, công chúng lần đầu tiên biết đến hoạt động của ông Ba Quốc sau năm 1975 qua tiết lộ của người học trò xuất sắc của ông là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Cuốn sách soi rọi một trang sử từng là bí mật, đồng thời tiết lộ những điệp vụ siêu hạng trong cuộc đời hoạt động tình báo đơn độc đầy hiểm nguy của ông Ba Quốc.
Điệp viên hoàn hảo X6
Điệp viên hoàn hảo X6 là cuốn sách tuyệt vời kể về cuộc đời hai mặt phi thường của điệp viên Phạm Xuân Ẩn (bí danh X6).
Trước khi quyển sách này ra đời, rất ít người biết và hiểu về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn mặc dù ông là một trong bốn nhân vật tình báo huyền thoại của chiến tranh Việt Nam. Có lẽ bởi vì cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn, cũng giống như cái tên của ông, chứa đựng nhiều bí ẩn về con người và sự nghiệp của một nhà tình báo vĩ đại, tài năng và bản lĩnh nhưng lại vô cùng khiêm nhường, bình dị.
Phải đến khi Larry Berman - Nhà sử học, Giáo sư Chính trị học (thuộc Đại học California), một chuyên gia xuất sắc chuyên nghiên cứu về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ viết về ông, lúc ấy cái tên Phạm Xuân Ẩn mới gây chấn động dư luận.
Đọc sách, ta nhận ra phía sau một người làm công việc tình báo phục vụ chiến tranh là nỗi cô đơn. Cô đơn không phải vì không có ai bên cạnh, mà vì họ buộc phải đeo mặt nạ, buộc phải sống "hai cuộc đời". Làm thế nào để sống trọn vẹn cả hai cuộc đời ấy, làm sao để chúng không xung đột với nhau, giữa một nhà báo Phạm Xuân Ẩn làm cho báo Times và một chiến sĩ tình báo Phạm Xuân Ẩn của phe Cộng sản?
Tất cả sẽ được tác giả Larry Berman giải đáp trong Điệp viên hoàn hảo X6. Cuốn sách chứa đựng những tư liệu bí mật lần đầu tiên được công bố về thế giới điệp viên đầy bí ẩn và hấp dẫn.
Chân trần chí thép
Cuốn sách được viết bởi James Zumwalt - một người lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Cha ông là Đô đốc Elmo R. Zumwalt, Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam, người từng phát động chiến dịch rải chất độc da cam dọc các bờ sông ở miền Nam, để lại hậu quả nặng nề cho đất nước và người dân Việt Nam.
Năm 1994, lần đầu tiên James Zumwalt cùng cha mình trở lại Việt Nam trong một chuyến đi nhằm tìm hiểu tác hại của chất độc da cam lên sức khỏe con người. Chính từ chuyến đi ấy, ông đã được tiếp xúc với nhiều vị tướng lĩnh cấp cao, các cựu quân nhân từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cũng như những người dân thường.
Các cuộc gặp gỡ đã giúp ông hiểu rõ đâu là nguyên nhân dẫn tới thắng lợi của Việt Nam trong cuộc chiến ấy. Ông kinh ngạc khi phát hiện ra rằng, những người Việt Nam chân trần đã bước vào cuộc chiến với một chí thép, sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu trường kỳ đến ngày đạt được mục tiêu thống nhất nước nhà, non sông thu về một mối.
Cuốn sách như một thông điệp về hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh gửi đến người dân hai nước, nhưng trước hết là cho chính người Mỹ. Bạn đọc có thể tìm thấy trong cuốn sách những hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam trong cuộc chiến thần kỳ qua góc nhìn của một người từng ở bên kia chiến tuyến.
Một người Việt trầm lặng
Cuốn sách Một người Việt trầm lặng tiếp tục khai thác cuộc đời nhà tình báo lỗi lạc Phạm Xuân Ẩn, nhưng dưới góc nhìn của tác giả người Pháp: Jean - Claude Pomonti.
Jean-Claude Pomonti là đồng nghiệp của Phạm Xuân Ẩn trong thời chiến. Từ trải nghiệm thực tế đời sống báo chí, tác giả đã đưa ra những kiến giải của ông về nhân vật, đặt tiểu sử nhân vật vào bối cảnh "dầu sôi lửa bỏng" của thời cuộc qua lối dẫn dắt như một tiểu thuyết trinh thám.
Những trang viết của Jean - Claude Pomonti như một lược thuật tiểu sử tinh gọn với nhiều tình tiết gợi mở về cuộc đời và lý tưởng của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn. Đằng sau những dòng chữ sống động trong cuốn sách là sự nhân ái, thành tín với bạn bè, đồng nghiệp không phân biệt chiến tuyến của vị tướng tình báo tài ba. Tất cả được khắc họa rõ nét dưới ngòi bút sắc sảo và giàu chi tiết của tác giả.
Chiến tranh đã lùi về dĩ vãng gần nửa thế kỷ nhưng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, vẫn còn vẹn nguyên giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam. Góp công làm nên chiến thắng ấy, không chỉ có những chiến sĩ ngoài mặt trận mà còn có cả sự đóng góp của những chiến sĩ tình báo, những người kiến tạo những chiến công thầm lặng dưới vỏ bọc "kẻ thù" ngay trong lòng địch.
Khép lại những trang sách mang đậm hơi thở lịch sử, hy vọng bạn đọc sẽ hiểu hơn về tấm lòng yêu nước sâu sắc, sự hy sinh thầm lặng cũng như lòng dũng cảm, mưu trí của người lính Việt Nam khiến kẻ thù cũng phải kính nể thông qua bộ sách Phía sau người lính.
Theo NXB First News