NSƯT Kim Tử Long mang "Tiếng trống Mê Linh" ra Hà Nội
(Dân trí) - So với nhạc trẻ, cải lương vẫn là bộ môn nghệ thuật kén khán giả. Việc đem ê-kíp nhiều ngôi sao từ miền Nam ra không đơn giản nhưng NSƯT Kim Tử Long, chỉ đạo sản xuất Đoàn Thúy Phương vẫn quyết tâm.
Chương trình "Ngôi sao phương Nam" số 10 diễn ra hai đêm 15-16/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ mang đến vở cải lương "Tiếng trống Mê Linh".
"Ngôi sao phương Nam" là chuỗi sự kiện thường niên được tổ chức nhằm quảng bá, giữ gìn và bảo tồn bộ môn nghệ thuật truyền thống cải lương.
NSƯT Kim Tử Long cho biết, mỗi số của chương trình đều để lại nhiều kỷ niệm quý giá đối với anh, đặc biệt là năm nay, khi chương trình trở lại sau 3 năm tạm ngưng vì Covid-19.
Kim Tử Long cho biết: "Tôi rất mến mộ tài điều binh khiển tướng của chỉ đạo sản xuất Đoàn Thúy Phương - người đưa "Ngôi sao phương Nam" ra Hà Nội đến nay đã được 9 số.
Quan trọng hơn, đờn ca tài tử, cải lương được giới thiệu đem đến một món ăn tinh thần cho bà con Hà Nội. Một điều nữa tôi muốn nói là khán giả Hà Nội quá dễ thương, họ đón chào những nghệ sĩ miền Nam rất nồng nhiệt".
Vở diễn kinh điển nói về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng, khơi gợi lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong lòng mỗi người với quyết tâm son sắt "Đất nước Nam độc lập muôn đời".
Chương trình có sự tham dự của: NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Hữu Châu, Đại Nghĩa, Dũng Nhí, quán quân Sao nối ngôi Bình Tinh, nghệ sĩ Trinh Trinh, Xuân Trúc, Chí Bảo, Tô Thiên Kiều, Ngọc Nga, Thi Nhung, Huyền Trâm, Lê Văn Hậu...
Không chỉ đảm nhận vai Thi Sách, NSƯT Kim Tử Long còn kiêm vai trò đạo diễn. "Đây là một vở diễn kinh điển được tái hiện qua nhiều thế hệ nghệ sĩ. Tôi và Đoàn Thúy Phương chọn "Tiếng trống Mê Linh" để tặng khán giả Hà Nội nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10", NSƯT Kim Tử Long nói.
Kim Tử Long cho biết, kịch bản "Tiếng trống Mê Linh" cố nghệ sĩ Thanh Nga đã biểu diễn quá đình đám, ăn sâu vào lòng người. Trên vai trò đạo diễn, anh sẽ đầu tư lớn cho sân khấu, đem những yếu tố hiện đại như màn hình led, cộng thêm phục trang mới, dàn dựng lại nhưng không biến tấu làm mất yếu tố cốt lõi của kịch bản.
So với nhạc trẻ, cải lương vẫn là bộ môn nghệ thuật kén khán giả. Việc đem một ê-kíp nhiều ngôi sao từ miền Nam ra, lại chú trọng đầu tư sân khấu không phải là điều đơn giản trong lúc này.
Lý giải cho việc vẫn tâm huyết với chuyện đưa cải lương ra Bắc, chỉ đạo sản xuất Đoàn Thúy Phương cho biết: "Tôi tự hào là người đưa cải lương Phương Nam ra miền Bắc sau hàng chục năm vắng bóng. Tôi và nghệ sĩ Kim Tử Long luôn hợp tác rất ăn ý.
Bản thân tôi cũng hạnh phúc vì được làm việc cùng những nghệ sĩ mình yêu mến. Dù việc tổ chức các buổi diễn cải lương nhiều thách thức nhưng tôi luôn cố hết sức mình vì tôi thấy thế hệ cha mẹ mình rất yêu cải lương.
Có những người đưa cha mẹ 90 - 100 tuổi ngồi xe lăn đẩy tới, có các cụ già chở nhau bằng xe đạp tới… Kết thúc buổi diễn dù đã muộn nhưng khán giả lớn tuổi vẫn ở lại, tặng hoa cho tôi, cảm ơn tôi vì đã tổ chức chương trình. Những điều đó khiến tôi rưng rưng nước mắt".
Với Đoàn Thúy Phương, tình yêu cải lương ngấm vào máu thịt, trở thành duyên nợ trong cuộc đời. Năm 13 tuổi, cô bé với chất giọng ngọt ngào được tuyển thẳng vào nhà hát cải lương Chuông vàng nhưng mẹ Đoàn Thúy Phương không cho theo con đường nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp Kinh tế, niềm đam mê nghệ thuật vẫn sôi sục trong chị.
"Thứ tôi thích nhất là cải lương, sau này khi làm về sân khấu, tôi thích nhất những dòng nhạc dân ca, trữ tình về quê hương đất nước. Tôi có chút năng khiếu nhưng hát tự do, không được đào tạo bài bản thì không chuyên nghiệp như các ca sĩ được.
Nếu để lấn sân ca hát thì tôi không dám nên đành lùi lại làm nhiệm vụ của người đứng sau ánh đèn sân khấu. Tuy không được theo nghệ thuật nhưng vẫn làm việc về nghệ thuật, với tôi đó đã là một niềm hạnh phúc", Đoàn Thúy Phương tâm sự.