Phạm Đình Tiến - người “biến thể” người
Điều gì khiến tác phẩm điêu khắc “Trọng lực” của Phạm Đình Tiến trở thành tác phẩm đầu tiên được đặt mua ngay trong ngày khai mạc Triển lãm Tỏa (Trung tâm Nghệ thuật Đương đại VCCA) bởi một nhà sưu tầm “máu mặt”?
“Tôi muốn thoát ra khuôn phép cũ”
Trong giới điêu khắc hiện nay, Phạm Đình Tiến được nhìn nhận như một tài năng trẻ với những tìm tòi và sáng tạo riêng. Nghệ sĩ sinh năm 1988 được đông đảo công chúng biết tới vào năm 2016 khi đoạt giải Nhất triển lãm Điêu khắc TP HCM. Nhưng trước khi đạt thành tích này, Đình Tiến đã có một quá trình học hỏi, thử nghiệm và tìm cho mình một lối đi riêng với hình khối, đường nét.
Quãng thời gian còn là sinh viên, rồi theo học thạc sĩ về điêu khắc tại Đại học Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh, Phạm Đình Tiến say sưa với mảng đề tài về cơ thể, hình khối con người. Tuy nhiên, Phạm Đình Tiến cảm thấy khó chịu với những khái niệm rập khuôn. “Tôi muốn đi ra ngoài những khuôn phép, thoát ra những lý thuyết mà mình được học” - Đình Tiến hồi tưởng lại quãng thời bắt đầu tìm tòi, sáng tạo.
Qua bàn tay của Đình Tiến, những điêu khắc về con người hiện lên với hình dáng, đường nét có phần kì dị, lạ lùng. Ở “Cuộn” – tác phẩm đạt giải Nhất triển lãm Điêu khắc TP HCM – Đình Tiến tạo ra một khối tròn, gợi liên tưởng tới thân hình cuộn tròn lại như một hình dáng để phòng vệ trước hiểm nguy bên ngoài, hoặc một thân người co rút lại một cách bản năng khi gặp tổn thương.
Còn ở tác phẩm “Trọng lực” (đang trưng bày trong triển lãm Tỏa tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom cùng với “Cuộn” và “Hướng”), Phạm Đình Tiến tạo hình dáng người gầy gò. Khuôn mặt và dáng người méo mó, gầy guộc thể hiện sự lạnh lùng, buông bỏ. Dáng ngồi của tượng gợi thế tọa thiền, như một cách buông bỏ thế sự.
Trong series những bức tượng biến thể nhằm biểu đạt trạng thái, cảm xúc con người, Phạm Đình Tiến vẫn còn một số bức tượng chưa công bố. Anh bảo, việc giới nghệ thuật, hoặc xã hội đánh giá thế nào về những điêu khắc biến thể, thì đó là những ý kiến tham khảo. Còn bản thân Tiến, việc anh tìm cho mình một hướng đi và thể hiện được hướng đi đó bằng tác phẩm là một cột mốc trên con đường sáng tạo của mình.
Từ câu chuyện cảm xúc tới vấn đề xã hội
Không dừng ở cột mốc đó, Phạm Đình Tiến tiếp tục sáng tạo với những thể loại khác của nghệ thuật thị giác. Thời điểm rời trường mỹ thuật, Phạm Đình Tiến tự thấy hiểu biết của mình đang dừng ở mức cơ bản. “Tôi chưa hiểu gì nhiều về xã hội cho lắm, lâu nay chỉ làm việc với cảm xúc bản thân là chủ yếu. Đó là một thiếu sót. Và tôi thấy cần đi ra ngoài để làm điều gì đó mới mẻ” – Đình Tiến kể lại.
Từ nhận thức đó, anh tham gia Sàn Art – một tổ chức về nghệ thuật đương đại. Đó là nơi giúp Đình Tiến hiểu về nghệ thuật đương đại, mở ra các hướng tiếp cận mới. Từ những bức tượng thể hiện cảm xúc con người, Đình Tiến đưa vào tác phẩm những câu chuyện, vấn đề của xã hội.
Một tác phẩm mà Tiến làm trong giai đoạn này nảy sinh từ câu chuyện máy bay MH370 mất tích năm 2014. Anh làm một bức tường bằng gương, trong đó có hình ảnh của nhiều máy bay xuất hiện. Người xem tác phẩm đứng ở điểm nào cũng có thể nhìn thấy họ trong chiếc gương có hình ảnh máy bay nhỏ này. Bằng bức tường ấy, nghệ sĩ gửi thông điệp: Một sự ngẫu nhiên nào đó, bạn có thể xuất hiện trên một chuyên bay, và chuyến bay đó có thể vĩnh viễn mất tích.
Thể hiện câu chuyện xã hội, nhưng câu chuyện bản thân, cá nhân con người vẫn âm ỉ trong con người nghệ sĩ trẻ. Anh quay lại làm những bức tượng người. Nhưng những kiến thức về nghệ thuật đương đại mà Tiến mới tiếp nhận không mất đi, mà âm ỉ tác động vào sáng tạo của nghệ sĩ.
Đình Tiến thử nghiệm một loại hình nghệ thuật mới. Với cốt cách một nghệ sĩ điêu khắc, Đình Tiến làm một video art trên chất liệu điêu khắc. Video dài khoảng ba phút, hiện thị hình ảnh bụi mờ rơi xuống để lộ ra một tượng đầu người. Sau khi bức tượng hiển hiện, thì cũng là lớp bụi mờ lại rơi rụng, làm tan biến, che khuất tượng đầu người, và cuối cùng bức tượng chỉ còn là một nấm đất đá. Video mang tới cảm giác nuối tiếc, là câu chuyện về của một cái gì đó từng hiển thị, nhưng giờ nó đã không còn ở đấy nữa.
Phạm Đình Tiến cùng lúc làm nhiều công việc. Trong vai trò một giảng viên đại học, Đình Tiến truyền tải kiến thức của mình cho sinh viên, đặc biệt là những lý thuyết mới mẻ về nghệ thuật hiện nay. Anh làm thêm nhiều việc như làm décor, dạy mỹ thuật… để có tiền đầu tư cho sáng tạo điêu khắc.
Tác phẩm của Đình Tiến được vinh danh tại nhiều sự kiện nghệ thuật như giải thưởng Dogma về chân dung tự họa, các triển lãm thường niên của hội Mỹ thuật TP HCM, triển lãm Mỹ thuật trẻ TP HCM, triển lãm điêu khắc Bắc – Nam… Hoạt động mới nhất mà Đình Tiến tham gia là triển lãm Tỏa tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom. Nghệ sĩ chia sẻ, ở không gian triển lãm Tỏa, tác phẩm của anh đã có cơ hội thoát khỏi vòng khép kín của nghệ thuật, để đến gần gũi hơn với công chúng.
Nhìn lại quá trình sáng tác, Đình Tiến bảo còn quá sớm để đánh giá về thành quả của mình. Với anh, con đường sáng tạo, lao động nghệ thuật vẫn đang tiếp diễn với những tìm tòi, thể nghiệm mới.
“Đi dạo một vòng triển lãm, tác phẩm điêu khắc này thu hút tôi ngay tức khắc. Nó thật sự mang tới cảm giác rất ‘buông bỏ’ từ bên trong”.
- Nhà sưu tầm mua tác phẩm “Trọng lực” từ triển lãm Tỏa tại VCCA