NSƯT Minh Vượng: “Bố con nghệ sĩ Xuân Hinh rất hay xông nhà cho tôi”
(Dân trí) - NSƯT Minh Vượng tiết lộ thú vị, cô thường đi diễn phục vụ bà con đêm giao thừa nên khi về nhà hay là người tự xông nhà luôn. Có nhiều năm, bố con nghệ sĩ Xuân Hinh là những vị khách đầu tiên xông nhà cho cô.
Cay cay sống mũi nhớ Tết mậu dịch còn bà, còn mẹ
Kỷ niệm nào cô nhớ nhất mỗi khi Tết đến, xuân về?
Ngày Tết đối với tôi vô cùng thiêng liêng, tôi hay nhớ về bà, về mẹ, về những gì đã qua, mọi kí ức trong tôi đều long lanh tươi đẹp.
3 ngày Tết đúng là Tết đoàn viên, gắn quyện các thành viên trong gia đình. Mọi người ngồi với nhau để nhớ lại một năm qua, hoạch định cho năm mới.
Tết ngày xưa tuy thiếu thốn khó khăn nhưng hầu như bây giờ gặp nhau, bạn bè ai nấy đều nói rằng “ước gì mua một vé về tuổi thơ”. Một điều nổi bật ở Tết xưa là lòng nhân ái của con người đối với nhau.
Bây giờ, thế hệ sau có lẽ không hình dung được cảnh nhà nọ san sẻ với nhà kia: “Bà ơi, cho em vay một thìa nước mắm”, “ bà ơi cho em vay nửa quả chanh”, “ bà ơi cho em vay bơ gạo”,…
Mặc dù khi trả lại, nước mắm của họ không ngon bằng, quả chanh của họ không tươi bằng và lon gạo không dẻo thơm bằng nhưng không ai tính toán điều gì cả.
Tôi vẫn nhớ sự quây quần của cả gia đình bên nồi bánh chưng, trước đó 1-2 ngày, ông bà, bố mẹ rửa lá, đãi đỗ vo gạo, mà thịt ngày xưa có sẵn như bây giờ đâu. Cả nhà cố gom góp thực phẩm từ 2 tháng trước Tết để có nồi bánh chưng tươm tất cho con, cho cháu.
Bao nhiêu năm qua, nghệ sĩ Minh Vương gắn bó với sự nghiệp diễn xuất và đào tạo lớp diễn viên kế cận.
Bây giờ mỗi lần nổi lửa, tôi vẫn cảm nhận như hơi nước của nồi bánh chưng năm xưa bốc lên thơm lừng, khi vớt ra, những đứa trẻ con bao giờ cũng có chiếc bánh chưng bé tí tẹo được ưu tiên.
Giờ đây mỗi khi Tết đến, cô còn gói bánh chưng không?
Bây giờ ít nhà ở thành phố gói bánh chưng, hầu như ở nông thôn hoặc ven thành phố mới còn nhiều, còn ở Hà Nội đa phần mọi người đi mua dịch vụ.
Lại nói đến tổ phục vụ ngày xưa, luộc chiếc bánh chưng năm xu một hào. Thích nhất là mỗi nhà đánh dấu khoảng 10-20 chiếc bánh chưng của nhà mình bằng miếng vải, miếng nhựa, đồng xu nhưng khi luộc xong giống nhau hết vì vải và xu rơi ra nhưng mọi người vẫn vui vẻ.
Dù nhầm lẫn cũng lại chẹp miệng: “Thôi mình lấy của nhà khác biết đâu ngon hơn” hoặc “bánh nhà mình ngon nhưng thôi san sẻ cho nhà khác”. Cũng vì thế mà ngày Tết hay lắm, vui ghê gớm.
“Không có Tết thì lấy đâu ra sự gắn kết tuyệt vời như thế”
Cô nghĩ nên hay không nên gộp Tết Tây và Tết ta?
Tôi là người đi biểu diễn nước ngoài nhiều, thấy Tết Tây họ đơn giản lắm. Tôi nhớ nhất một năm đi Đức biểu diễn Noel sau đó ăn Tết Tây, thấy người ta chạy ra trước cửa nhà bắn pháo sáng rồi mở một chai sâm-panh, mỗi người nhấp một ly là xong một cái Tết.
Nhưng với người Việt Nam, điều gắn quyện lại là những gì tốt nhất. Mâm ngũ quả, mâm cúng ngày Tết là những gì ngon nhất, tươm tất nhất được bày vào chiều tối 30, đêm giao thừa. Nhà nào cũng không quên mời ông bà tổ tiên về chứng giám.
Nghệ sĩ Minh Vượng cùng các thế hệ nghệ sĩ của nhà hát kịch Hà Nội vui xuân Kỷ Hợi.
Vượng nghĩ rằng, Tết Tây là của Tây còn mình là người Á Đông, điều gì đặc trưng nên giữ lại.
Điều quan trọng không phải là miếng ăn ngày Tết mà là sự gắn kết tình cảm gia đình. Con cái đi làm xa, ngày Tết ai cũng muốn về với ông bà bố mẹ, về với làng quê chôn rau cắt rốn rồi hết Tết lại ùn ùn lên thành phố.
Nếu không có Tết thì làm sao có được điều đó? Sống trên thành phố có thể ăn những bữa ngon ở nhà hàng sang trọng nhưng thiếu đi không khí quê hương thì làm sao ra Tết? Nhắc đến Tết là nhắc nhớ làn hương trầm, tiếng bát đĩa lanh canh mang không khí gia đình.
Ngày Tết, tôi thích nhất hai loại hoa là hoa đào và hoa cúc. Hoa cúc ngày xưa đến mùa thu - đông mới có, bây giờ người ta nhân giống quanh năm. Cúc vàng đại diện cho sự trường thọ, thanh khiết, mùi hương rất lạ, khi tàn cánh không rụng. Hoa đào tượng trưng cho mùa xuân, một năm chỉ có một lần. Tết năm nào nhà tôi cũng chơi 2-3 cành hoa đào, từ trước Tết cho đến rằm tháng giêng.
Hiếm khi được xem Táo Quân đêm Giao thừa
Có thể nói món ăn tinh thần không thể thiếu với người Việt trong đêm Giao thừa chính là chương trình Táo Quân. Cô có dành đêm 30 để xem Táo Quân không?
Nói thật là mặc dù nhiều năm tham gia đóng Táo Quân nhưng ít khi Vượng được xem đúng đêm 30 bởi còn đi diễn phục vụ bà con, về đến nhà là trên dưới 12 giờ rồi. Thường thì phải xem lại vào ngày mùng 1 hoặc mùng 2.
Năm nay, tuy không tham gia Táo Quân 2019 nhưng nghệ sĩ Minh Vượng vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt với các đồng nghiệp.
Đó là một điều hơi thiệt thòi của người nghệ sĩ…
Đúng vậy, có nhiều bộ phim tôi đóng, thấy các bạn nói đang chiếu đấy nhưng mà tôi bận đi làm không xem được. Đa phần là phải xem lại.
Cật lực phục vụ khán giả, trở về sau 12h đêm, vậy đôi khi chính cô lại là người xông nhà mình?
Đa phần, tôi là người tự xông nhà. Nếu như hôm nào tôi ở nhà, tôi sẽ ra cửa nhà trước 5 phút, mặc bộ quần áo tươm tất, cho một ít tiền vào túi rồi bước vào tự xông nhà và nói “Chúc mừng năm mới”.
Nghệ sĩ Xuân Hinh trong một lần giả gái bên nghệ sĩ Minh Vượng.
Bố con nghệ sĩ Xuân Hinh cũng là những người rất hay đến xông nhà tôi vào mùng 2 Tết bởi tôi cho rằng, với con người, điều cần nhất là sức khỏe và sự vui vẻ. Bởi có sức khỏe người ta sẽ mơ được nhiều thứ chứ còn không có sức khỏe chẳng mơ được gì. Nhưng nếu có sức khỏe mà buồn thì vẫn đìu hiu vậy thì phải vui.
Tôi rất thích cách đón năm mới của người Việt. Người Việt Nam hay ở chỗ, cứ ra đường gặp nhau dù quen hay không quen cũng nói với nhau “Chúc mừng năm mới vui khỏe” thay cho câu chào. Người Việt có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, chúng ta có những điều riêng biệt mà không một đất nước nào có.
"Người Việt Nam hay ở chỗ, cứ ra đường gặp nhau dù quen hay không quen cũng nói với nhau “Chúc mừng năm mới vui khỏe” thay cho câu chào", nghệ sĩ Minh Vượng bày tỏ.
Tôi là người tham công tiếc việc, vấn đề không phải vì tiền mà không có gì sung sướng hạnh phúc bằng được làm công việc mình yêu thích.
Ngoài việc biểu diễn ra, tôi còn giảng dạy ở trường Cao đẳng sân khấu cũng như một số trung tâm dạy nghề cho diễn viên trẻ. Ngoài ra tôi còn tham gia mảng biểu cảm ngôn ngữ và kỹ năng sống cho trường mầm non chất lượng cao Việt - Bun lấy tên “Cười to chóng lớn” cho trẻ em từ 2,5 đến 5 tuổi. Đó là niềm vui của tôi.
Cô nghĩ sao về chuyện lì xì cho các bạn nhỏ trong ngày Tết hiện đại?
Tôi thấy không bằng lòng việc nhìn bao lì xì để đánh giá người đến đến chúc Tết gia đình. Ngày xưa, tiền lì xì toàn là hào với xu, thế rồi những năm 85-90 trước 2000, tiền mừng tuổi là 1.000đ, 2.000đ, 5.000đ thôi nhưng người nhận nâng niu lắm. Tiền mang tính tượng trưng, điều quan trọng là người ta gửi gắm tình cảm ở trong đó.
Giờ đây tôi thấy đau lòng khi nhìn những đứa trẻ 5-10 tuổi khi nhận tiền lì xì, rút trong phong bao ra, nói với mẹ: “ơ chỉ có 20.000đ”. Có những đứa trẻ, con của các sếp, quen nhận phong bì lớn, chính người lớn đã tạo tiền đề xấu cho trẻ em.
Tôi không phải người kỹ tính nhưng những gì là thuần phong mỹ tục của dân tộc thì nên giữ gìn, tham sân si không hay, lúc nhắm mắt xuôi tay cũng có mang đi được cái gì đâu. Xã hội này cần lắm những việc tử tế.
Những hình ảnh của NSƯT Minh Vượng và dàn nghệ sĩ nổi tiếng của màn ảnh Việt
Phương Nhung