Oprah Winfrey: Nhà tỉ phú bị ruồng rẫy

Oprah Winfrey - một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới đã bị một cửa hiệu thời trang nổi tiếng ở Paris cấm cửa không cho vào mua sắm. Điều gì đã xảy ra với nhà tỉ phú, người dẫn chương trình giỏi nhất nước Mỹ này?

Giàu có chưa hẳn là được tôn trọng

 

Chuyện bắt đầu từ ngày 14/6, Winfrey đến một cửa hiệu của hãng thời trang Hermes tại 24 Faubourg Saint-Honore, Paris. Đường sá vẫn đông khách du lịch qua lại, đơn giản vì đây là dãy phố có nhiều cửa hiệu của những hãng thời trang nổi tiếng. Câu chuyện đầu tiên đăng trên tờ New York Post mô tả về sự cố trên như sau:

 

"Các nhân viên đã không nhận ra khách hàng của họ là người dẫn chương trình talk-show nổi tiếng nhất nước Mỹ bởi Winfrey không hề trang điểm gì cả, tóc rối bù và nhìn "như một con điên". Họ từ chối không cho cô vào và những lời lẽ qua lại sau đó có nhắc tới chuyện "chúng tôi đã gặp quá nhiều rắc rối do dân Bắc Phi gây ra".

 

Đến khi nhận ra Winfrey, một nhân viên nói toạc: "Oprah, cô quên mất cô là người da đen, không trang điểm, không làm tóc, nhìn quá xấu. Nói thật, tôi mê Oprah nhưng những gì tôi thấy qua ti vi hoàn toàn khác với ngoài đời".

 

Hai ngày sau, tờ New York Daily đăng tải một câu chuyện, cũng về sự cố trên nhưng nội dung có phần khác đi. Cho rằng Winfrey đến ngay sau khi cửa hiệu đóng cửa và không ai nghi ngờ về thân phận của cô cả. Winfrey vẫn thấy người mua sắm đi rảo bên trong cửa hiệu và hỏi các nhân viên của Hermes đứng ở cửa xem nếu có thể cô sẽ vào và mua nhanh một vài thứ. Nhân viên ở đây nói "không" và kế đến, người quản lý cũng có câu trả lời tương tự. Một người bạn giấu tên nói với tờ Daily News rằng họ không dùng những lời lẽ kỳ thị chủng tộc nhưng có nói bóng gió đại loại "nếu Celine Dion hay Barbra Streisand đưa ra lời đề nghị tương tự thì chẳng có vấn đề gì cả".

 

Trả lời tờ Daily News, phát ngôn viên của Winfrey cho biết sự cố này là một "Oprah's "Crash" moment" (Khoảnh khắc sụp đổ của Oprah, mượn tên một bộ phim) và sau đó Winfrey đã gọi điện liên hệ với Chủ tịch hệ thống Hermes tại Mỹ - ông Robert Chavez, để than phiền về sự cố trên. Một người bạn của Winfrey - Ms King cho biết Winfrey không hề có ý định trở lại Hermes mua sắm lần nữa.

 

"Vị trí của cô ta là "tôi chỉ mua sắm ở những nơi mọi người tôn trọng tôi và công việc của tôi và tôi không tin trong số những nơi đó có Hermes" - King nói. Về phần mình, Winfrey cho biết là "chỉ muốn vào mua một chiếc đồng hồ tặng người bạn - ca sĩ Tina Tuner", nhưng bây giờ "tôi đang có kế hoạch kể lại câu chuyện của mình trong talk-show vào tháng 9 tới".

 

Lời xin lỗi của Hermes

 

Trong khi các bản tin trên Internet đều bôi đen chân dung của công ty thời trang Pháp thì Hermes đã đưa ra lời xin lỗi công khai từ tổng hành dinh ở Paris "vì đã không phục vụ và chăm sóc được cô Winfrey và bạn bè, trái hẳn với tiêu chí phục vụ khách hàng trên toàn thế giới do Hermes đề ra" và "Hermes xin lỗi tất cả những lỗi lầm dẫn đến sự hiểu nhầm đáng tiếc".

 

Công ty cũng đã kể lại câu chuyện hơi khác so với câu chuyện trước đó, rằng Hermes đóng cửa hàng lúc 6 giờ 30 chiều nhưng hôm đó, cửa hiệu đang chuẩn bị cho một chương trình bán hàng đặc biệt nên khi Winfrey và 3 người bạn nữa đến lúc 6 giờ 45 đã tưởng là vẫn còn khách mua sắm bên trong cửa hiệu. Phát ngôn viên của Hermes cho biết: nhân viên gác cửa cùng các nhân viên bán hàng không hề nói câu nào có dính đến cụm từ "Bắc Phi" hoặc những câu bất cẩn khác - theo những gì camera an ninh ghi lại. Nhân viên gác cửa giải thích rằng cửa hiệu đã đóng trong khi nhân viên bán hàng đã chìa cho Winfrey một tấm danh thiếp với lời mời cô vui lòng ghé lại vào ngày hôm sau. Còn người quản lý cửa hiệu không hề thấy đứng ở ngoài cửa.

 

Ở Pháp, các cửa hiệu của Hermes vốn là nơi để những nhân vật nổi tiếng trong ngành công nghiệp giải trí đến mua sắm và... phung phí tiền bạc. Nhưng chuyến viếng thăm bất ngờ của Winfrey ngay khi cửa hiệu đến giờ đóng cửa có vẻ như là một khoảnh khắc lạc lõng. Nhiều người cho rằng cách xử sự phân biệt giữa những người nổi tiếng da trắng và da màu trên như là một hành động kỳ thị, bất lịch sự. Và những câu chuyện "có tiền vẫn bị khinh rẻ" như trường hợp của Winfrey không phải là hiếm. Cornel West trong bộ đồ 3 mảnh đã không thể đón được taxi ở Manhattan, Vanessa Williams bị một cô hầu bàn không cho vào dự một bữa tiệc của người bạn, dù đã ăn mặc sang trọng.

 

Thậm chí cả bà Condoleezza Rice - trước khi trở thành Ngoại trưởng Hoa Kỳ - bị một cô gái bán hàng mắng vào mặt chỉ vì đòi xem một món trang sức khác đắt tiền hơn cái vừa xem. Những câu chuyện đại loại như thế đã nhiều lần làm xôn xao nước Mỹ.

 

Trong các diễn đàn trên Internet, một số fan đã yêu cầu Winfrey mỗi lần đến mua sắm ở các cửa hiệu của Hermes thì làm ơn nhớ... gội đầu.

 

Đôi nét về Oprah Winfrey

Sinh năm 1953 tại Kosciusko, Mississippi, Oprah Winfrey được bà ngoại nuôi nấng trong một trang trại "nơi cô bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề phát thanh viên" bằng cách học làm sao để giọng đọc to và rõ.

Từ năm 6 tuổi sống ở  Milwaukee với mẹ. Sau khi chịu đựng nhiều sự lạm dụng và quấy nhiễu, năm 13 tuổi, cô bỏ nhà ra đi và bị đưa tới trại giáo dưỡng trẻ em, song may mắn được nơi này từ chối vì hết giường và thay vì nhận Winfrey, họ gửi cô đến Nashville sống với người cha nổi tiếng nghiêm khắc. Mỗi tối, ông yêu cầu Oprah phải đọc một quyển sách và sáng hôm sau phải viết bài báo cáo về quyển sách đó.

Sự nghiệp truyền thông của Oprah bắt đầu khi cô lên 17 tuổi, tìm được việc làm cho Đài phát thanh WVOL ở  Nashville nhưng phải đến năm 1978 tài năng dẫn chương trình của cô mới được phát hiện.

Năm 1985, chương trình The Oprah Winfrey Show ra đời và nhanh chóng trở thành chương trình số 1 nước Mỹ. Đến nay, mỗi tuần chương trình của Oprah Winfrey thu hút được khoảng 30 triệu khán giả. Cô trở thành tỉ phú da màu đầu tiên và được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới trong thế kỷ 20 và được tạp chí Forbes xếp ở vị trí số 1 trong danh sách 10 người nổi tiếng nhất trong ngành công nghệ giải trí với thu nhập năm 2004 đạt khoảng 290 triệu USD.

 

 

 Theo Lê Huỳnh Lê

Thanh Niên