"Nữ hoàng chấm bi" Yayoi Kusama - câu chuyện thú vị về nữ nghệ sỹ sống trong trại tâm thần
(Dân trí) - Yayoi Kusama là một nghệ sỹ lừng danh thế giới với nhiều tác phẩm bán được với giá "triệu đô', bà lớn lên trong gia đình không hạnh phúc và đã vẽ hàng ngàn bức tranh dựa trên ảo giác của mình. Hơn thế nữa, Yayoi còn sống trong trại tâm thần từ năm 1977 tới nay... Đó là những gì mà những người yêu nghệ thuật nhắc tới khi nói về Yayoi Kusama.
Yayoi Kusama từng được mệnh danh là một trong những nữ nghệ sỹ "đắt giá" nhất mọi thời đại, bà đã có nhiều tác phẩm bán giá "triệu đô" trong đó đáng chú ý là bức White No.28 (vẽ năm 1960) từng bán được giá hơn 7 triệu USD bởi nhà đấu giá Christie’s New York vào năm 2014
Yayoi Kusama sinh năm 1929 trong một gia đình giàu có ở Matsumoto, Nhật Bản, gia đình bà không hạnh phúc với người mẹ bạo lực và người cha thường đi "lăng nhăng" với phụ nữ, vì thế Yayoi tìm đến nghệ thuật như một cách để giải khuây nhưng cũng không được gia đình ủng hộ
Yayoi Kusama đã phản ứng lại những trật tự và đạo đức cũ của cha mẹ bà trong khoảng thời gian qua tuổi hai mươi và sau đó quyết định tìm kiếm sự tự do và danh tiếng ở New York. Tới giờ Yayoi vẫn nói: "Nước Mỹ thực sự là đất nước đã nuôi dưỡng tôi để có ngày hôm nay."
Yayoi mô tả công việc của mình như là "y học nghệ thuật". Các bức tranh "Infinity Net" của bà được khen ngợi tại New York, xuất phát từ ảo giác thị giác mà bà tuyên bố đã ám ảnh từ thuở ấu thơ. Bà cũng tham khảo các tập phim ảo giác ngay từ năm 1963. Trong một cuộc phỏng vấn với nhà phê bình nghệ thuật Gordon Brown, Yayoi nói: "Những ảo giác lớn hơn bản thân tôi và vượt ra ngoài những bức tranh sơn dầu mà tôi đang vẽ", Hiện nay ở tuổi 88, Yayoi sống một cách tự nguyện trong một trại tâm thần ở Tokyo, nơi là nhà của bà từ năm 1977.
Yayoi Kusama được gọi là nữ hoàng chấm bi và bà thừa nhận bị ám ảnh với những đốm màu, Kusama từng nói rằng: “Những chấm bi không thể đứng riêng. Khi chúng ta xóa bỏ tự nhiên và cơ thể chúng ta bằng những đốm màu, mọi thứ sẽ trở thành một thể thống nhất.”
Kusama không bao giờ đặt ra phong trào, luôn gọi mình là phong cách "nghệ thuật Kusama", mặc dù bà được coi là nghệ sỹ tiên phong nhưng bà không để cho thế giới quên mất nguồn gốc Nhật Bản của mình, bà luôn mặc kimono trong các sự kiện quan trọng.
Kusama luôn sử dụng thời trang để thu hút sự chú ý. Khi còn là một đứa trẻ, bà đã trang trí một cách nổi loạn trang phục với những chấm bi. Khi bà ra mắt công ty thời trang của riêng mình trong những năm 1960, quần áo không có chấm bi thì lại có lỗ thủng. Bà từng hợp tác với Louis Vuitton vào năm 2012 - sự hợp tác của nghệ sĩ nổi tiếng nhất với nhà mốt đình đám nhất. Những ngày này Yayoi hiếm khi xuất hiện thiếu bộ tóc giả và quần áo chấm bi.
Sex là một chủ đề thường xuyên trong công việc của Kusama mặc dù bà mô tả mình là người vô tính. Mối quan hệ của bà với Cornell là mối quan hệ lãng mạn duy nhất nhưng không có tình dục. Kusama nói khi còn là đứa trẻ bà đã hiểu cảm giác đau khổ khi gia đình không hạnh phúc. "Không một ngày nào mẹ tôi không hối hận vì sinh ra tôi, cha tôi thì có lối sống xa hoa. Ông hẹn hò với một geisha và bỏ mặc chúng tôi để được đi với bà ấy tới Tokyo. Mẹ tôi đau khổ và tức giận còn tôi đã bị mắc kẹt ở giữa. Đó là lý do tại sao tôi bắt đầu bị ảo giác. Tôi bắt đầu tìm tới bác sĩ tâm thần và chính ông là người đầu tiên khuyến khích tôi phát triển như một nghệ sĩ."
Kusama thường mô tả mình khao khát sự nổi tiếng như thế nào khi đến New York. Với tư cách là một người phụ nữ tạo dựng sự nghiệp ở một quốc gia xa lạ, bà cần quyết tâm và mạnh mẽ để thu hút sự chú ý.
Tác phẩm tranh tự họa của Yayoi Kusama - bà vẽ năm 1952
Kusama thường nói rằng nếu không phải vì nghệ thuật, bà đã tự tử từ lâu. "Tôi thấy rất khó khăn khi đi ngủ, nhưng đó là cách tôi thoát khỏi bệnh tật và ảo giác. Tôi không thực sự nghĩ về những cảm xúc của mình, tôi không có kế hoạch làm cho nó vui vẻ nhưng một khi tôi bắt đầu công việc, tay tôi di chuyển trước khi tôi có thể suy nghĩ bất cứ điều gì." Kusama sẽ rất vui nếu triển lãm mới "đưa mọi người đến với ý tưởng về sự vô tận của vũ trụ và vẻ đẹp của cuộc sống. Nếu còn năng lượng, tôi sẽ tiếp tục sáng tác, tôi muốn sống tới 200 hoặc 300 tuổi." Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Yayoi nói cuộc sống của bà hiện đã nhiều niềm vui hơn và mọi người có thể cảm nhận điều này qua các tác phẩm mới của bà. Bà cũng nói thêm, sở thích của bà là ăn bánh, hạnh phúc của bà là tạo ra những tác phẩm nghệ thuật và bà luôn muốn cho đi hơn là nhận về.
Đ. Thắng