1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

NSƯT Vương Đức: “Với chúng tôi, không có phim, nghĩa là chết!”

(Dân trí)- Hãng phim truyện VN - cánh chim đầu đàn của điện ảnh cách mạng đã có những tháng năm dài tồn tại một cách “dặt dẹo”. Đời sống khó khăn. Cơ sở hạ tầng xuống cấp. Thậm chí, tấm sổ đỏ chứng minh mảnh đất ở số 4 Thụy Khuê là của mình, hãng cũng…không có.

Hãng phim truyện Việt Nam từng có những năm tháng huy hoàng, những năm tháng ấy, họ là cánh chim đầu đàn của điện ảnh cách mạng Việt Nam, nơi đã cho ra đời những tên tuổi lớn. Từ hãng phim truyện Việt Nam, điện ảnh Việt Nam đã có Chung một dòng sông, Con chim Vành Khuyên, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Làng Vũ Đại ngày ấy, Vợ chồng A phủ…

Bi kịch chỉ bắt đầu khi nhà nước ngừng cấp vốn. Hàng chục năm nay, hãng “sống dở chết dở” với tên gọi mới là công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim truyện Việt Nam! Đời sống nghệ sỹ rơi vào khó khăn. Cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí, đến tấm sổ đỏ chứng minh về mặt pháp lý mảnh đất ở số 4 Thụy Khuê là của mình, hãng cũng không có.
 
NSƯT Vương Đức: “Với chúng tôi, không có phim, nghĩa là chết!” - 1
Vấn đề của hãng phim truyện VN đã trở thành câu chuyện dài kỳ về bi kịch của các nhà làm phim thời cổ phần hóa.

Giữa bối cảnh, phim tư nhân nhộn nhịp sản xuất, hãng phim truyện VN (xin phép được gọi bằng tên cũ) gần như… vắng lặng. Hai năm trở lại đây, hãng được cấp vốn sản xuất 2 bộ phim, Tâm hồn mẹ (đạo diễn Phạm Nhuệ Giang) và Mùi cỏ cháy (đạo diễn Hữu Mười). Với số vốn được cấp, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang miệt mài đi xin thêm tiền để có thể hoàn tất bộ phim. Trường hợp Mùi cỏ cháy thê lương hơn, đạo diễn Lưu Trọng Ninh không nhận vì quá ít tiền. Đạo diễn Hữu Mười tiếp nhận nhưng bấm máy từ 25/12/2010 đến bây giờ vẫn chưa thể hoàn tất!

NSƯT Vương Đức- Giám đốc hãng phim truyện Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí.

“Chẳng lẽ lại buông xuôi…?”
 
NSƯT Vương Đức: “Với chúng tôi, không có phim, nghĩa là chết!” - 2
Đạo diễn Vương Đức - Giám đốc hãng phim truyện Việt Nam

Bộ phim Mùi cỏ cháy của hãng được đặc cách tham dự LHP 17 dù chưa hoàn tất. Được biết, phim bấm máy từ 25/12/2010, nhưng phải dời đi dời lại nhiều lần do thiếu kinh phí. Thực tế, đồng tiền đã có những ảnh hưởng nặng nề như thế nào tới hãng, thưa ông?

Về bộ phim Mùi cỏ cháy, dự kiến thời gian quay ban đầu là 3 tháng, nhưng cuối cùng đã kéo dài tới 8 tháng. Có nhiều lý do dẫn đến việc phim bị chậm tiến độ, không chỉ đơn thuần vì tiền. Thời tiết là một lý do đặc biệt. Không hiểu vì sao, cứ mỗi lần đoàn làm phim lên đường, trời lại đổ mưa. Rất nhiều lần như thế.

Phim làm về chiến tranh, bối cảnh phức tạp. Quả nổ, xe tăng, xe lội nước, các đơn vị hậu cần… để tập hợp được đầy đủ tất cả những thành phần ấy cho một cảnh quay, phía tổ chức sản xuất của phim gặp rất nhiều khó khăn. Được quả nổ, xe tăng, lại thiếu xe lội nước. Những cảnh chiến trận đã góp phần kéo dài thời gian làm phim.

Hiện tại, phim đã bước vào những khâu hậu kỳ cuối cùng. Chúng tôi dự kiến đưa phim sang Thái Lan hòa âm. Nhưng bạn cũng biết đấy, Thái Lan lũ lụt nghiêm trọng. Nước đã tràn vào cả Bangkok. Tôi vừa nhận được thông tin, có thể 2 tuần nữa, nước mới rút. Chúng tôi vẫn nỗ lực để phim được hòa âm xong nhanh nhất, kịp dự LHP.

Tôi cũng thắc mắc, không hiểu sao, ông trời lại khắc nghiệt với đoàn làm phim Mùi cỏ cháy như vậy. Dù có kinh phí đầy đủ đi chăng nữa, phim sẽ vẫn bị kéo dài thời gian quay bởi những lý do như đã kể trên.

Vụ bê bối thất thoát tiền của Cục Điện ảnh khiến nhiều người nghĩ đến tình cảnh “ốm yếu” của hãng phim truyện Việt Nam nói riêng và của ngành Điện ảnh nói chung. Không ai ngờ, một nền điện ảnh đói khổ đến thế lại có bấy nhiêu tiền để thất thoát. Là người đã phải chịu khổ cùng với hãng phim, với công việc làm phim đã lâu, ông nghĩ gì trước vụ thất thoát tiền?

Nói như đạo diễn Thanh Vân, hãy cố gắng tìm trong đống tro tàn ấy một tín hiệu vui. Bới móc mãi vào đống tro tàn cũng chẳng để làm gì và chẳng được gì. Coi đó như một “trận động đất” của ngành điện ảnh, một sự vụ có phần bi thảm để từ đó biến đau thương thành hành động.

Tôi cũng thấy, sau sự việc, xã hội đã có cái nhìn chia sẻ hơn đối với chúng tôi. Đó là một tín hiệu tích cực.
 
NSƯT Vương Đức: “Với chúng tôi, không có phim, nghĩa là chết!” - 3

Cũng trong sự vụ thất thoát tiền, khi đến hãng phim truyện Việt Nam, người ta không chỉ bất ngờ về cơ sở vật chất xập xệ, đổ nát, người ta còn… sốc trước thông tin, mảnh đất của hãng phim chưa hề có sổ đỏ…?

Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, giữa tiếng súng nổ, bom rơi, thế hệ cha anh chúng tôi vẫn ngồi hòa âm, vẫn làm cho xong phim. Chiến tranh ác liệt thế, sự sống cái chết mong manh thế, họ còn làm được phim, chẳng lẽ chúng tôi lại không làm được?

Tôi đã nghe một bản hòa âm phim trong đó có cả tiếng còi báo động (báo động xuống hầm trú ẩn tránh bom). Cha anh chúng tôi đã làm phim khi bom ném ầm ầm ngoài đê Yên Phụ. Chẳng lẽ chúng tôi lại đầu hàng khó khăn?

Khó khăn là có thật. Nhưng phải cố gắng thôi. Chẳng lẽ lại buông xuôi?

“Làm phim truyền hình, anh em nuôi nhau”

Những khó khăn của hãng phim truyện VN không phải là chuyện một sớm, một chiều mà đã kéo dài cả chục năm nay. Trong tương lai gần, ông định làm gì, làm như thế nào để “không buông xuôi”… ?

Với chúng tôi, không có phim, là chết. Còn làm phim là còn sống. Vậy muốn sống, thì phải làm phim! Chúng tôi đi tìm phim để làm. Những năm gần đây, anh em trong hãng đi làm phim truyền hình để nuôi nhau. Chúng tôi cũng đến với những đối tác, ký kết, thỏa thuận làm phim đôi bên cùng có lợi. Ví dụ, người ta có thương hiệu, có sản phẩm cần quảng cáo, cần đưa vào phim… Chúng tôi ngồi lại bàn bạc để cả hai bên cùng có lợi.
 
NSƯT Vương Đức: “Với chúng tôi, không có phim, nghĩa là chết!” - 4
Đạo diễn Vương Đức đã có thời đắm đuối với điện ảnh. Anh có những bộ phim ấn tượng như: Những người thợ xẻ, Cỏ lau, Của rơi... Khi ấy, anh không bao giờ nhắc đến phim truyền hình.

Cách đây chừng 4-5 năm, người viết đã từng có dịp phỏng vấn ông - đạo diễn Vương Đức. Khi ấy, ông vừa làm xong bộ phim Của rơi, đang ấp ủ cho dự án phim nhựa Rừng đen. Vào khoảng thời gian ấy, ông đam mê điện ảnh. Ông không nhắc đến phim truyền hình. Và ông còn cay đắng khi nghĩ đến việc những đạo diễn phải xin tiền về làm phim…?

Bây giờ tôi đã nghĩ khác. Tôi cho đó là việc bình thường. Xin tiền ở đây không phải là mang cái bị đi ăn xin. Đơn giản, đó là sự liên kết, là sự kết hợp đôi bên cùng có lợi.

Về vấn đề sổ đỏ, tôi cũng muốn nhắc lại. Vì không có sổ đỏ, chúng tôi từng gặp nhiều khó khăn trong công việc làm ăn với đối tác. Đơn cử, có đối tác muốn ký kết với chúng tôi, hỗ trợ xây dựng lại cơ sở vật chất cho hãng, nhưng lại gặp rắc rối với pháp lý vì không có sổ đỏ.

Tôi nghĩ, hãng tôi đã ở đây từ năm 1959, các cơ quan chức năng nên có trách nhiệm cấp sổ đỏ cho chúng tôi để chúng tôi có cơ sở pháp lý vững chắc trong việc ký kết, làm ăn với các đối tác sau này.

Báo chí đã từng lên tiếng về sự vụ này. Từ đó đến nay, cơ quan chức năng đã có động thái nào về việc sẽ cấp sổ đỏ cho hãng phim truyện VN?

Chưa. Chưa có gì hết.

Hiền Hương thực hiện

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm