1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

“Oải” vì “sạn” trong phim Việt

(Dân trí) - Những tình huống vô lý, phi thực tế tới nực cười có thể xảy ra trong bất kỳ bộ phim nào kể cả là siêu phẩm điện ảnh của Hollywood. Điều này đối với phim Việt còn diễn ra thường xuyên hơn!

Chuyện nhặt sạn trong các phim lớn của Hollywood vốn đã rất quen thuộc đối với những khán giả yêu điện ảnh còn với phim Việt, đôi khi khán giả chẳng cần phải nhặt cũng “đập vào mắt” những hạt sạn to đến khó đỡ. Gần đây, điện ảnh Việt phát triển nở rộ hơn xưa, công nghệ làm phim cũng đã có nhiều sự thay đổi tích cực hơn rất nhiều, nhưng chẳng hiểu sao rất nhiều cục sạn “to tướng” ngay trước mắt thì chẳng hề thay đổi.

 

Xem cảnh nóng trên... trần nhà

 

Các cảnh nóng trong các phim hiện đã dễ dàng được khán giả chấp nhận hơn. Chẳng thế mà các phim chưa ra mắt thì các cảnh nóng đã úp mở trong trailer quảng cáo phim. Nhưng thực tế, đã không xem cảnh nóng trong phim Việt thì thôi chứ xem rồi thì... tức anh ách. Đặc biệt với những phim truyền hình, do là những phim gia đình có mức độ người xem cao, đối tượng cả trẻ nhỏ lẫn người già nên cảnh nóng dù có thế nào cũng phải qua kiểm duyệt khắt khe. Giải pháp cho các nhân vật tiến lại gần nhau, sau màn mở đầu sẽ là khán giả được xem cảnh quay tranh trên tường hoặc đếm thạch sùng trên trần nhà rất lâu, ngoài ra,nếu cảnh tình tứ diễn ra ngoài trời thì khán giả sẽ được ưu ái được ngắm trăng và đếm ngọn cây!

 

Rất khó để tìm được một cảnh nóng trong phim Việt có góc quay nghệ thuật, đẹp mắt hay diễn viên có diễn xuất tinh tế tới mức đáng ngưỡng mộ. Vì thế không ngạc nhiên khi khán giả không có cơ hội xem cảnh nóng chân thật và nghệ thuật, thay vào đó sẽ là... ngồi đoán linh tinh với cảnh vừa thô vừa vô lý!
 
Cảnh nóng trong phim Bẫy rồng - ảnh minh họa

Cảnh nóng trong phim Bẫy rồng - ảnh minh họa

 

Trang điểm mọi lúc mọi nơi

 

Trong mọi cảnh phim, kể cả khi nhân vật đã lên giường đi ngủ thì nhân vật nữ vẫn luôn mang gương mặt trang điểm kỹ lưỡng, tóc tai được tạo dáng cầu kì chỉ để đẹp khuôn hình. Đi ngủ trang điểm vô lý đã đành! nhưng khi vào vai nông dân, người hầu, thậm chí những vai bị hành hạ bầm dập… thì khuôn mặt vẫn cứ phải dày bự phấn son. Về tóc và trang phục, nếu khán giả nào thường xem phim truyền hình sẽ không khó để nhận ra diễn viên bê nguyên bộ quần áo từ phim này sang phim kia. Cứ vào vai phụ nữ khoảng tầm 40-50 tuổi y như rằng diễn viên đội nguyên một bộ tóc giả giống hệt nhau dù nhân vật mỗi phim khác nhau. Bởi thế mới có chuyện hai bà ngồi xem một phim nhưng mỗi người lại quả quyết tên phim khác nhau.

 

Hay như cứ vào vai thanh niên nông thôn thì phải ăn mặc thật quê kiểng, vào vai nhà nghèo thì phải ăn mặc rách rưới trong khi cuộc sống thực tế hiện nay khó phân biệt được thanh niên nông thôn và thanh niên thành phố chỉ qua trang phục quần áo. Người nông thôn, người nghèo cũng đâu có mặc quần áo rách như cách đây hơn chục năm!

 

Lỗi trang điểm đã đành, phục trang và tạo hình nhân vật cũng gây ra những tình huống dở khóc dở cười. Vì thế mới có chuyện cảnh trước diễn viên bị băng bó tay phải, lập tức cảnh sau băng ở tay trái, vết thương trên mặt chạy hết chỗ này đến chỗ khác. Như trong phim “Trở về 3”, nhân vật osin Bé Năm do diễn viên Tuyền mập đóng có một nốt ruồi ở cằm. Khi cô ngồi trong nhà còn bé xíu, chỉ cần chạy ra ngoài mở cổng cho bà chủ, quay trở lại - nốt ruồi đó đã to bằng đầu ngón tay út! 

 

Vô lý cứ tiếp diễn

 

Trong phim “Sơn đẹp trai” vừa ra mắt có một cảnh vô lý và hài hước đến từ chính lời thoại. Ngay mở đầu phim, Sơn và cô ca sỹ bị rượt đuổi bởi một nhóm giang hồ, nhóm này liên tục hô “dừng lại”. Có người thắc mắc rằng: “Có kẻ nào đuổi theo người khác hô dừng lại mà người ta dừng không?!”. Quả thật trong các phim Việt trước đến nay cứ hễ có cảnh đuổi bắt, chém giết… là y như rằng kẻ đuổi liên tục hô “dừng lại” - Đây có lẽ là một trong những câu thoại không hợp tình huống và thừa thãi nhất trong phim Việt.

 

Bên cạnh đó nói về các vai phản diện thì lúc nào cũng chung một mô tuýp - hết lườm nguýt rồi mắt trợn ngược với người đối diện. Cá biệt những nhân vật gian ác ngầm - theo lẽ thường thì phải bí hiểm, mặt lạnh như không có gì thì các diễn viên lại thay nhau biểu hiện ra nét mặt để tỏ rõ độ ác độc với người trong cuộc mà tuyệt nhiên không bị phát hiện (chỉ có khán giả xem phim mới phát hiện ra mà thôi!).

 

Khi nhân vật có vết thương phải băng bó, để trầm trọng hơn - các vết thương luôn được thêm một chút “máu” đỏ ở bên ngoài lớp băng. Nếu ai đã từng băng bó hay là y bác sĩ hẳn sẽ phải phì cười với kiểu băng như không này!

 

Còn rất nhiều điều vô lý không kể hết trong các bộ phim Việt. Nếu các nhà làm phim không nhanh chóng khắc phục những nhược điểm này và tự nhặt sạn cho phim của mình thì không thể trách vì sao khán giả nước nhà lại quay phim với điện ảnh của chính nước mình.
 

Bạn nhặt được “sạn” gì trong phim Việt? Hãy chia sẻ với chúng tôi bằng cách để lại lời bình luận cuối bài viết. Comment hay nhất tính tới 24h ngày 18/4 sẽ nhận được phần quà là 1 CD nhạc. Comment hay nhất thuộc về bạn Nguyễn Thị Huệ Email:  nguyenthihuek36ta@gmail.com, chúng tôi sẽ sớm liên hệ với bạn - Cảm ơn các bạn đã quan tâm!

 

Hữu Đông